.

Tháng giêng là tháng ăn chơi?

.

Thời thế giờ đã khác, tháng giêng giờ không thể “ăn chơi” như ngày trước mà phải tất bật sắp đặt công việc cho cả một năm mới.

Ông Năm My khởi lệnh ra quân đầu năm cho nghề cá ở Xuân Hà, quận Thanh Khê.Ảnh: V.T.L
Ông Năm My khởi lệnh ra quân đầu năm cho nghề cá ở Xuân Hà, quận Thanh Khê.Ảnh: V.T.L

Chúc năm mới bằng... cá

Gần nửa đêm mồng 1 Tết, anh Lê Tiến lọ mọ cho nổ máy, bơm nước từ hồ cá ra bàu. Bàu khá rộng đủ để nơi này “chết tên” là Xóm Bàu, nay thuộc thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Thời của cha anh Tiến, muốn bắt cá trong hồ phải nhờ cả xóm tới tát nước sáng đêm, chừ thì máy móc hiện đại, bơm đến sáng là cạn nước.

Anh Nguyễn Tiến Đức, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn, hửng sáng mồng 2 đến giúp Tiến thu hoạch cá. Trên 3 tạ, chủ yếu là cá tràu. Xong đâu đó, Tiến xả nước cùng với cá con từ hồ bên cạnh qua, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Anh từng bươn chải vô Sài Gòn làm công nhân, không ra gì, về thấy mô hình nuôi cá quá hấp dẫn nên xáp vô làm, ngoài ra còn trồng hoa cây cảnh, nuôi bò.

Cá tràu, người miền Bắc gọi là cá quả, người miền Nam gọi là cá lóc. Đầu năm một số người kiêng cữ mấy chuyện rất lạ, như không ăn thịt bò, không ăn bí, không ăn chuối (!),… nhưng cá lóc thì lại mê, bởi ăn loại cá có những 3 cái tên này, theo họ, là để được mạnh mẽ cả năm. Cũng không ít người mua cá lóc để phóng sinh đầu năm theo quan niệm của nhà Phật.

Chiều mồng 2, người viết cùng anh Tiến ghé chúc Tết ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Chủ tịch xã Hòa Tiến. Nghe tin “nóng”, ông Anh đặt mua ngay 3kg, ông gọi là “cá tràu đồng”, ngon phải biết. Trưởng ban Quản lý chợ Lệ Trạch Đặng Quang Vinh nói sẽ mang đến để chúc ông và gia đình suốt năm “mạnh khỏe như cá lóc”.

Vậy là mẻ cá ẩn chứa lời chúc tốt lành đó đã mang lại cho Tiến 15 triệu đồng, một con số khá “đẹp” ngay những ngày đầu năm, sau khi huyện Hòa Vang vừa được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Đưa xe đi chùa cầu may

Cũng mồng 2 Tết, đúng 9 giờ sáng, các “bác tài” của Trung tâm Điều hành xe điện Phú Phong thuộc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phú Phong tề tựu tại bãi đỗ xe trên đường Nguyễn Văn Thoại để cùng Giám đốc Trần Văn Phú trịnh trọng làm các thủ tục tâm linh đầu năm.

Đoàn xe của Phú Phong hoạt động từ đầu tháng 5-2014 chỉ với 10 chiếc, nay đã lên 22 chiếc và nửa tháng nữa sẽ là 30 chiếc. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn châu Âu theo kỹ thuật tiên tiến trên thế giới: Ắc-quy Đức, bộ sạc Mỹ, mô-tơ Ý, lốp Đài Loan, thùng xe Thượng Hải. Theo thiết kế, tấm pin mặt trời trên mỗi xe khi nạp đầy điện (một chiều) có thể chạy được 120km; những ngày không nắng sẽ chuyển sang sử dụng bình sạc điện 220kV.

Anh Nguyễn Quang Thắng công tác tại Công ty Truyền tải điện 2 (đóng tại Đà Nẵng) – Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, hôm đó chờ theo xe lên chùa Linh Ứng Sơn Trà, tỏ vẻ rất “mê” loại xe này: “Đà Nẵng phấn đấu đạt Thành phố môi trường vào năm 2020, nên theo tôi, loại xe chạy năng lượng “sạch” này là lựa chọn số 1 cho du lịch nội thành.

Năm tới diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, lượng khách quốc tế và quốc nội đổ về Đà Nẵng sẽ rất đông, việc đi lại trong nội thành cần nhiều phương tiện gọn nhẹ, không tiếng ồn, không xả khói bụi như thế”.

Đà Nẵng có nhiều điểm đến rất lý thú, ví như Tòa nhà hành chính thành phố, Bảo tàng Đà Nẵng, Thành Điện Hải – một điểm đến với ba địa chỉ tham quan. Thế nhưng, hiện xe điện chạy năng lượng “sạch” như Phong Phú vẫn chưa được cấp phép tới đó.

Sau khi được giám đốc “lì xì” cho mình và cả người nhà đi theo, các “bác tài” thong thả cho xe chạy lên chùa Linh Ứng, Sơn Trà viếng hương, cầu mong năm mới hanh thông mọi sự, nhất là được phép chạy thêm nhiều tuyến đường mới.

“Khai trương” từ mồng 1 Tết

Do đặc thù nghề nghiệp, một số người làm việc luôn cả ngày đầu tiên của tháng giêng, như anh Nguyễn Phi Dũng, làm nghề vá xe máy lưu động, nhà ở đường Tôn Đức Thắng, gần bến xe Trung tâm Đà Nẵng.

Sáng mồng 1, đang đón bạn đến thăm xuân thì có điện thoại của một khách hàng quen thuộc nhờ anh chạy lên núi Bồ Bồ, xã Điện Tiến, vá chiếc xe máy bị thủng ruột. Anh xin lỗi bạn rồi hối hả đi “cứu nạn” đầu năm.

Xong việc thì đã gần trưa, anh thấy một ông cao tuổi mướt mồ hôi dắt chiếc Air Blade từ trên dốc đi xuống. Bắt chuyện, ông bảo hai vợ chồng ông mượn xe của con về quê thăm xuân, bị thủng ruột dắt gần cây số rồi. Anh quá ái ngại, bèn “ra tay nghĩa hiệp”.

Ruột xe bị thủng tất cả 11 lỗ, do ông dắt xe mà không biết rút cây đinh ra. Không có ruột thay, anh đành vá cầu may để vợ chồng ông về tới nhà ở phường Thanh Khê Tây. Anh về tới nhà gần 3 giờ chiều, mệt nhưng lòng cảm thấy vui vui.

Anh Bùi Quang Thiện, tài xế Taxi Mai Linh, cũng “khai trương” từ 5 giờ sáng mồng 1 Tết. Mấy năm những ngày cận Tết taxi các hãng chạy long nhong khắp phố, năm nay khách du lịch, khách ở quê dập dìu đổ về Đà Nẵng ăn Tết, tài xế taxi bỗng dưng “có giá”.

Sáng 28 tháng chạp, Thiện chạy một cuốc lên tận Đại Lộc. Khách thuê xe về thăm quê, “la cà” hết nhà này đến nhà khác, gặp đâu cũng làm một ly. Trưa Thiện được mời ăn món mì Quảng kiểu Đại Lộc, thấy rau sống quá “sạch”, anh ra tay làm món nước mắm, ai nấy khen rầm trời.

Mọi người tưng bừng “nâng lên để xuống” khiến Thiện vui lây trong không khí Tết. Là vậy thôi, chứ anh không có khái niệm “ăn chơi” lấy một ngày chứ đừng nói đến cả tháng giêng như dân gian thường nói. Nghỉ được ngày 29, mồng 1 lại ngồi sau vô-lăng. Sáng, anh chạy đi Điện Hồng, chiều đi Điện Dương, tối đưa khách là trẻ con đi chơi công viên, lấy sự hân hoan của khách làm niềm vui riêng mình.

Tất bật tháng giêng

Sáng mồng 4 Tết, ông Lê My (Năm My) thay mặt cho hơn 20 hộ ngư dân xóm Tân Trung 1, làng Hà Khê (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) làm lễ cúng đầu năm tại nhà thờ làng và dưới bến bên đường Nguyễn Tất Thành. Lễ phẩm gồm hoa quả, xôi chè, dưới bến có thêm cháo thánh.

Sắp đặt đâu vào đó, ông đến bên chiếc mõ làm bằng gỗ mù u chạm lộng hình con rồng đặt phía trong gian chính của nhà thờ, trịnh trọng đánh ba hồi lại ba dùi, bắt đầu khai lễ. Các chủ tàu xếp thành hai hàng, thành kính lắng lòng giữa trầm hương và ánh nến.

Anh Trần Văn Minh, thuyền trưởng tàu ĐNa 90349 cho biết, cả xóm có 29 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Cứ đến mồng 4 Tết là các chủ tàu tổ chức cúng đầu năm, trước cầu mong năm mới ra quân an lành, mưa thuận gió hòa, sau ngồi lại uống ly nước chúc nhau ra khơi may mắn, bội thu.

Phía trước nhà thờ, cây nêu được dựng từ 25 tháng chạp đánh dấu truyền thống văn hóa làng giữa phố thị. Mồng 7 cây nêu được hạ xuống, nhưng ý nghĩa tâm linh từ đó vẫn còn lưu giữ trong tâm tưởng các ngư dân mỗi lúc ra khơi xa.

Khi được hỏi, ông Năm My bảo, đối với ngư dân, tháng giêng không phải là tháng ăn chơi; ngay đầu tháng, được ngày, thuận trời là bươn tàu ra khơi ngay. Anh Nguyễn Tiến Đức thì mồng 10 này đi trồng cây ven bờ những cánh đồng mẫu ở Hòa Tiến.

Ca dao xưa cho thấy nghề nông không thể “ăn chơi”: “Tháng chạp là tiết trồng khoai/ Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà/ Tháng ba cày vỡ đất ra/ Tháng tư gieo mạ, thuận hòa mọi nơi”.

Những người làm nghề đặc thù như anh Dũng, anh Thiện... lại càng không có thời gian để “ăn chơi”. Xét cho cùng, “Tháng giêng là  tháng ăn chơi” không tồn tại trong “từ điển” của nhịp sống công nghiệp thời hiện đại!

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.