Các chiến dịch tuyên truyền khá rầm rộ cũng như các biện pháp nhằm tác động đến người tiêu dùng lẫn đơn vị sản xuất túi ni-lông (TNL) đã được đưa ra trong nhiều năm qua để hạn chế việc sử dụng TNL, song tất cả dường như chưa đủ để tạo nên những tác động mạnh mẽ, sâu sắc. Người tiêu dùng, đặc biệt là những bà nội trợ vẫn không thể cưỡng lại sự tiện dụng của các loại bao bì khó phân hủy này.
Các siêu thị đã dùng TNL dễ phân hủy để bao gói hàng cho khách đồng thời áp dụng các chương trình tặng, bán TNL thân thiện môi trường. Ảnh: T.T |
Đâu chỉ riêng mình dùng!
Mỗi lần đi chợ mua thức ăn cho 2-3 ngày, chị Kim Loan (trú đường Dương Thưởng, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) phải dùng từ 10 TNL to, nhỏ trở lên để xách đồ ăn. Những thức tanh tưởi như thịt, cá tươi sống, ngoài TNL người bán hàng tự gói, chị còn xin thêm vài túi bọc ngoài “cho chắc”.
Biết tác hại của các loại TNL thông thường (khó phân hủy), nhưng chị vẫn nghĩ rằng: “Thiên hạ cả trăm, cả triệu người dùng chứ có riêng chi mình. Có dùng thêm 1-2 cái để đựng đồ ăn cũng chỉ như muối bỏ bể thôi em”.
Hơn 10 năm nay, bà Hoàng Thị Dung (trú ở đường Nguyễn Du, quận Hải Châu) bán bún vỉa hè vẫn quen dùng TNL để gói bún, nước dùng và những gia vị, món ăn kèm theo cho người muốn mua bún về nhà ăn. Theo bà, từ khi bắt đầu công việc buôn bán đến nay, chưa thấy có người mua bún nào có phản ứng về cách làm này.
Trừ một số ít người có nhà gần quầy bún của bà, tiện thì mang luôn tô, bát ra đựng. Bà Dung chỉ lưu ý, khi bán đồ ăn, thức uống trực tiếp thì nên dùng TNL trong suốt, không màu để bớt độc hại. Dù bớt độc hại cụ thể như thế nào thì bà hoàn toàn không biết!
Cũng như với hầu hết người tiêu dùng TNL thông thường, ai cũng biết việc lạm dụng nhiều sẽ có hại, song những hệ lụy lâu dài, những tác động trở ngược lại trực tiếp sức khỏe, cuộc sống của họ thì không mấy người tường tận.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các chợ Đống Đa, Thanh Bình, Nại Hiên Đông…, mỗi ngày, bình quân mỗi tiểu thương tiêu thụ hàng trăm TNL các loại để gói hàng cho khách. Đem con số này nhân với hàng nghìn tiểu thương tại tất cả các chợ trên địa bàn thành phố thì số lượng TNL được tiêu thụ một ngày sẽ là một con số khổng lồ.
Bà Mười, bán trái cây tại chợ Nại Hiên Đông cho biết, mỗi lần bán trái cây, bà thường “gói cẩn thận” 2 túi/lần, có khi khách hàng mua nhiều, có nhu cầu, bà không ngại cho thêm: “Kệ, TNL có mấy đồng, cho thêm họ dùng”. Thông thường, 1kg TNL được vài trăm túi (kích cỡ trung bình), giá túi khá rẻ chỉ dao động trong khoảng vài chục ngàn đồng. Chủ một cửa hàng bán TNL nhỏ tại chợ Hòa Cường Bắc tiết lộ, mỗi ngày cửa hàng này bán được khoảng trên dưới 20kg TNL các loại; vào những ngày lễ, Tết, lượng bán ra có thể gấp 4 - 5 lần/ngày.
Chị Cẩm Vân (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Tôi cũng ý thức được TNL khó phân hủy gây tai hại cho môi trường và đã mua mấy túi có thể dùng đi dùng lại nhiều lần của Siêu thị BigC, song mỗi lần đi mua sắm lúc nào cũng vội vội vàng vàng, quên miết.
Thành thử, sau nhiều tháng không được nhớ đến, đống túi được mua hầu như còn nguyên. Trong khi TNL ngoài cửa hàng thì sẵn quá, mua cái gì cũng được cho, nên chẳng có lúc nào dùng đến loại túi thân thiện môi trường đã mua”.
Thay đổi thói quen không dễ?
Từ những năm 2009, 2010, hệ thống siêu thị Metro khởi xướng chương trình “Siêu thị Metro cùng khách hàng bảo vệ môi trường”, nhằm hạn chế sử dụng TNL bằng việc bán cho khách hàng những chiếc túi được làm từ sợi tổng hợp có thể sử dụng nhiều lần với giá 7.000 đồng thay cho TNL phát miễn phí.
Đầu năm 2013, trên toàn hệ thống các siêu thị Co.opmart đồng loạt triển khai việc sử dụng TNL dễ phân hủy. Đại diện Co.opmart Đà Nẵng cho biết, hiện siêu thị Co.opmart Đà Nẵng đã sử dụng TNL tự phân hủy thay thế hoàn toàn cho TNL bình thường.
TNL dễ phân hủy được làm bằng chất liệu nhựa HDPE có chứa chất phụ gia phân hủy Oxium nên theo thời gian sẽ dễ bị phân hủy, còn TNL thông thường thì không, vị đại diện này giải thích.
Theo thống kê của Co.opmart, tổng số lượng TNL đã sử dụng năm 2014 gần 11.000kg và năm 2015 gần 9.300kg. Bên cạnh việc sử dụng TNL dễ phân hủy, siêu thị cũng triển khai việc sử dụng túi môi trường sử dụng nhiều lần.
Số lượng túi môi trường được bán ra trong năm 2014 trên 7.500 túi và năm 2015 gần 4.400 túi. Tháng 6 hằng năm, trên toàn hệ thống siêu thị này có tổ chức “tháng tiêu dùng xanh” với hàng loạt các chương trình khuyến mãi nhằm tạo thói quen cho khách hàng trong việc sử dụng túi môi trường như chương trình Tôi yêu sản phẩm xanh, Vẽ tiếp ước mơ xanh…
Khi khách hàng mua hóa đơn 500.000 đồng trở lên sẽ được tặng một túi môi trường xanh; khách hàng đi mua sắm với hóa đơn 300.000 đồng có sử dụng túi môi trường xanh sẽ được tặng 1 phiếu mua hàng 30.000 đồng…
Không riêng Metro hay Co.opmart, những năm qua, việc sử dụng TNL dễ phân hủy, bán, tặng TNL thân thiện với môi trường được hầu hết các siêu thị lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố áp dụng, song vấn đề vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân.
Ngọc Trâm - nhân viên bán hàng tại siêu thị mini Vinmart (đường Trần Hưng Đạo) cho biết, túi sử dụng nhiều lần được bày bán tại siêu thị này trong nhiều tháng nay luôn trong tình trạng ế ẩm.
Chi cục bảo vệ môi trường thành phố (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho biết, năm 2014, Đà Nẵng đã tổ chức 8 buổi tập huấn kỹ năng bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm cho 1.500 tiểu thương các chợ trên địa bàn thành phố, trong đó lồng ghép nội dung tuyên truyền hạn chế sử dụng TNL khó phân hủy trong bao gói hàng hóa cho người tiêu dùng; phát động chiến dịch cao điểm “Không sử dụng TNL” vào ngày Chủ nhật tại các chợ…
Tuy nhiên, qua năm 2015, chưa có báo cáo nào liên quan đến việc tuyên truyền về tác hại và giảm thiểu sử dụng TNL khó phân hủy, khuyến khích sử dụng TNL thân thiện môi trường. Và hiện thành phố chưa có cuộc khảo sát, đề tài nghiên cứu nào liên quan trực tiếp đến thực trạng sử dụng TNL, giải pháp, tái chế…
Giữa lúc chưa tìm được lời giải thấu đáo về việc sử dụng TNL, việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng, sự tự ý thức xem ra là giải pháp căn cơ, lâu dài nhất. Có lẽ, khi những việc tưởng chừng rất nhỏ ngày càng phổ biến như mỗi ngày, người đi chợ cố gắng xách theo làn (thay vì đi tay không), hay chịu khó giặt đi giặt lại mấy TNL để dùng, hạn chế đến mức tối đa việc đựng, xin, vứt TNL… thì niềm hy vọng về một môi trường xanh, sẽ rõ ràng hơn.
THANH TÂN