.

Xử lý nước thải hệ thống nhà hàng ven biển

.

Vượt qua nhiều đề tài sáng tạo tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2015, đề tài “Áp dụng công nghệ lọc màng (MBR) xử lý nước thải nhà hàng ven biển thành phố Đà Nẵng” của nhóm Đặng Đình Nghĩa, Tôn Thị Nhật Quỳnh và Nguyễn Đăng Khoa, khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - ĐH Đà Nẵng được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tế.

Nhóm nghiên cứu gồm các bạn Nghĩa, Khoa và Nhật Quỳnh.
Nhóm nghiên cứu gồm các bạn Nghĩa, Khoa và Nhật Quỳnh.

Chia sẻ về ý tưởng đề tài, Đặng Đình Nghĩa cho biết: Cùng với sự phát triển năng động của một thành phố du lịch thì kéo theo đó là sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng tại các nhà hàng, khách sạn ở các cung đường chạy dọc bờ biển. Vấn đề môi trường, trong đó chủ yếu là nước thải theo đó phát sinh.

Hiện nay các nhà hàng ven biển phải tự giải quyết nước thải của cơ sở của mình, bằng hệ thống lưới chắn rác, bể tách dầu mỡ và bể tự hoại, rồi xả ra biển. Còn các quán nhậu thì hầu hết họ đều xả thẳng ra sông, ra biển, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nặng. Và với hiện trạng nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm, đòi hỏi việc tái sử dụng nước ngày càng được đặt lên cao, nếu bỏ qua yếu tố bảo vệ môi trường thì chẳng mấy chốc bờ biển dài và đẹp sẽ bị ô nhiễm.

“Với chính sách phát triển du lịch bền vững, việc áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến ngày càng phổ biến. Từ ý nghĩ đó, chúng em chọn giải pháp công nghệ MBR để áp dụng vào xử lý nước thải”, Nghĩa cho biết.

Để hoàn thành đề tài, các bạn phải lặn lội lấy mẫu nước thải ở các cống nước nhà hàng.
Để hoàn thành đề tài, các bạn phải lặn lội lấy mẫu nước thải ở các cống nước nhà hàng.

Để hoàn thành đề tài, nhóm của Nghĩa mất khoảng thời gian gần nửa năm. Khi tiếp cận các nhà hàng xin mẫu nước để làm thử nghiệm, nhiều chủ nhà hàng e dè, nghi ngại. Phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục, họ mới đồng ý cho các bạn lấy mẫu khảo sát. Ngoài thời gian lên giảng đường, các bạn liên tục gặp mặt trao đổi, rút kinh nghiệm sau mỗi lần làm thí nghiệm thất bại. “Ngoài một ít kinh phí được các thầy cô hỗ trợ, tụi em phải chắt bóp các khoản chi tiêu để dành cho việc nghiên cứu đề tài. Nhiều lúc cũng chật vật lắm nhưng nghĩ đến mục đích đề tài thì ai cũng động viên nhau cố gắng”, Nguyễn Đăng Khoa cho biết thêm.

Sau khi có mẫu thử nghiệm, nhóm lại cùng nhau đánh giá chất lượng nước thải, đánh giá sơ bộ về phương pháp xử lý nước thải hiện đang được áp dụng tại các nhà hàng chưa xử lý nước đúng theo yêu cầu. “Qua khảo sát, bọn em nhận thấy các thông số chất lượng nước đầu ra đều vượt quy chuẩn cho phép. Đơn cử như lượng oxy để oxy hóa các chất hữu cơ và sinh hóa (BOD5) gấp 5,2 lần; lượng oxy để oxy các chất hóa học (COD) gấp 2,4 lần, chất rắn trong nước (TSS) gấp 2,6 lần, dầu mỡ gấp 1,4 lần…

Từ thông số này, nhóm bắt tay vào việc thiết lập và vận hành mô hình MBR xử lý nước thải nhà hàng ven biển, làm thí nghiệm xác định các thông số tối ưu. Các thông số đều cho kết quả chất lượng nước thải ra môi trường của các nhà hàng chưa đạt quy chuẩn. Các phương pháp thử nghiệm với hệ thống MBR cho kết quả xử lý tốt.

Nghĩa cho biết, màng lọc được sử dụng là loại màng dạng sợi rỗng. Nghiên cứu cho thấy chất lượng nước sau xử lý của mô hình tốt, có khả năng tái sử dụng để tưới cây, nuôi cá...

Một điều đáng lưu ý là tiềm năng ứng dụng công nghệ MBR để xử lý nước thải nhà hàng là rất lớn. Đây cũng là cơ sở ban đầu để tính toán thiết kế áp dụng công nghệ MBR không chỉ cho các hệ thống xử lý nước thải nhà hàng ven biển tại Đà Nẵng mà tương lai khi cù lao Chàm được đầu tư phát triển với nhiều nhà hàng, khách sạn mọc lên thì xử lý nước thải trước khi đổ ra biển cũng là vấn đề cần được quan tâm. “Hy vọng lớn nhất của nhóm là đề tài sẽ được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ để ứng dụng vào thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường”, Nghĩa bộc bạch.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.