.

Tết muộn

.

Trong khi phần lớn mọi người lục tục trở lại nơi làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân, thì từ  những ngày mồng 5, mồng 6 cho đến rằm tháng Giêng, có những người mới bắt đầu khăn gói về quê ăn Tết.

Một nhân viên trẻ của Molly Azura cà-phê (đứng) đang làm việc trong những ngày Tết. Ảnh: T.T
Một nhân viên trẻ của Molly Azura cà-phê (đứng) đang làm việc trong những ngày Tết. Ảnh: T.T

Trải nghiệm mới

Lê Phi Tú (19 tuổi), làm phụ bếp ở một nhà hàng trên đường Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) vừa được về Huế ăn Tết từ ngày mồng 5 (tháng Giêng). Tú không giấu niềm vui khi đây là lần đầu tiên bạn tự mua được cho mẹ tấm áo mới, ít quà bánh cho các cháu nhỏ, dịp xuân sang. “Em cảm thấy mình đã trở thành người lớn, cảm xúc thật khó tả”, Tú chia sẻ.

Sinh ra trong gia đình đông anh em, hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nên Tú có ý thức tự lập từ nhỏ. Xác định khả năng bản thân khó đỗ đại học với ngành ưng ý, vừa tốt nghiệp lớp 12, Tú vào Đà Nẵng học nghề nấu ăn rồi làm việc tại nhà hàng này, theo gợi ý của anh trai và chị dâu.

Là lính mới, cộng thêm mức lương hấp dẫn (gấp 3 ngày thường) do chủ nhà hàng đưa ra, Tú quyết định ở lại Đà Nẵng làm “xuyên Tết”, kiếm thêm ít tiền. Tết đầu tiên xa nhà, được gia đình động viên cùng hứa hẹn những trải nghiệm mới về Tết cổ truyền trên đất khách khiến Tú khá háo hức với quyết định của mình.

Tuy nhiên, trong thời khắc giao thừa, người phụ bếp cần mẫn vẫn phải lục đục trong căn bếp đầy mùi thức ăn của nhà hàng thay vì thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, hay nâng ly rượu mừng năm mới ấm áp bên người thân, chàng trai trẻ như Tú không khỏi chạnh lòng. Nghĩ đến lời dặn của mẹ từ trước Tết “con cố gắng để Tết sau vui hơn”, Tú chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Nhưng rồi, những chóng chánh cũng dần qua đi, cái cảm giác sau những chịu đựng, những nhọc nhằn, cả những thổn thức, nay được thong thả trở về nhà đoàn viên cùng người thân, trong những ngày sau Tết khá thú vị: bên cạnh sự không trọn vẹn, có những niềm vui, những xúc cảm như được nhân đôi, nhân ba, “khó diễn tả thành lời”, Tú thổ lộ.

Thay vì cái lạnh se sắt của những ngày cận, trong Tết, gia đình, làng quê thân thuộc đón người con xa trở về trong ánh nắng xuân ấm áp; cây mai trước nhà đã nở bung rực rỡ, chứ không còn chúm chím những bầu nụ như trong trí nhớ. Hạnh phúc nhất là giây phút được ôm trọn trong vòng tay yêu thương của mẹ già và các cháu nhỏ.

Cũng như những người con xa khác, việc đầu tiên khi về ăn Tết muộn của Tú là thắp nén nhang lên bàn thờ ba (vừa mất), bàn thờ tổ tiên. Những ngày sau đó, cái Tết theo Tú vẫn y như mọi năm với lịch thăm bà con, họ hàng, gặp gỡ bạn bè... Khác chăng chỉ là có một số người cũng đi làm xa quê, trở lại nơi làm việc sớm thì “đành hẹn năm sau gặp vậy”, Tú vui vẻ kể.

Huỳnh Thị Trâm (24 tuổi, người Đắc Lắc), nhân viên của quán cà-phê Molly Azura cũng quyết định ở lại Đà Nẵng làm việc trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhưng không phải vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hay không có điều kiện về quê ăn Tết. Trâm ở lại Đà Nẵng vì xác định do đặc thù công việc, và vì muốn biết Tết ở Đà Nẵng có gì khác ở quê?

Mặt khác, với mức thù lao 300 nghìn/ngày trong những ngày cận và trong Tết có thể giúp cô cựu sinh viên Điều dưỡng của Trường Cao đẳng Phương Đông đi du lịch đâu đó, nên “về Tết muộn chút cũng không sao”, Trâm bộc bạch. Và theo kinh nghiệm của Trâm thì vài năm trở lại đây, việc các sinh viên ở lại làm thời vụ Tết khá phổ biến, trong đó có người vì điều kiện khó khăn, nhưng một bộ phận khá đông đảo sinh viên chấp nhận về quê ăn Tết muộn vì háo hức Tết Đà Nẵng, vì muốn tự kiếm thêm thu nhập cho riêng mình.

“Về Tết bữa nay không còn vui như trước, thay vì loanh quanh ở quê mấy ngày rồi đi, ở lại Đà Nẵng làm việc vừa vui, lại có thêm thu nhập, ra Tết về nhà tàu xe lại thong thả, chứ không cực khổ, chen lấn như trước Tết”, Như Quỳnh (người Hà Tĩnh), bạn đồng môn của Trâm hồn nhiên nói.

Mong Tết sau vui hơn…

Ăn Tết xa quê với các bạn trẻ như Trâm, như Quỳnh ngày nay, có vẻ không còn quá nặng nề, song đối với một số người, đó vẫn là cả nỗi niềm chất chứa. Như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Vượng (quê Quảng Ngãi) ra Đà Nẵng mưu sinh đã 3 năm nay. Nhiều năm trước, khi còn khỏe, bà chạy bán chai bao ở quê quần quật đến 30 Tết, đủ nuôi gia đình và đặc biệt là không năm nào, phải vắng Tết ở nhà.

Nhưng nay thì khác, chồng đổ bệnh ngốn hết tiền để dành, sức khỏe cũng không cho phép bà tất tả ngược xuôi như trước. Theo gợi ý của người bà con và con trai đang làm việc ở Đà Nẵng, bà được giới thiệu giúp việc cho một gia đình khá giả trên đường Hoàng Diệu: Công việc khá nhẹ nhàng, thu nhập cũng khá nên 2 năm nay bà Vượng phải bấm bụng ở lại ăn Tết ở Đà Nẵng, vì sợ về trong lúc chủ nhà đang cần mình nhất, có người khác làm thay tốt, lỡ mất việc thì sao. Dù đã hai năm, nhưng cái cảm giác lạc lõng, xa lạ trên đất khách, trong ngôi nhà lạ vẫn không tài nào xóa đi được.

Bà thèm được thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, cùng người thân cầu một năm mới sức khỏe, may mắn trong phút giao thừa; thèm cái cảm giác tất bật chuẩn bị sắm Tết, làm mâm cơm cúng 3 ngày Tết… Nhưng, người chồng ốm yếu, cùng các cháu nội ngoại (do cha mẹ chúng đều làm nông vất vả) vẫn rất cần những đồng tiền bằng mồ hôi, nước mắt, sự hy sinh của bà, nên năm nào bà Vượng cũng bùi ngùi, nén lòng chờ đợi “cái Tết sau”…

Theo chia sẻ của nhiều chủ công ty, doanh nghiệp có công việc đặc thù trong những ngày Tết thì họ đều tạo điều kiện để các nhân viên xa quê được về nhà ăn Tết, những nhân viên là người Đà Nẵng sẽ làm thay. Song, vì nhiều lý do, một bộ phận vẫn chọn ở lại Đà Nẵng làm việc trong những ngày đáng lẽ họ phải có mặt ở nhà đoàn tụ cùng gia đình, trong đó có những số phận, những tâm sự như bà Vượng…

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.