Vẫn biết mất còn là quy luật muôn đời, nhưng cái “mất” của ông đã “còn” lại ở thành phố này nhiều dấu ấn, trong đó đậm nét nhất là những cây cầu bắc qua sông Hàn.
Ông Huỳnh Tâm gửi tặng cuốn sách tâm huyết của mình cho khu mộ ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: V.T.L |
1. Anh Đặng Nhanh, cán bộ Công an xã Hòa Tiến được phân công trực coi ngó mộ ông Nguyễn Bá Thanh, đang loay hoay đặt bộ ly tách trên chiếc bàn nhỏ kê sau phía cổng vào mộ, chưa kịp trò chuyện cùng tôi thì một chiếc xe máy trờ tới. Anh lật đật ra chào khách.
Đó là ông Huỳnh Tâm, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ thuật hoa viên thành phố Đà Nẵng, tuần trước tôi vừa gặp ông tại lễ khai trương văn phòng mới của Hội trên đường Nguyễn Tri Phương (trong khuôn viên Công viên 29-3) và ra mắt kỷ yếu Kỷ niệm 32 năm thành lập Hội (1983 - 2015).
Anh Nhanh đưa ông khách đã ngoài bát tuần theo lối nhỏ lát đá vào viếng mộ. Ông trịnh trọng đặt cuốn kỷ yếu (khá nặng) lên bàn thờ vọng người đã khuất, đốt một nén nhang và chừng như thầm thì một điều gì đó.
Một lát, ông quay ra nhìn chúng tôi, giọng chùng xuống như nói với chính mình: “Lẽ ra cuốn kỷ yếu này hoàn thành nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội, khi anh Thanh còn tại thế. Chuyện đời ai biết được, qua đầu năm 2016 sách mới ra mà ảnh thì đã đi xa gần một năm. Tôi mang lên hai cuốn, một cuốn để ở nhà ảnh, một cuốn mang lên tận mộ để tỏ chút lòng tri ân. Những người làm nghệ thuật hoa viên chúng tôi rất quý mến ảnh, chính ảnh đã ký quyết định công nhận Ban chấp hành Hội Nghệ thuật hoa viên Đà Nẵng sau khi thành phố trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương”.
Ông Tâm dành hết tâm huyết cho cuốn sách ảnh dày hơn 250 trang này, ở đó ông dành riêng một trang đăng chân dung ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; bên dưới là bài thơ “Nhớ mãi một con người” của nhóm thơ Hội Nghệ thuật hoa viên Đà Nẵng in trên nền hoa sen và lá sen, có đoạn: Tâm Anh mang nặng một chữ “Nhân”/ Chăm lo, nâng đỡ kẻ yếu bần/ “Năm không”, “Ba có” Anh đề xướng/ An sinh xã hội được lòng dân.
2. Khi tôi hỏi người đi với ông có phải là người trong Hội, ông Tâm cười: Tôi đi đâu cũng nhờ mấy anh chạy xe thồ hết, chứ già rồi, sức mô nữa.
Mưu sinh bằng xe thồ, xích lô là một trong những nghề được cho là yếu thế, bần hàn. Từ khi nhiều hãng taxi bủa rộng mạng lưới khắp Đà Nẵng, thu nhập của họ ngày một hẹp lại.
Lúc sinh thời, ông Nguyễn Bá Thanh mỗi khi Tết đến xuân về lại không quên hỗ trợ họ một món quà năm mới, một chút nghĩa tình của lãnh đạo thành phố để góp phần cho mọi nhà, mọi người có cái Tết đoàn viên, ấm cúng.
Tất cả họ, những người chạy xe thồ, đều nghèo, bởi nếu giàu có thì ai lại chuốc vào mình cái cơ cực của đêm đông giá rét hay ngày hạ nắng nóng?! Riêng Tổ xe thồ tự quản ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thường hoạt động ở khu vực cầu vượt Hòa Cầm, đã không có lương bổng gì mà còn tự nguyện “vác tù và hàng tổng” bằng việc săn bắt trộm cướp, bảo vệ an ninh phố phường.
Nghe những thông tin tốt đẹp về họ qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Nguyễn Bá Thanh đã chia sẻ cảm nhận của mình trong một lần nói chuyện với cán bộ, viên chức thành phố: “Tôi rất muốn xách vài chai rượu xuống ngồi uống với mấy ông xe thồ tự quản để động viên họ nhưng bận quá. Sắp tới dù bận đến mấy thì tôi cũng phải ngồi với họ, động viên họ”.
Ông Nguyễn Bá Thanh chừ đã không còn dịp để “xách vài chai rượu” xuống tận khu phố để nhâm nhi, chuyện trò với những người nghèo chạy xe thồ. Ngày tiễn ông về cõi vĩnh hằng, chính họ – những người chạy xe thồ/xích lô, và cả những thanh-thiếu niên một thời lầm lỗi, những người đàn ông từng bạo hành vợ... lại thành kính mang hoa đến viếng con người đã mang lại cho họ niềm tin vào những gì tốt đẹp của cuộc sống.
3. Chữ “Nhân”, theo Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, “là cái đạo lý làm người, phải thế mới gọi là người. Yêu người không lợi riêng mình gọi là nhân”. Ông Nguyễn Bá Thanh lúc sinh thời đã tỏ lòng “nhân” theo cách ấy.
Buổi sáng hôm đó, trước ông Huỳnh Tâm, chúng tôi gặp ông Phan Công Hà, Trưởng phòng Tổ chức Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản – Sở Y tế Đà Nẵng. Ông Hà và đồng nghiệp tranh thủ lên viếng mộ ông Nguyễn Bá Thanh trước ngày giỗ đầu của vị nguyên lãnh đạo thành phố, bởi ông muốn có một không gian thanh tịnh riêng để có thể “chuyện trò” với người đã khuất những tâm tình tận cõi lòng mình.
Một lần, ông Hà nhớ lại, ông Nguyễn Bá Thanh xuống thăm Bệnh viện Đà Nẵng. Khi đến khoa Sản (cũ), ông xem qua khu vực nhà vệ sinh, thấy toàn bộ đều bố trí bồn cầu (ngồi) xổm, bèn góp ý với lãnh đạo bệnh viện: “Bồn cầu xổm với người khỏe mạnh đã không tiện, với các sản phụ càng bất tiện hơn; các bà ngồi xuống dễ bị ngã, nguy hiểm đến sức khỏe mẹ và con”. Lãnh đạo bệnh viện, ngay tức khắc, lập đề án lắp đặt toàn bộ bồn cầu (ngồi) bệt cho khoa Sản.
“Chỉ người có lòng nhân, biết tận tụy với người dân mới nghĩ tới những việc tưởng chừng không có gì to tát đó. Việc làm này của anh Thanh, có người cho là nhỏ nhặt, nhưng tôi thì cảm nhận ở đó cái tâm của người lãnh đạo không chỉ đối với người bệnh mà cho cả ngành Y tế”, ông Hà trải lòng.
Những dịp lễ lạt, Tết nhứt, ông Hà thường đến chuyện trò với bác sĩ Lê Thị Quý, vợ ông Nguyễn Bá Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Ông Hà gọi BS Quý là “linh hồn của Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng” và khuyên bà nguôi ngoai đau xót để gắn bó với nơi này nhiều hơn, vì bệnh viện chính là một trong những công trình tâm huyết của ông Nguyễn Bá Thanh trong việc thể hiện đức “nhân” của con người.
4. Một năm trước, khi người con của Hòa Tiến là ông Nguyễn Bá Thanh ra đi, Chủ tịch UBND xã lúc đó là ông Nguyễn Đình Anh cùng anh em mở đường, san ủi đất vào huyệt mộ. Phó Bí thư Trần Đình Nhơn (nay là Bí thư) và Phó Chủ tịch Nguyễn Ái (nay là Chủ tịch) đang đi lùng mua cây mai về chưng Tết cho cơ quan, nghe tin dữ là về tấp vô lo việc chung; không ai phân công, mỗi người một việc.
Chuẩn bị Tết Ất Mùi, xã mua hoa cúc, hoa vạn thọ định làm một đường hoa dẫn vào sân trụ sở xã, sẵn đó mang hết qua trang trí hai bên đường vào mộ.
Hôm đó, từ ngã tư Cẩm Lệ về Hòa Tiến chạy xe máy không tới 20 phút mà đoàn ô-tô, xe máy nhích từng mét một, khi chiếc cuối cùng đến được nơi an táng thì chiếc đầu tiên đã quay đầu trở lại. Mãi đến xế chiều nhiều người mới trở về nhà, nét mặt buồn rượi như mất người thân yêu nhất. Nhiều người đã trở lại, thắp cho được nén hương trên phần mộ của ông mới yên lòng.
Anh Đặng Nhanh cho biết những ngày 30, mồng Một hay 14, rằm, số người đi xe máy đến viếng mộ ông đến cả trăm. Thỉnh thoảng có các đoàn khách đi ô-tô, nhiều nhất là đến từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
30 Tết năm ngoái, ngày ông Nguyễn Bá Thanh về với đất mẹ, cả khu vực Nghĩa trang Liệt sĩ Hòa Tiến đầy hoa và hoa. Hoa trên xe, hoa trong tay, hoa giữa lòng người… Tết này, Bí thư Hòa Tiến Trần Đình Nhơn cho hay, hoa cúc sẽ rực vàng bên đường dẫn vào mộ ông.
Vẫn biết mất còn là quy luật muôn đời, nhưng cái “mất” của ông đã “còn” lại ở thành phố này nhiều dấu ấn, trong đó đậm nét nhất là những cây cầu bắc qua sông Hàn. Hơn thế nữa, “còn” lại trong lòng người rất nhiều xúc cảm, như một tác giả có tên là Lê Duy Mỹ qua bài thơ ghi ở mộ ông: Đón xuân thắp nén hương lòng/ Ngày ba mươi Tết từng dòng người đi/ Tiễn Người trong cảnh sầu bi/ Sông Hàn sóng gọi… còn chi nữa mà…
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ