Chuyến bay tối ngày 29 tháng Chạp từ Đà Nẵng đi Singapore chật kín người, hầu hết là người Việt. Họ đến đảo quốc Sư tử không phải để làm việc hay du lịch mà để vui xuân, chơi Tết…
Gia đình anh Đoàn Thanh Bình bên tượng Merlion, biểu tượng của đảo quốc Singapore. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Háo hức Tết xa quê
Dường như mấy năm gần đây, khái niệm ăn Tết của người Việt nói chung và người dân Đà Nẵng nói riêng đã được mở rộng. Ăn Tết không còn nhất thiết ở gia đình mà mở rộng hơn ở góc độ xã hội. Bằng chứng là ngoài việc đón giao thừa ở gia đình theo cách truyền thống thì người Đà Nẵng tham gia lễ hội pháo hoa đêm giao thừa ở sông Hàn như một mỹ tục chào năm mới.
Và một khi khái niệm ăn Tết bây giờ còn đồng nghĩa với chơi Tết, thì việc du xuân ở nước ngoài trong ba ngày Tết không còn xa lạ lắm với một bộ phận người dân Đà thành.
Điều dễ nhận ra người Việt giữa đám đông xa lạ là nụ cười xởi lởi đến hồn nhiên. Trong số khách Việt bay sang Sing hôm ấy, ngoài một số người đi lẻ thì hầu hết mua vé theo tour du lịch. Có người đưa cả gia đình sang đảo quốc Sư tử du xuân.
Cũng có người một mình sang đất khách quê người thăm con ngày Tết. Cách gì đi nữa thì họ cũng trải qua ba ngày xuân ở xứ lạ với bao nỗi niềm khác nhau nhưng cùng chung một niềm háo hức, mong chờ.
Ngồi cạnh là một người phụ nữ ăn vận theo kiểu chân chất, dễ đoán được đây là lần đầu chị đi xa bởi cái cách ôm khư khư một gói giấy lớn trên tay. Nhìn thấy ánh mắt dò hỏi của những người chung quanh, chị phân bua: Là hoa tươi nhà trồng đó… Đem làm quà cho con gái. À, ra là vì sợ hoa dập nên chị không bỏ vào khoang hành lý.
Câu chuyện cứ thế bắt đầu từ những bông hoa cúc vàng tươi hương sắc quê nhà đến chuyện con cái học hành nơi đất khách quê người. Chị tên là Thủy, quê ở Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Chị sang thăm con gái đang học ở Trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU).
Trong 20kg hành lý chị mang theo, ngoài mấy bộ quần áo thì toàn là bánh chưng, bánh tét, chả bò bà Hường, bánh khô mè Bà Liễu, tré Bà Đệ, tôm khô, củ kiệu mua ở chợ Hàn… Chị cười lỏn lẻn như thanh minh: Ước chi gói ghém hết cái Tết Việt sang Sing cho con đỡ nhớ quê nhà…
Đi cùng chuyến bay hôm ấy còn có gia đình anh Đoàn Thanh Bình và chị Phan Thị Diễm Thúy. Anh chị có cửa hàng kinh doanh điện thoại trên đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên họ đưa cả hai con sang đảo quốc Sư tử xinh đẹp với tâm trạng háo hức trải nghiệm cái Tết xa nhà.
Chị bảo, trước khi đi, cả nhà đã lên kế hoạch những nơi cần tham quan và ăn uống, sẽ tự khám phá Singapore theo cách của mình mà không cần hướng dẫn viên du lịch…
Hồn Việt ở nơi đất khách
Đảo quốc Singapore ngoài người Ấn, người Mã Lai thì phần lớn cư dân là người Hoa nên Tết của xứ này mang nét văn hóa Á Đông, hao hao Tết của người Việt.
Tuy nhiên, không vì vậy mà người Việt quên đi cái Tết quê nhà. Với hơn 12.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Sing, ba ngày Tết là dịp để họ có thể gặp gỡ bạn bè, người cùng quê, được ăn một bữa cơm Việt, được nói tiếng Việt cho thỏa lòng nhung nhớ.
Chính vì vậy, bữa gặp mặt người Việt tại Sing do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức năm nào cũng đông đủ, ấm cúng. Người Việt đến đây để tìm lại cái cảm giác quê nhà qua câu chuyện râm ran về nồi bánh chưng xanh bốc khói, về mùi nhang trầm thơm thắp đêm giao thừa trên bàn thờ tiên tổ.
Ngay cái giọng quê mùa, nặng trịch của xứ Quảng, cái điệu nhu mì của giọng Huế cũng trở thành đề tài bất tận trong buổi gặp mặt.
Chúng tôi được người quen đến thăm Tết của một gia đình người Việt tại khu The Nexus trên đại lộ Bukit Timal. Dễ nhận ra hồn Việt thân thương trong mâm ngũ quả đặt ý tứ trong phòng khách của căn hộ hiện đại nhìn ra khu hồ bơi trong vắt.
Tuy không có “cầu, dừa, đủ, xoài” như người Nam Bộ nhưng vẫn đủ ngũ hành tương sanh trong năm màu cây trái. Chủ nhà cho biết, tuy ở xa quê nhiều năm nhưng gia đình chị vẫn giữ được nếp ăn Tết quê nhà. Mứt gừng, mứt bí, bánh chưng, chả giò… đều được gia đình gửi sang.
Bữa cơm cuối năm không thịnh soạn như lễ cúng Tất niên ở Việt Nam nhưng cũng đủ các món Việt. Cả một năm làm ăn tất bật. Tết là khoảng thời gian lắng đọng để người ta nhớ mình là người Việt…
Câu chuyện cứ xoay quanh chủ đề Tết Việt và người Việt ở đất khách, chúng tôi chợt thấm thía nỗi lòng của chị Thủy ở Ngũ Hành Sơn, lặn lội từ quê nhà qua ăn Tết cùng con gái với bó hoa cúc ngai ngái hương mùi đất đai bản quán.
Chắc giờ này mẹ con chị Thủy cùng bạn bè là các sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học NTU đang quây quần bên nhau ngắm hoa, cắn hạt dưa nói chuyện quê nhà.
Trong khi người Việt tại Sing quay về quá khứ tìm lại hồn Tết Việt thì những khách vui xuân hòa mình trong không khí tưng bừng nơi đất khách. Họ nhìn thấy mình trong lễ hội River Hong Bao (lễ hội Lì xì) trên quảng trường Marina Bay rộng thênh thang ngập tràn sắc đỏ.
Chúng tôi tưởng tượng đến gương mặt háo hức của 4 thành viên của gia đình anh Bình trước tượng Thần Tài cao chót vót giữa trời xanh của đảo quốc hay tượng 12 con giáp lung linh sắc màu trong tiếng nhạc Hoa dìu dặt.
Lang thang ở China Town trong ngày mồng 2 Tết, chúng tôi gặp một đoàn khách Việt du xuân theo tour do Công ty Du lịch Sài Gòn Tourist tổ chức. Có lẽ đây là điểm đến không thể thiếu được của dân Việt sang Sing vào dịp Tết vì một lẽ không khí Tết hao hao giống quê nhà, trong đó phải kể đến thức ăn Tàu nổi tiếng…
Vào dịp Tết âm lịch, người Hoa cũng tặng phong bì lì xì mừng tuổi gọi là “Hong Bao” và kèm theo vài quả quít. Thường từ hai quả trở lên nhưng phải là số chẵn như một lời chúc cả năm ngọt ngào may mắn.
Chuyến bay về Đà Nẵng vào chiều mồng 5 Tết đưa những người Việt trở lại quê nhà. Chúng tôi lại gặp nhau tại sân bay Changi trong niềm mong ngóng về quê sau 5 ngày ăn Tết nơi đất khách. Anh chàng hướng dẫn viên của Sài Gòn Tourist tên Hoài Tưởng tranh thủ ấn vào tay chúng tôi tấm danh thiếp với lời hẹn bay cùng Sing trong các dịp lễ sắp tới…
Bỗng dưng nhớ hình ảnh người đàn bà tên Thủy và bó hoa cúc vàng sắc nắng, lời thú nhận của cậu bé Thanh Tín con anh Bình khi gặp nhau lúc lên máy bay: “Việc đầu tiên về đến nhà là con sẽ chạy ra phố ăn tô bún bò hay hủ tiếu cho… đỡ thèm!”…
NHƯ HẠNH