.

Bi tráng ca của lòng yêu nước

.

Một thế kỷ đã đi qua, kể từ ngày hai chí sĩ yêu nước xứ Quảng Thái Phiên và Trần Cao Vân bị giặc Pháp xử chém ở An Hòa và an nghỉ trong cùng một khu lăng mộ trên đồi thông Từ Hiếu, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Khởi nghĩa Duy Tân do hai vị khởi xướng 100 năm trước đã không thành nhưng khúc ca bi tráng được viết bằng máu của người yêu nước vẫn vang vọng mãi trong tim hậu thế.

Các thế hệ học sinh Trường  THPT Thái Phiên tự hào khi được học dưới mái trường mang tên nhà yêu nước đất Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Các thế hệ học sinh Trường THPT Thái Phiên tự hào khi được học dưới mái trường mang tên nhà yêu nước đất Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Ở Đà Nẵng, chẳng ai như Thái Phiên, tên ông được hậu thế chọn đặt tên thành phố, con đường và cả trường học ở Đà Nẵng.

Năm 1963, Trường trung học công lập Ngoại Ô ra đời, gắn liền với khu dân cư nghèo vùng ven Đà Nẵng lúc bấy giờ. Thầy Nguyễn Văn Tâm, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho biết, đến năm 1972, theo nguyện vọng của đông đảo học sinh và phụ huynh nhà trường, trường được vinh dự mang tên Thái Phiên, chí sĩ yêu nước người làng Nghi An, xã Hòa Phát (nay là phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) - nơi có nhiều học sinh theo học ở trường lúc đó.

Ở đời nhiều lúc cơ duyên đưa đẩy thật bất ngờ. Ở khu vực quanh bãi chém An Hòa (Huế) có một cô gái tên là Võ Thị Oanh, nhà ở gần Cống Chém. Ba mẹ cô bảo, gọi thế vì đây là nơi giặc Pháp đã hành hình các nhà yêu nước người Quảng trong Khởi nghĩa Duy Tân năm 1916. Lớn lên, trở thành cô giáo, cơ hồ một trong những con người lừng lẫy trên pháp trường gần nhà cô ngày nào đã sắp đặt, đưa đẩy cô vào Đà Nẵng dạy học ở chính ngôi trường mang tên ông – Trường trung học Thái Phiên.

Với học sinh, như Đỗ Quỳnh Trân đang học lớp 11/1 tại trường, buổi học đầu tiên khi em vào trường là được nghe những câu chuyện về cuộc đời và tấm lòng yêu nước sâu sắc của nhà chí sĩ mà trường được vinh dự mang tên.

Trong bài viết tham gia cuộc thi viết cảm nhận về sự hy sinh của cụ Thái Phiên do Sở GD&ĐT Đà Nẵng phát động nhân kỷ niệm 100 năm Ngày mất của chí sĩ, Quỳnh Trân trải lòng: “Không phải ngẫu nhiên mà Trường THPT Thái Phiên nằm trên đường Trần Cao Vân, đó là kết quả của một chuỗi sự kiện có liên quan với nhau trong lịch sử. Hai nhà chí sĩ cách mạng cùng hoạt động yêu nước, đến phút lâm chung cũng ở bên nhau và cùng an nghỉ trong cùng một ngôi mộ. Cuộc gặp gỡ của Thái Phiên và Trần Cao Vân chẳng những là tình cờ, mà nó còn là sự sắp đặt mà đất trời đã định từ lâu”.

Chừng như có một sự “sắp đặt” nào đó đối với nhà thơ Thanh Quế và người thầy của ông khi ông rời quê nhà Quảng Ngãi và chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai. Trong bài viết “Tiễn biệt nhà thơ Tế Hanh” đăng trên Tạp chí Non Nước số 149 (tháng 8, 9-2009), ông chia sẻ với độc giả Đà Nẵng một số kỷ niệm, suy nghĩ của ông về người thầy đồng hương của mình là nhà thơ Tế Hanh.

Theo đó, nhà thơ Tế Hanh rất nặng tình nặng nghĩa với Đà Nẵng, người vợ đầu của ông là người Đà Nẵng. Ông trước cách mạng Tháng Tám 1945 dạy học ở Đà Nẵng, sau khi thành lập UBND cách mạng lâm thời, ông là Ủy viên Giáo dục (như là Giám đốc Sở Giáo dục bây giờ).

Được trực tiếp tham gia kháng chiến cùng nhân dân Đà Nẵng trong những ngày đầu, ông viết trường ca “Thành Thái Phiên” (sau khi Đà Nẵng được đổi tên thành Thái Phiên) đến nay nhiều người vẫn còn nhớ và xúc động: Thành Thái Phiên súng đạn nổ vang lừng/ Đất lịch sử nghe linh hồn chảy máu/ Đoàn vệ quốc cắn răng thề chiến đấu/ Mưa liên thanh đại bác xối quanh mình… Trong đó, có hai câu được nhiều người nhớ nhất: Thành Thái Phiên đắm mình trong khói lửa/ Đất anh hùng lần nữa quyết hy sinh.

Máu hai nhà yêu nước đất Quảng đã đổ xuống sau nhát chém oan khiên của giặc Pháp, cảnh tượng bi tráng năm nào đã thôi thúc những người con quê hương viết tiếp trang sử hào hùng, bất khuất chống ngoại xâm giữa mưa bom bão đạn. Ở Đà Nẵng, sau năm 1955, tên của vị anh hùng chống Pháp Thái Phiên đã được thay cho đường phố mang tên một vị tướng người Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất là Noël de Castelnau và giữ mãi đến giờ.

Ngày 15-5 này, đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, quận Cẩm Lệ, Trường THPT Thái Phiên, phường Hòa Phát và tộc Thái làng Nghi An viếng mộ chí sĩ yêu nước tại An Hòa, Huế. Thầy Hà Thúc Quang, 16 năm dạy Lịch sử ở trường, cũng đã từng cùng với thầy Phó hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hòa ra tận Cống Chém để tìm hiểu, khảo sát những thông tin về những nhà yêu nước bị hành hình ngày đó. 15 năm trước, thầy Lê Đình Thăng, giáo viên nhà trường, một lần “Viếng mộ cụ Thái Phiên” (tên bài thơ của thầy) đã viết: “Cụ Thái Phiên sống khí phách/ Cụ Trần Cao Vân chết anh hùng/ Nợ nước, thù nhà chung nhát chém/ Nấm mồ chung cho vạn nỗi lòng”.

Khí phách của người từng được đặt tên cho thành phố Đà Nẵng sẽ được thế hệ hôm nay nhắc lại và vinh danh tại Lễ tưởng niệm 100 năm ngày Thái Phiên hy sinh do Sở GD&ĐT thành phố tổ chức tại Trường Thái Phiên vào ngày 16-5. Ngày này, thầy và trò nhà trường cùng cất cao “Hành khúc trường Thái Phiên” của nhạc sĩ Lê Bào với những câu khắc ghi khí phách người xưa: “Đường Trần Cao Vân ríu rít sớm chiều. Dòng lịch sử rạng danh Thái Phiên anh hùng…”.

Một ngày sau, đúng ngày giỗ thứ 100 của nhà chí sĩ, giáo viên và học sinh nhà trường dâng hương tại Nhà thờ Thái Phiên ở làng Nghi An và dự Lễ tưởng niệm do quận Cẩm Lệ tổ chức tại đây. Trước đó, cô Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, thông tin cuộc thi viết cảm nhận về sự hy sinh của Thái Phiên đã được đưa lên trang tin điện tử của trường để học sinh tìm hiểu rộng hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nhà chí sĩ.

Khúc ca bi tráng đã được những người yêu nước viết bằng chính máu mình sau Khởi nghĩa Duy Tân 100 năm trước. Khí phách anh linh của họ vẫn mãi chói ngời giữa trang sử Việt để một thế kỷ sau, lớp hậu sinh như nữ sinh Phan Thị Minh Khuê lớp 11/11 Trường THPT Thái Phiên khẳng định trong bài dự thi của mình: “Chúng em thật tự hào và vui sướng là những thế hệ học trò tiếp nối những con người sẽ đặt bước chân mở đường trên chặng hành trình đầy gian nan phía trước, dưới mái trường mang tên Thái Phiên - một người con anh hùng và là niềm tự hào muôn thuở của dân tộc”.

Thế hệ trẻ hôm nay tin tưởng về một tương lai tươi sáng, được ươm mầm từ sự bất khuất, kiên trung của lớp lớp những anh hùng thuở trước, họ đã ngã xuống để cháu con tiếp tục thực hiện ước mơ, hoài bão. “Tên của chí sĩ Thái Phiên khắc mãi lại nơi đây, tại ngôi trường này; và hơn thế, cái tên ấy sẽ khắc mãi trong trái tim của các thế hệ thầy và trò, những người đã và đang cùng nhau góp phần làm nên những điều kỳ diệu cho thành phố từng có tên là Thành Thái Phiên này” - Minh Khuê kỳ vọng.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.