Ngày cuối cùng của năm, những ngả đường dẫn đến các chợ tấp nập người xe. Chợ 30 không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là cái “cớ” để mỗi người dân tận hưởng không khí tết nhất đang cận kề. Và ở đó, dòng người cứ trôi đi trong rộn rã sắc màu của mùa Xuân.
Một góc chợ quê tháng Chạp. Ảnh: Quảng Bá Hải |
1. Ai có thói quen đi chợ ngày 30 đều có thể cảm nhận được bầu không khí “vui như Tết”. Những hình ảnh vừa vội vã, vừa thong dong. Một bên tay xách nách mang, một bên thảnh thơi dạo chợ. Cách bày biện hàng hóa của người miền Trung không cầu kỳ, hình thức, tất cả đều được trưng ra đất, ra nia, hoặc “sang” hơn thì lót tấm bạt rồi trải nông sản, vật dụng tràn ra.
Đâu đó trên các ngã đường vào chợ, có thể nhìn thấy hình ảnh những con gà bị nhốt trong lồng, những cặp vịt cột chung, trái cây, hoa cúc, hoa lay ơn chất thành đống, thấp thoáng chùm bóng bay đủ kích cỡ, màu sắc in bóng tuổi thơ mỗi người.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi viết về Tết trong “Ngày mai của những ngày mai” có nói đến chi tiết “Thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào…”. Và, cũng trong cái ngày ba mươi đó, lũ trẻ thường theo chân mẹ đi chợ Tết, đon đả chào hỏi người quen, tíu tít chạy theo xách giỏ để mẹ rảnh tay lựa chọn những món đồ còn thiếu.
Cuộc sống hiện đại làm cho chợ Tết ngày nay tiện lợi, văn minh hơn trước nhưng không vì thế mà mất đi không khí đón Xuân bởi chợ luôn nhộn nhịp và đầy ắp các mặt hàng.
Anh Nguyễn Văn Thành, thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương (Hòa Vang) nói rằng vợ anh hay đi chợ Túy Loan một mình nhưng cứ đến ngày giáp năm, anh lại hăng hái chở vợ đi chợ để xem “thiên hạ mua bán” ra sao và cũng để thưởng thức cái không khí náo nức của phiên chợ cuối cùng năm cũ. Đi chợ Tết, với anh Thành, khoái nhất vẫn là cảnh được thong dong nhìn ngắm chợ hoa và nếu may mắn anh có thể mua được vài chậu giá rẻ mang về chưng Tết.
2. Một trong những gian hàng thu hút khách ghé mua ngày 30 Tết là hoa, quả đặt để trên bàn thờ gia tiên hoặc cúng giao thừa. Ở Đà Nẵng, chợ Cồn cùng với chợ Hàn, chợ Đầu Mối, Đống Đa hay Hòa Khánh là những khu chợ tập trung lượng lớn trái cây tươi ngon nhất, đặc biệt dịp lễ, Tết.
Trong ngày này, dù cây trái bày biện trong hàng đã vơi đi quá nửa nhưng chủ sạp vẫn đon đả mời chào khách ghé mua. Khắp các lối đi thơm nức mùi chuối chín. Những quả bưởi Năm Roi căng tròn nép dưới lá xanh; những mắt mãng cầu to tròn, vuông vức; nhiều nải chuối xanh vẫn giữ được chiếc tua đầu trái; dưa hấu xanh, vàng… mang lại cảm giác tươi non, mỡ màng.
Chủ sạp Hiếu – Nhã cho biết vợ chồng chị bán trái cây ở chợ Cồn mấy chục năm nay nên rất rành thói quen mua sắm bánh trái của người Việt. Tiền nào của nấy. Thời điểm ngày 30, trừ số ít người mua còn kỳ kèo bớt một thêm hai thì đa số bà nội trợ thường chỉ đưa ra yêu cầu chọn trái như to, tròn, đều và quan trọng nhất là vẫn giữ được chiếc cuống với lá xanh, còn giá cả không quan trọng.
Mấy năm trở lại đây, thay vì mua đủ 5 loại quả đọc trại thành cầu (mãng cầu) vừa (dừa) đủ (đu đủ) xài (xoài) thơm (quả thơm) thì người mua bắt đầu chọn quả sung để “cầu vừa đủ xài sung”. Tuy nhiên, dù thay đổi như thế nào, thì trên bàn thờ gia tiên mọi người vẫn ưu tiên hai loại, đó là nải chuối xanh tượng trưng cho sự phát đạt, thịnh vượng và quả bưởi, hoặc dưa hấu căng tròn tượng trưng cho sự tròn đầy, sung túc.
Cũng theo chủ sạp Hiếu – Nhã, một số hàng buôn trái cây lớn như chị, dù đắt khách thế nào vẫn trữ lại một lượng trái cây tươi ngon cho ngày 30 Tết. Bởi đây là thời điểm các bà nội trợ có tiền, nhưng bận kinh doanh, nay mạnh tay mua sắm.
Chị Ngô Thị Kim Nở, bán trái cây tại chợ Nại Hiên Đông cho biết Tết là dịp để chị “kiếm thêm ít đồng lì xì con cháu”. Chị nói, trong năm, khách đến hàng chủ yếu mua các loại trái cây như xoài, nho, cam, quýt, táo có giá dao động từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/ký, nếu lấy hàng đắt tiền về cũng rất khó bán vì sức mua không cao, lời lãi ít. Tuy nhiên, trong mấy ngày Tết, chị mạnh dạn đặt hàng trăm ký táo Mỹ, nho đen, mãng cầu, bưởi Năm Roi loại lớn phục vụ những khách hàng có điều kiện.
Giữa buổi chợ ngày cuối năm, đôi bàn tay của người phụ nữ đơn thân lúc nào cũng lem luốc, tất bật. Những ngón tay đen bởi quanh năm suốt tháng dấp dính mủ các loại trái cây như đu đủ, vú sữa, xoài, bơ. Ngày 29, 30, tranh thủ được nghỉ học sớm, hai cô con gái đang học cấp 2 xoắn quần ra chợ phụ mẹ bán trái cây, đôi bàn tay cứ chộn rộn bày biện, chuyền túi ni-lông cho khách.
3. Thông thường, chợ Hàng Heo nằm bên hông chợ Cồn chỉ đông khách đến tầm 8, 9 giờ sáng nhưng trong ngày 30, khách vào ra mua sắm từ sáng sớm đến tối mịt nên không khí lúc nào cũng ồn ào, tấp nập. Khu chợ này bày bán đầy đủ các mặt hàng la-gim, từ trái ớt, củ hành, đến tất tần tật các loại nông sản, lá thơm. Để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, ngày cuối năm, lượng la-gim tập trung về chợ Hàng Heo khoảng 3 tấn/ngày.
Bà Phan Thị Thanh Nhàn (76 tuổi) chủ sạp hàng rau củ trong chợ Hàng Heo cho biết mỗi năm chỉ trong ngày 30 Tết là chợ đông cả ngày. Để chuẩn bị tốt cho việc buôn bán, bà thức dậy từ 3 giờ sáng ngày hôm trước, đi xe ôm ra chợ sắp xếp, bày biện hàng hóa ra thúng, ra mủng.
Những ngày thường chỉ cần mình bà bán là đủ nhưng càng cận Tết, khách đông, bà Nhàn phải gọi thêm người thân trợ giúp để việc bán buôn diễn ra suôn sẻ. Vẫn những mặt hàng la-gim quen thuộc nhưng dịp Tết, mỗi thứ bà lấy về hàng trăm ký để bán cho khách quen ăn Tết, biếu tặng người thân.
Giá cả các mặt hàng trong ngày 30 Tết biến động từng giờ. Có khi, buổi sáng, hoa lay ơn Đà Lạt được bán trên dưới 100.000 đồng/bó 10 bông thì đến tối chỉ còn 20.000 đồng đến 30.000 đồng, hoa ly từ 150.000 đồng/bó giảm còn 80.000 đồng, chuối cúng còn 10.000 đồng/nải, mai cành từ gần 1 triệu đồng xuống 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Các loại thịt như gà làm sẵn giá còn 150.000 đồng đến 170.000 đồng/kg, thịt bò loại 1 giá từ 300.000 đồng/kg xuống còn 220.000 đồng…
Chị Nguyễn Thị Minh Phương, tổ 35, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cho biết năm ngoái, tầm 28, 29 Tết giá các mặt hàng đều tăng, thậm chí tăng gấp đôi nhưng đến thời điểm trưa ngày 30, giá nhiều mặt hàng giảm xuống, chạm mốc - thậm chí dưới mốc - ngày thường.
Với một gia đình có 5 thành viên như nhà chị, trong tủ lạnh bao giờ cũng chất đầy ứ thịt, chả, cá, trứng, nước hoa quả cho mấy ngày Tết. Đó là chưa kể một lượng lớn rau, củ bảo quản bên ngoài. Chị chia sẻ, đi chợ ngày cuối năm nếu biết cách, sẽ rất tiết kiệm trong việc chi tiêu, mua sắm bởi tâm lý người Việt ai cũng thích trữ hàng tốt đến cuối ngày mới “bung” ra.
Theo quan sát của chúng tôi, chợ ngày cuối năm người bán thường dễ tính và chiều chuộng khách hàng hơn. Lúc này, người mua thoải mái lựa chọn, trả giá mà không sợ bị “mắng vốn” bởi ai cũng muốn nhanh chóng bán hết hàng để về nhà chuẩn bị đón giao thừa. Chợ 30 không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là cái “cớ” để mỗi người dân tận hưởng không khí Tết nhất đang cận kề. Và ở đó, dòng người cứ trôi đi trong rộn rã sắc màu, của mùa Xuân.
TIỂU YẾN