.
Nghĩ

Ăn Tết sớm cùng… bia rượu

.

Còn tới tận vài tuần nữa mới nghỉ Tết, nhưng không khí “tất niên” đã hiện hữu ở một số bộ phận, cơ quan Nhà nước. Dưới đây là cuộc “ngả giá” giữa phóng viên và giám đốc một trung tâm nọ khi thống nhất thời gian phỏng vấn:

- Cả hai buổi sáng tuần này anh đều bận họp tổng kết. Vậy thôi để qua tuần sau nhé.

- Sáng anh bận thì chiều em sang gặp anh cũng được.

- Vì tổng kết xong sẽ… liên hoan tổng kết nữa nên chưa tiện gặp.

- Liên hoan chắc bắt đầu từ 5 giờ chiều, mà em chỉ xin anh chừng 20 phút trong buổi chiều thôi, chắc chắn không muộn giờ tham gia liên hoan của anh.

- Không, họp buổi sáng rồi trưa đó liên hoan luôn. Trưa uống bia rượu vô rồi, chiều khó làm việc, gặp em không tiện. Thôi cứ để tuần sau đi…

Tới đây thì có thể hình dung “chu trình khép kín” một ngày dự họp tổng kết của anh này: sáng họp, trưa liên hoan nhưng thực thế là nhậu, chiều… làm một giấc, đợi tuần sau tính tiếp công việc.

Có đủ cách công chức “ăn cắp” thời gian trong giờ làm việc, nhưng đa phần “kẻ trộm” sẽ thực hiện hành vi của mình một cách lén lút hoặc chống chế với đủ lý do, mấy ai dũng cảm tự thú như anh này. Dẫu sao đó cũng là một… “điểm sáng” về tính trung thực.

Nói về bia rượu thì có rất nhiều chuyện tưởng như nghịch lý nhưng lại gần như… chân lý. Ăn cắp giờ làm để uống bia chẳng hạn. Càng gần Tết, những nghịch lý liên quan đến bia rượu càng xuất hiện nhiều như chuyện tăng giá bia, găm hàng bia, trữ bia, hóng tin thị trường bia nóng lên từng ngày.

Tết là dịp vui chơi, ăn uống, tụ họp. Điều đó rõ rồi. Nhưng trong khi gạo chẳng được “khao khát” đến mức dẫn đến hiện tượng đội giá và cảnh tượng đua nhau dự trữ, thì bia rượu ngược lại. Có vẻ, Tết là dịp “uống quan trọng hơn ăn”?!

Gần đây, chuyện uống bia rượu của đàn ông Việt Nam ít được mô tả thông qua những câu chuyện lê thê về thói bê tha, thay vào đó là những con số thống kê khá gọn gàng. Có điều, số thì ít mà đơn vị tính của nó thì phải dùng đến sự tưởng tượng mới hình dung nỗi, toàn là “tỷ lít”, “triệu lít”, “tỷ đô”.

Các nhà chuyên môn còn đưa ra những so sánh cho thấy những cốc bia, chén rượu đã “nâng tầm” ngang những điều quốc gia đại sự như: 3 tỷ USD chi cho du học bằng tiền uống bia; Tiền uống bia mỗi năm của người Việt bằng tiền xây 5 cây cầu Nhật Tân; So về thu nhập với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chưa tới đâu nhưng so về mức độ tiêu thụ rượu bia thì…tới đầu (đứng đầu).

Và hậu những ngày râm ran nghỉ Tết hay vương vấn âm hưởng nghỉ Tết luôn luôn là thực trạng số vụ tai nạn đánh nhau, tai nạn giao thông tăng lên đột biến và phần nhiều các vụ việc đó có liên quan đến bia rượu.

Bia rượu chẳng tội tình gì, thậm chí không tồn tại thức uống bia rượu, chắc sự thú vị của cuộc sống bớt đi một chút, nhưng cũng từ việc bia rượu quá mức mà đã có nhiều chuyện bỗng bớt vui hơn nhiều chút. Để hạn chế tình trạng sử dụng bia rượu tràn lan, Bộ Y tế từng đưa ra đề xuất cấm bán bia rượu sau 22 giờ và áp dụng ở một số địa điểm.

Đề xuất chưa tới đâu nhưng trước mắt, ý kiến này đã bị “ném đá” tơi bời vì tính không khả thi, bất hợp lý của nó. Khả thi sao được khi nếu muốn mua lon sữa cho con, nhất thiết bạn phải ra đúng tiệm bán sữa hoặc ít nhất là tạp hóa lớn, còn muốn mua bia rượu cho ba nó, bạn chẳng cần tìm kiếm chi cho mệt, quán nhỏ, quán lớn, nhà hàng sang trọng, hàng rong vỉa hè đâu đâu cũng dễ dàng tìm thấy bia rượu. Và khả thi sao được khi chẳng có gì ngạc nhiên nếu tình trạng mải mê… say, quên nhiệm vụ còn diễn ra nhan nhản.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.