5 tháng chuẩn bị cho V-League 2016 là quãng thời gian nghỉ quá dài so với giải vô địch quốc gia ở những quốc gia khác.
Chính vì thế, các đội bóng chẳng chút vội vàng trong việc tìm kiếm tân binh nhằm củng cố lực lượng. Một số HLV lý giải thêm một nguyên nhân nữa các đội không làm nóng thị trường chuyển nhượng cầu thủ, là các cầu thủ đang có ý định ép giá chuyển nhượng trở lại sau thời gian vài năm khép mình.
Patiyo (trái) có dấu hiệu muốn ép giá ở V-League. |
Cách đây vài năm, khi các ông bầu lần lượt rời bỏ bóng đá, không ít cầu thủ phải chịu cảnh thất nghiệp, đổi nghề. Mới đây nhất là Cà Mau tuyên bố không dự giải hạng Nhất 2016 vì không có kinh phí. Nói như thế để thấy cho tới bây giờ bóng đá Việt Nam chưa thoát khỏi khó khăn nhưng các đội bóng đã thích nghi với điều kiện tài chính eo hẹp hơn trước. Gần như không còn những vụ “bom tấn” chuyển nhượng như Công Vinh về Hà Nội ACB của bầu Kiên năm 2011 hay Quang Hải tới NaviBank Sài Gòn cùng năm… Nhiều ngoại binh lúc bấy giờ nắm bắt tình hình “sốt ảo” chuyển nhượng cũng nhào theo “đạp” giá lót tay cao hơn.
Các cầu thủ hiểu rõ 14 đội ở V-League nhưng chỉ còn 9 đội ở hạng Nhất là môi trường rất chật hẹp và sẽ không có chỗ cho những đòi hỏi thái quá. Chính vì thế, các cầu thủ khép mình trong điều kiện tài chính khó khăn hơn trước. Ngay cả thủ môn đội tuyển quốc gia như Tô Vĩnh Lợi vẫn bị Thanh Hóa sa thải nửa chừng; tiền đạo số một Việt Nam Lê Công Vinh ngồi dự bị dài dài ở B. Bình Dương.
Kể từ nửa cuối tháng 10-2015, hoạt động mua sắm cầu thủ sôi động nhất trong vài năm trở lại đây. Thế Cường, Quang Tình… không đạt được thỏa thuận tài chính với SLNA nên chuyển tới đầu quân cho XSKT Cần Thơ. Hoàng Thiên, Út Cường, Minh Nhựt lần lượt rời HAGL. Mọi người đang cảm nhận được dường như các cầu thủ ở V-League bắt đầu tìm cách ép giá chuyển nhượng trở lại. Có thông tin SHB. Đà Nẵng cũng vào cuộc nhằm giành chữ ký của Vua phá lưới Patiyo sau khi rời QNK. Quảng Nam muốn giữ anh. Trước đó, có ít nhất 2 CLB ở top đầu V-League 2015 muốn có sự phục vụ của tiền đạo Congo ở mùa giải 2016. Chân sút 31 tuổi vẫn chưa trở lại Việt Nam nhưng tiết lộ thông tin một CLB Malaysia đồng ý lót tay cho anh 200.000 USD và lương tháng 15.000 USD.
Theo thông tin chúng tôi nắm được ở giải VĐQG Malaysia thì mức lương 10.000 USD/tháng của Safig Rahim đã nằm trong top 6 cầu thủ có lương cao nhất ở Malaysia. Ngôi sao chạy cánh Baddrol Baktiar nhận lương tháng 15.000 USD ở Kedah là nằm vào top 5. Patiyo tuy là Vua phá lưới V-League 2015 nhưng không hẳn là cầu thủ có đẳng cấp cao như Samson. Do đó, có thể hiểu Patiyo đang cố ép giá để nhận mức lương cao hơn tại V-League nên các CLB hết sức cẩn thận trước chiêu trò cũ mà mới này.
TỊNH BẢO