Damascus - thủ đô và là thành phố lớn thứ hai của Syria sau Aleppo, một trong những thành phố lâu đời nhất ở Trung Đông, một trung tâm văn hóa và thương mại quan trọng, nằm giữa châu Phi và châu Á. Thành phố có khoảng 125 di tích thuộc các thời kỳ lịch sử.
Ibrahim al-Ayubi trước khung dệt bằng gỗ. |
Thời Trung cổ, Damascus là trung tâm của một ngành nghề hưng thịnh, chuyên về làm thanh kiếm, thêu ren, đặc biệt với hàng thủ công mỹ nghệ.
Nhưng hiện nay, Damascus đang lâm vào tình trạng hoảng loạn vì cuộc xung đột kéo dài bốn năm qua. Khách du lịch thưa dần, việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ địa phương giảm sút bởi các cuộc xung đột hoành hành trên khắp đất nước.
Phóng viên AFP đã tìm đến một số nhà sản xuất mỹ nghệ ở Syria để tìm hiểu. Đầu tiên là một phân xưởng sản xuất hàng thủ công có diện tích khá nhỏ, chật chội.
Mohammed Abdullah, người chủ xưởng 43 tuổi chuyên về khảm xà cừ, ngọc trai trên gỗ lo lắng cho số phận những mẫu vật mỹ nghệ sẽ khó thực hiện vì đang thiếu ngọc và xà cừ để chạm trổ, rồi thiếu lao động và những khó khăn trong việc tìm nguyên liệu hay vận chuyển.
Giống như nhiều thợ thủ công khác, Abdallah buộc phải từ bỏ kho xưởng rộng rãi của mình ở ngoại ô Damascus khi cuộc xung đột nổ ra.
Abdallah tâm sự: “Trái tim tôi đau nhói vì những xưởng sản xuất xà cừ ở Damascus và vùng ngoại ô đã giảm đi nhiều, từ 30 cửa hàng đến nay chỉ còn ba hoặc bốn mà thôi. Lực lượng lao động, thợ thầy của riêng tôi đã mất dần trong những năm gần đây bởi vì số người đó có thể tham gia chiến đấu hoặc đồng loạt chạy trốn khỏi Syria. Không lâu nữa, người địa phương sẽ không màng đến các mẫu thủ công có thiết kế, chạm trổ đẹp”.
Kể từ khi cuộc xung đột Syria nổ ra vào năm 2011, hơn 260.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người đã rời bỏ nhà cửa. Và cuộc chiến này cũng đã gây thiệt hại về nghề truyền thống nổi tiếng của đất nước, từ việc thiết kế, sản xuất đồ nội thất bằng gỗ trang trí công phu đến các loại vải thổ cẩm được thêu đan, chạm trổ tinh xảo.
Thợ thủ công Syria đang làm việc ở thủ đô Damascus. |
Nhờ vào lượng khách du lịch hằng năm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ trở nên phát triển, tăng khoảng 12% tổng sản phẩm của Syria trước chiến tranh.
Nhưng với tình hình du lịch bây giờ hầu như không tồn tại và du khách tìm đến đất nước Syria càng ngày càng khó khăn hơn. Thợ thủ công hiện nay ở Damascus đang sống trong tuyệt vọng.
Sản phẩm văn hóa truyền thống ở Syria, từ âm nhạc và thi ca cho đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ “đã bị hư hại hoàn toàn bởi cuộc khủng hoảng. Nếu tình hình tiếp tục như thế này, sẽ không còn thợ thủ công nào ở lại Syria”, Mohammad Fayyad, nhà nghiên cứu về di sản văn hóa, nói với AFP.
Trong năm 2009, số lượng thợ thủ công Syria đăng ký với các công đoàn quốc gia lên đến 18.000, phần còn lại ước tính 39.000 người chưa đăng ký. Đến cuối năm 2015, khoảng 70 đến 80% thợ thủ công đã rời bỏ công việc thương mại, nhiều người di cư sau khi phá hủy các cửa hàng, xưởng sản xuất của họ ở chung quanh Damascus và ở phía bắc thành phố Aleppo, một trung tâm thủ công mỹ nghệ khác.
“Bây giờ, nếu có ai hỏi thăm, sẽ nhận được câu trả lời y hệt nhau từ các người thợ thủ công nổi tiếng “hoàn toàn không biết những gì đã xảy ra với xưởng sản xuất hàng thủ công của mình ở Ain Tarma, ngoại ô Damascus”, Fayyad nói thêm.
Bahaa al-Takriti, người dệt vải các tấm thổ cẩm thêu ren, đa dạng về hình mẫu, thường được sử dụng như khăn trải bàn, cho biết: “Ngay bây giờ, chúng tôi đang bán những gì chúng tôi còn lại trong kho và sau đó tôi có thể bị buộc phải thay đổi ngành nghề thương mại của tôi. Số lượng sản xuất hằng tuần đã giảm từ 60 còn 6. Và đôi khi chỉ còn có ba tấm.
Trong số 6 người thợ biết thiết lập thiết kế mẫu hàng thủ công, nay chỉ còn hai người ở lại”. Một người khác, Ibrahim al-Ayubi, chủ xưởng sản xuất thổ cẩm ở thủ đô Syria trong nhiều thập kỷ ở thủ đô Damascus, cũng đã phải giảm nhiều công đoạn sản xuất thủ công mỹ nghệ bao gồm thổ cẩm nạm vàng bạc và thổ cẩm dệt bằng tay, trang trí với những họa tiết bằng những sợi chỉ đầy màu sắc rực rỡ.
Và ở góc cửa hàng thổ cẩm khác của Ahmad Shakaki tại Damascus, một khung cửi gỗ lớn đứng đơn độc, trống trơn bên cạnh một cái ghế nhỏ làm bằng tre đựng màu, bên trên là chiếc kệ hẹp trưng bày vải tấm thổ cẩm thanh lịch do Shakaki sản xuất.
“Tình hình khó khăn hiện nay, chúng tôi đang buộc phải làm việc với bất cứ thứ gì chúng tôi có thêm. Cuộc chiến tranh đã làm cho thế hệ mới học nghề miễn cưỡng. Tôi lo ngại rằng cỗ máy dệt này sẽ đến lúc phải ngừng dệt”, Shakaki nói.
HOÀNG ĐẶNG