Bước vào cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của anh Lê Chín (tại khu tập trung làng nghề mới) hơn 11 giờ trưa, chúng tôi thực sự không còn cảm nhận được chút se lạnh nào của tiết trời những ngày cuối năm. Bởi cả không gian nhà xưởng rộng 240 mét vuông đã được “đốt nóng” bằng không khí lao động khẩn trương, hăng say của những người thợ làng đá…
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Việt Minh (trong ảnh) cho rằng, chỉ có sự sáng tạo mới giúp nghề điêu khắc đá Non Nước trường tồn. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Mới đó mà Lê Chín đã theo nghề tạc đá này ngót nghét 30 năm. Sinh ra trong gia đình thuần nông, ông bà cha mẹ không ai làm đá, nhưng Lê Chín mê những tượng đá “trắng muốt, trong trẻo như ngọc” từ ngày nhỏ. Lên 15-16, Lê Chín bắt đầu mày mò học nghề. Nhà nghèo, không có điều kiện theo thầy này thầy nọ, nên cậu bé Chín ngày ấy cứ học “mót chỗ này một ít, chỗ kia một ít”.
Vốn nhanh nhẹn, khéo tay, cùng sự kiên trì, chịu khó, đến năm 18 thì Chín bắt đầu tự làm, tự bán những sản phẩm đầu tay. Rút kinh nghiệm, không ngừng nâng cao tay nghề, tích cóp từng đồng lời, Lê Chín dần có được cơ ngơi sản xuất vào hàng khá của làng đá ngày nay.
Sau Công văn 2662 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành ngày 8-8-2014 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, đặc biệt, sau cuộc vận động sáng tác và triển lãm mẫu hình tượng sư tử, nghê mang bản sắc Việt (do Sở VH-TT&DL Đà Nẵng phối hợp với Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tổ chức, hồi tháng 9-2015), xưởng Lê Chín chuyển sang sáng tác chủ yếu các mẫu linh vật thuần Việt - được lựa chọn kỹ lưỡng trong hàng trăm mẫu sư tử, nghê Việt đã được trưng bày tại triển lãm.
Như trở lại vạch xuất phát cách đây mười mấy năm, giờ đây, ông chủ Lê Chín vừa lo sản xuất những linh vật thuần Việt vừa sắc sảo, vừa có “hồn” vừa phải giải thích, thuyết phục khách mua làm quen với các mẫu vật mới. “Đã có những ngày thực sự khó khăn”, anh Chín thừa nhận. Nhưng rồi, bằng tình yêu nghề, bằng bản lĩnh của người con làng đá, mọi thứ dường như đang dần trở lại trạng thái cân bằng.
Hiện tại, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Non Nước của anh Lê Chín chỉ còn 10 thợ (giảm tầm một nửa so với trước kia), do đơn đặt hàng không còn tấp nập như trước, nhưng ông chủ lớn lên trong hoàn cảnh khốn khó này vẫn cố xoay xở để đảm bảo mức thu nhập trung bình từ 7-10 triệu đồng/tháng/lao động đang làm công cho mình.
Câu chuyện học tập, trưởng thành, gìn giữ và nỗ lực để có thể sống với đá của anh Lê Chín là một trong hàng trăm câu chuyện của những người làng đá Non Nước ngày nay.
Chỉ tính riêng học trò theo học nghệ nhân ưu tú Nguyễn Việt Minh và thành nghề, đến nay, cũng trên dưới 200 người. Cách đây gần 30 năm - những năm nước nhà bước vào công cuộc đổi mới, nghệ nhân Nguyễn Việt Minh bắt đầu mở các lớp dạy nghề đá đầu tiên - việc mà những người có nghề thời đó chưa ai làm.
Khi nhiều người cho rằng, muốn sáng tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, thì phải biết giữ lại những “bí kíp”, những “ngón nghề” của riêng mình, Nguyễn Việt Minh lại nghĩ khác. Với ông, truyền dạy cho thế hệ sau tất cả những tâm huyết, kinh nghiệm đã đúc rút về nghề, chính là cách giữ nghề. “Trong hàng trăm học trò, mỗi người sẽ có một sở trường, một thế mạnh riêng.
Chính họ sẽ góp phần hoàn thiện và đem lại sự sáng tạo cho nghề. Chính cái mới, sự sáng tạo không ngừng đã đem lại sức sống từ bao đời nay của nghề đá Non Nước”, nghệ nhân Nguyễn Việt Minh quan niệm.
Ngày nay, với sự hỗ trợ của máy móc, quy trình sản xuất, điêu khắc đá rút gọn nhiều lần. Ngày trước, làm một bức tượng có thể mất 20 ngày, nay mất khoảng 5 ngày. Máy móc giúp việc tạo ra những sản phẩm kích cỡ lớn, nặng hàng chục tấn không còn quá khó khăn. Có điều, cũng vì máy móc mà các sản phẩm của làng đá ngày càng hao hao nhau. Chưa bao giờ đòi hỏi về sự sáng tạo cần kíp như lúc này, nghệ nhân Nguyễn Việt Minh trăn trở!
Một trong những học trò xuất sắc của nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, người luôn đặt sự sáng tạo lên hàng đầu - nhà điêu khắc, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Long Bửu cho rằng, bên cạnh sự sáng tạo thì bề dày truyền thống chính là cái gốc làm nên bản sắc nghề đá Non Nước.
Chính vì vậy, trong các tác phẩm của Nguyễn Long Bửu, với nhiều mức độ và cách thể hiện khác nhau, đều thể hiện sự khắc khoải hướng về cội nguồn, hướng về những giá trị truyền thống. Hiện nhà điêu khắc, nghệ nhân tài hoa này đang ấp ủ một công trình về những danh nhân văn hóa điển hình của đất nước và thế giới, Nguyễn Long Bửu tiết lộ.
Với lịch sử hơn 400 năm, người Đà Nẵng hoàn toàn có thể tự hào rằng, trên đất nước Việt Nam, cũng theo nghệ nhân Nguyễn Long Bửu, với nghề đá, không ở đâu có những tác phẩm đá đạt được những giá trị nghệ thuật được công chúng đánh giá cao như làng đá mỹ nghệ Non Nước, cũng không đâu có nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân được vinh danh, đoạt nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế như những người con sinh ra trên mảnh đất này.
Và đáng tự hào hơn, qua bao thăng trầm, biến cố, làng đá mỹ nghệ Non Nước vẫn vững vàng và đầy sức hút với nhiều thế hệ. Trò chuyện với người thợ trẻ Nguyễn Đức Phúc (25 tuổi), chúng tôi nhận thấy, Phúc không chỉ thạo nghề mà còn khá am tường lịch sử làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, dù anh không phải người gốc Ngũ Hành Sơn.
Chuyện người khắp nơi về học nghề rồi gắn bó với những tượng đá như Phúc không phải là hy hữu tại các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Non Nước.
Ở Ngũ Hành Sơn, có những người trở thành đại gia của làng nghề như: Nguyễn Long Bửu, Nguyễn Việt Minh, Tiến Hiếu, Nguyễn Hùng, Xuất Ánh, Nhựt Mạnh… Cũng có những người vẫn đang loay hoay tìm lối, vật lộn với cuộc mưu sinh. Họ là những người chưa bao giờ tự nhận là đam mê, chưa kịp nghĩ đến những điều to tát như bảo tồn, phát huy những giá trị, những văn hóa từ đá…
Với họ, với nghề đá, chỉ có thể đơn giản là “dễ gì bỏ” khi đã trót mang - như lời bộc bạch hồn hậu của chủ một người thợ làng đá. Nhưng chúng tôi biết, theo cách của họ, bằng sự kiên trì, nhẫn nại, họ sẽ giữ nghề đến cùng.
Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước hiện có khoảng 450 cơ sở sản xuất, với hơn 2.500 lao động. Mỗi năm, làng nghề tạo ra hơn 105.000 sản phẩm các loại, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và các vùng lân cận, doanh thu ước hơn 100 tỷ đồng - chiếm gần 15% giá trị sản xuất của các ngành kinh tế do quận Ngũ Hành Sơn quản lý. Hiện có gần 20 hộ thành lập website riêng để giới thiệu sản phẩm, góp phần đưa “Đá mỹ nghệ Non Nước” trở thành một thương hiệu lớn trong nước và thế giới. |
THANH TÂN