Mỗi lần mua 1 tô bún chả cá mang về, thể nào tôi cũng “đóng góp” cho mai sau ít nhất… 5 túi ni-lông: 1 cái gói bún, 1 cái chứa nước dùng, 1 cái đựng mắm ruốc, 1 cái gói rau, và 1 bao gom chung từng ấy thứ.
Nhìn đống ni-lông ngổn ngang bên cạnh tô bún, cảm giác đầu tiên là nhà mình bị nhiều rác thêm một chút. Nhưng không dùng túi ni-lông thì phải làm sao với những thứ vừa dễ thấm nước, vừa nóng hổi này. Chưa kịp nghĩ đến những chuyện to tát cho tương lai, trước mắt không xài túi ni-lông đã thấy bất tiện rành rành nên rồi ai nấy cứ... dùng đi đã!
Túi ni-lông thông thường vẫn được dùng rất phổ biến để bao gói thức ăn, thực phẩm. Ảnh: THANH TÂN |
Hiếm hoi có cửa hàng bánh ngọt dù nhỏ thôi nhưng xài túi giấy. Cái bánh giá 5 ngàn đồng cũng được đựng vào chiếc túi giấy màu đà đà, xinh xinh. Tự dưng trông cái quán lạ hẳn. Buồn là chỉ lạ đến đó thôi, vì chủ quán sẽ cho cả bánh và bao giấy vào chung… bao ni-lông để khách tiện mắc lên xe chở về.
Nhìn lại quá trình chống “giặc ni-lông” thấy đúng là dài lâu thiệt. Mà hình như nổi lên nhất trong “cuộc chiến” này cũng chỉ có khẩu hiệu và sự hăng say của vài nhóm, vài tổ chức, vài con người yêu môi trường đến tha thiết.
Tưởng chừng họ đã vận hành mọi sự đam mê trong con người mình để làm vì cái chung. Song, khi ni-lông quá dễ sở hữu, quá phổ biến, quá rẻ và chẳng có gì cấm cản việc sử dụng thì những hành động kia có khác nào tiếng kêu lạc lõng.
Túi ni-lông bé tẹo, nhẹ hều vậy đó, nhưng mỗi chợ tiêu tốn vài trăm kg/ngày, chưa kể hằng hà sa số hàng quán dùng bao ni-lông thì từng ấy cái bao nối lại đủ phủ kín mặt đất!
Tuyên truyền chưa đủ làm động lòng thì lấy đâu làm động tay, động chân thay đổi.
Vậy muốn có sự thay đổi thực sự trong việc sử dụng và tiêu thụ túi ni-lông, cần nhiều hành động phối hợp hơn là chỉ tuyên truyền đơn thuần. Chẳng thể trách một người dân không hiểu 1 chiếc túi ni-lông cần bao nhiêu thế kỷ để phân hủy, quá trình này ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến môi trường đất, môi trường nước và… an ninh lương thực.
Có hàng vạn chuyện để lo toan, để phải ghi nhớ nên nếu người dân nào đó… quên béng tác hại của bao ni-lông, âu cũng là lẽ thường. Còn nhớ có một nhóm sinh viên tình nguyện tại Đà Nẵng thực hiện chương trình xã hội kêu gọi cộng đồng viết nhật ký xài ni-lông.
Theo đó, các bạn trẻ tìm cách khuyến khích mỗi người dân nên lập sổ ghi lại từng ngày mình đã dùng bao nhiêu túi để… sợ, từ đó giảm bớt. Một chương trình thật dễ thương và không thể hồn nhiên hơn.
Cái chính là ngoài tuyên truyền ra, còn cần làm thêm gì nữa để từ khẩu hiệu trở thành hoạt động thường ngày và may ra có thể trở thành phản xạ của mỗi người.
Đà Nẵng đã đạt nhiều dấu ấn đẹp về sự đột phá trong việc làm mới và làm khác cho thành phố tốt lên. Thế nên, nếu có sự đột phá trong… cuộc chiến túi ni-lông, có lẽ đó không là điều quá sức tưởng tượng. Mục tiêu của Đà Nẵng là xây dựng thành phố môi trường.
Vậy thiết nghĩ, trong lộ trình đạt tới mục tiêu của mình, thành phố nên chia ra nhiều “mũi tiến công” hoặc nhiều giai đoạn, trong đó có một “mũi” hoặc một đoạn tập trung xây dựng “Thành phố không túi ni-lông”.
Để làm điều đó, trước hết, các công ty du lịch, các cửa hàng bán sản phẩm quà tặng du lịch được yêu cầu phải cam kết sử dụng túi giấy, túi tự hoại, túi sử dụng nhiều lần hoặc tái sử dụng thùng giấy thay cho túi ni-lông.
Việc quy định bao gồm chế tài thích đáng. Lợi thế của Đà Nẵng là vốn có ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, nên có lẽ du khách chỉ ghét chuyện chặt chém chứ chẳng mấy người khó chịu trước nỗ lực của một cửa hàng, một doanh nghiệp muốn chung tay giữ gìn môi trường thành phố.
Các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng và các chợ cũng không được đứng ngoài chiến dịch. Nhớ cách đây vài năm, bỗng dưng một ngày vào siêu thị, khách hàng không còn được đòi túi ni-lông thoải mái và miễn phí nữa.
Túi ni-lông chỉ có loại nhỏ, được sử dụng hạn chế. Khách có nhu cầu nhiều hơn phải mua túi sử dụng nhiều lần, giá vài nghìn đồng/cái, hoặc sử dụng thùng giấy phế thải miễn phí để gom hàng về. Cảm giác lạ lẫm ấy thoắt cái giờ đã trở thành quá quen thuộc.
Đó là một chuyển biến tích cực không thể phủ nhận và là minh chứng cho thấy thói quen sử dụng ni-lông có thể thay đổi được phần nào.
Dĩ nhiên, không thể bắt các “thượng đế” cắt cái rụp việc sử dụng túi ni-lông. Làm căng quá, “thượng đế buồn thượng đế bỏ đi” thì chẳng có chủ cửa hàng hay doanh nghiệp nào muốn mạnh tay “đối xử tệ” với khách, để rồi họ đành chuyển sang thỏa hiệp thì coi như thất bại.
Đối với từng hộ gia đình, đã có địa phương thực hiện việc cấp phát giỏ xách nhựa cho các bà đi chợ để hạn chế xài ni-lông; đồng thời các bà các cô đỡ nêu lý do bọc giấy, bọc lá không bền, không ổn. Đó là một chi tiết tham khảo.
Biết đâu, trong sự tìm hiểu, thăm dò ý dân, những người chỉ đạo chiến dịch này có thể nghĩ ra những cách giải quyết hay ho và hiệu quả hơn nhiều.
Đặc biệt, nói gì đi nữa, những chương trình, kế hoạch cũng khó thực thi nếu túi ni-lông quá rẻ so với túi tự hoại và những loại túi thân thiện với môi trường. Chỉ cần bỏ ra 1 nghìn đồng, chúng ta đã có 8 cái túi ni-lông (loại trung bình), tội gì không xài mà đi làm bao giấy hay tìm kiếm bao khác.
Điều này cho thấy rằng, kinh phí cho việc bảo vệ môi trường hoặc xây dựng thành phố môi trường cần hướng một phần vào việc trợ giá cho túi thân thiện với môi trường. Thử làm bài toán, túi tự hoại và túi ni-lông lâu hoại đều có giá tương đương nhau, nhưng dùng túi ni-lông sẽ có nguy cơ bị phạt thì tự dưng túi tự hoại sẽ có vị thế ưu tiên trong lựa chọn của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, xem túi ni-lông là sản phẩm tác hại xấu đến môi trường nên được đánh thuế cao hơn, liệu rằng có còn nhiều người vơ đâu cũng ra túi ni-lông như bây giờ.
Không tham vọng thay đổi hoàn toàn thói quen dùng túi ni-lông, bởi đó đã là chuyện thường ngày và chuyện của mọi người từ nông thôn đến thành thị. Hơn nữa, ngoài mặt trái liên quan đến môi trường, túi ni-lông thực sự là phát minh có tính ứng dụng rất lớn.
Tuy vậy, làm hạn chế phần nào việc sử dụng túi ni-lông là điều thực sự cần thiết phải quyết liệt can thiệp. Biết đâu một ngày nào đó, du khách đến với Đà Nẵng có một phần vì tò mò tìm đến một thành phố mà ở đó rất hiếm túi ni-lông!
TOÀN VÂN