Tròn 2 năm trôi qua kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh biệt chúng ta (4-10-2013 – 4-10-2015), mỗi ngày, hàng ngàn người đổ về mảnh đất Quảng Bình, nơi Đại tướng yên nghỉ thắp nén hương để tưởng nhớ, suy ngẫm.
Xuất thân là một giáo viên dạy Sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành người được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam. Ông là người đã trực tiếp dẫn dắt “Đội quân thơ ấu” từ 2 bàn tay trắng, từ chân đất súng trường lớn lên trong suốt cuộc trường chinh 10.000 ngày, đánh bại 10 đại tướng của quân đội viễn chinh nhà nghề của 2 đế quốc hùng mạnh.
Trong Kinh Thánh, Luke viết: “…khi trẻ người ta sẽ thấy tầm nhìn, khi già người ta sẽ mơ những giấc mơ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống một cuộc đời làm được trọn vẹn hai điều đó. Khi còn trẻ, tiềm năng của đất nước đã khơi dậy cảm hứng cho ông và ông trở thành một phần tầm nhìn đó.
Thành công trong cuộc đời cầm quân của tướng Giáp gắn liền với sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ những ngày còn nằm gai nếm mật ở vùng rừng núi Cao - Lạng, Cụ Hồ đã tâm huyết, nhẹ nhàng dạy ông 4 từ: Dĩ công vi thượng. Lời dạy ngắn gọn đó không chỉ theo ông trong suốt cuộc đời cầm quân mà khi đã hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó, trở về với không ít thử thách trong cuộc sống đời thường nhưng trong tư tưởng và hành động, ông luôn tâm niệm một điều: đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, lợi ích nhân dân lên trước hết.
Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường. Trên tạp chí The Sunday Times, số ra ngày 12-11-1972 tác giả James Fox đã viết: “Sẽ là sai lầm nếu ta tìm cách tách ông Võ Nguyên Giáp ra khỏi khuôn khổ nhà lãnh đạo tập thể”.
Cả cuộc đời cầm quân của mình, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyệt đối tuân thủ sự lãnh đạo của tập thể (Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ và Bác Hồ). Theo tướng Đoàn Huyên viết trên báo Đại đoàn kết tháng 8-2001 thì: “Trong đấu tranh để giải quyết những vấn đề chưa thống nhất nảy sinh trong quá trình lãnh đạo cách mạng, ông luôn tự xác định một thái độ đúng đắn nhất, đấu tranh xây dựng để đoàn kết thống nhất, bình tĩnh và tự kiềm chế, ung dung tự tại, không hề để cá nhân chi phối, ảnh hưởng đến lợi ích cách mạng”.
Quan điểm xuyên suốt của tướng Giáp là mọi thành công của một chủ trương chiến lược, mọi thắng lợi của một chiến dịch đều là công lao của tập thể, của toàn quân, toàn dân. Sau thắng lợi của mỗi chiến dịch, trong nhật lệnh đọc trong lễ mừng công, bao giờ ông cũng biểu dương thành tích của các chiến trường phối hợp, động viên và an ủi thương binh, bệnh binh, cảm ơn nhân dân địa phương, cảm ơn sự chi viện hết mình của nhân dân hậu phương xa gần… Không quên không sót một ai khi nói, khi viết đến chiến công, đó là điều ông căn dặn những người cầm bút.
Ngày 23-6-1997, trong cuộc tiếp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc - Namara và một số quan chức quân sự cao cấp Mỹ, một thành viên trong đoàn khách hỏi tướng Giáp một câu khiến mọi người vô cùng phấn khích: Trong 30 năm chiến tranh, vị tướng nào được ông đánh giá cao nhất? Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời rằng chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ, còn bất kỳ vị tướng nào dù có công lao đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Vị tướng mà ông Giáp đánh giá cao nhất là tướng nhân dân.
Lòng yêu thương trên hết của tướng Giáp để dành cho đất nước, cho nhân dân. Ông đã thề sẽ giải phóng dân tộc khỏi sự xâm lược của nước ngoài, thống nhất Tổ quốc về một mối. Cả cuộc đời ông dành toàn bộ tâm trí và nghị lực, tham vọng và niềm kiêu hãnh vô bờ của ông để phục vụ cho những mục tiêu ấy.
Với Tổ quốc, với Đảng, với Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn trung thành vô hạn. Đó là con đường sáng mà Đảng, Bác Hồ đã vạch ra để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà quân đội và nhân dân đã tin tưởng giao phó. Với đồng chí, đồng đội ông luôn trước sau như một, nhất mực thủy chung vẹn toàn.
Với kẻ thù, dù chúng có lắm tiền, nhiều súng, dù cuộc chiến có những lúc gặp khó khăn và chịu nhiều tổn thất nhưng vị Tổng Tư lệnh vẫn luôn bình tĩnh, sáng suốt, chọn thời cơ và phương thức tiến công để giành toàn thắng.
Đại tướng nhận được niềm tin yêu trọn vẹn và lòng ngưỡng mộ đặc biệt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và bạn bè quốc tế. Các tác giả nước ngoài từ ký giả, sứ giả, tướng lĩnh, chính khách đã tỏ rõ sự trọng thị và khâm phục khi nói về Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đó là con người góp phần làm thay đổi dòng chảy của lịch sử, vị tướng huyền thoại, người đánh ngã những gã khổng lồ. Tất cả đều đúng, đều thể hiện sự mến mộ của các nhà nghiên cứu người nước ngoài đối với dân tộc Việt Nam nói chung, đối với cá nhân Võ Nguyên Giáp nói riêng.
Tổng hợp tình cảm thâm sâu nhất mà nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng, xin trích lại bài thơ có tên Vẹn đầy của một số cựu chiến binh và cán bộ, giáo viên huyện Mỹ Đức và thị xã Hà Đông đến chúc thọ Đại tướng tròn 95 tuổi năm 2005 mà tất cả những từ đầu mỗi câu ghép lại sẽ thành một chân lý đã được khẳng định:
Đại trí, đại nhân, thật vẹn đầy,
Tướng tài kiệt xuất hiếm xưa nay.
Võ công hiển hách lừng vang dội,
Nguyên là nhà giáo đất rồng bay.
Giáp cốt dường như từ thiên tạo,
Người như đại thụ vút trời mây.
Anh minh trung nghĩa lòng bác ái,
Cả nước ghi ân đức cao dầy.
Của báu địa linh - Phong Nha động,
Quân tướng tình thâm: Sáng danh thầy.
Đội ngũ kiên cường theo chân Bác,
Ta về mừng thọ thỏa lòng thay!
Điều thiết thực đáng quan tâm lúc này là đất nước ta, quân đội ta, cán bộ các ngành, các cấp thuộc thế hệ hôm nay và mai sau cần rút ra những điều gì ở con người Võ Nguyên Giáp, cần học tập những gì ở người chiến sĩ cộng sản kiên trung mẫu mực ấy để suy ngẫm, liên hệ và vận dụng vào công cuộc đổi mới và chấn hưng đất nước.
KIM OANH