.

Chuyện ở các quán cơm xã hội

.

Ở Đà Nẵng, những quán cơm từ thiện xuất hiện ngày càng nhiều. Khách là những người bán hàng rong, chạy xích lô, bán vé số, sinh viên nghèo…

Mỗi buổi trưa, quán “cơm xã hội 5.000 đồng” phục vụ 250 suất cơm cho người lao động thu nhập thấp.
Mỗi buổi trưa, quán “cơm xã hội 5.000 đồng” phục vụ 250 suất cơm cho người lao động thu nhập thấp.

Suất cơm 5.000 đồng cho người nghèo

11 giờ 30, quán “cơm xã hội 5.000 đồng” (số 77 đường Ba Đình) mới bắt đầu bán. Nhưng hơn 10 giờ, một người đàn ông đi xe lăn, đen nhẻm, gầy gò đến trước cửa quán: “Cho tui 2 hộp cơm nghe, bỏ bớt đồ ăn lại, hôm kia bỏ nhiều quá ăn không hết”. Cô tình nguyện viên lật đật chạy ra đẩy xe vào chỗ mát giúp ông, rồi dặn: “Chú đợi 15 phút nữa mới có canh nghe. Bộ tụi con nấu không ngon hay răng chú ăn không hết? Ráng ăn nhiều vô cho có sức mà đi bán chú à”.

Không chỉ người đàn ông này được dặn dò phải ăn cho no, mà suốt buổi trưa tôi ở quán cơm xã hội ấy, các tình nguyện viên dù mướt mồ hôi phục vụ cũng không quên động viên thực khách của mình cố ăn nhiều cho có sức khỏe.  “Tội lắm” là từ tôi nghe nhiều nhất ở quán. Tôi gặp nhiều người trong số 250 khách của quán hôm ấy (mỗi buổi quán bán 250 suất, vào các trưa thứ ba, năm, bảy, chủ nhật hằng tuần), hầu hết ai cũng nhận xét như vậy. Thực khách của quán chủ yếu là người lao động nghèo. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, người bán vé số, người ve chai, công nhân vệ sinh môi trường… Họ giống nhau ở chỗ, đến ăn cơm ở đây để giảm nhẹ chi phí và nhận được những nụ cười khích lệ  của các tình nguyện viên.

Với cô Trần Thị Ba (quê Quảng Ngãi, bán vé số), từ ngày phát hiện ra quán cơm 5.000 đồng này, cô tiết kiệm được thêm chút ít tiền gửi về cho con. “Tìm được quán ngon mà rẻ như ri tui mừng lắm. Thương mấy đứa nhỏ phục vụ ở đây ghê. Tụi nó tội lắm. Gặp mình là cười, nhớ tên mình luôn”, cô nói. Còn cô Nguyễn Thị Lệ (công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng), từ ngày đến ăn cơm ở đây, cô tranh thủ làm việc thiệt nhanh để đến sớm nửa tiếng, 45 phút phụ giúp các thành viên trong quán. “Mất có 5.000 đồng cho dĩa cơm ngon thì mình cũng phải bỏ chút công sức cho có cái tình chớ. Mấy đứa nhỏ ở đây mới tội kìa, làm không công hết đó”, cô chia sẻ.

Mới mở được nửa năm nhưng quán cơm xã hội này đã giúp ấm bụng biết bao người lao động nghèo trên phố. Từ những ngày đầu “ế ẩm” vì chưa nhiều người biết đến quán, các tình nguyện viên đã chia nhau rảo bước khắp các đường phố tiếp cận với người lao động giới thiệu về quán. “Lúc đầu, nhiều người còn không tin quán bán cơm 5.000 đồng, cứ hỏi đi hỏi lại: thiệt không con? 5.000 đồng à?”, anh Trần Tấn Mười, một tình nguyện viên nhớ lại.

Đội ngũ tình nguyện viên của quán hầu hết là các bạn sinh viên. Nguyễn Thị Hà (sinh viên năm 3 Trường ĐH Duy Tân) thật thà: “Em làm ở quán từ những ngày đầu. Ba mẹ em ở quê cũng nghèo lắm, gửi tiền sinh hoạt cho em không được nhiều nhưng em không đi làm thêm mà đến đây phụ giúp. Khoản tiền bố mẹ cho chỉ cần em tiết kiệm sẽ đủ chi tiêu. Buổi sáng em đến đây phụ giúp, trưa ăn cơm ở đây. Tối về ăn mì tôm cũng được. Miễn là hằng ngày nhìn thấy nụ cười đỡ nhọc nhằn của các cô, các chú. Họ cũng lao động vất vả như ba mẹ em vậy”.

Anh Phạm Thanh Hoàng (chủ quán), cho biết, dự án cơm 5.000 đồng cho người thu nhập thấp là mơ ước anh đã ấp ủ từ lâu, đến nay mới chính thức đi vào hoạt động. Anh học theo mô hình cơm 2.000 đồng của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được cộng đồng hưởng ứng rộng rãi. “Trông người mà ngẫm đến ta”, khi lực lượng sinh viên tình nguyện và các nhóm làm từ thiện ở Đà Nẵng cũng hùng hậu không kém tỉnh, thành bạn. Do đó, anh đã mạnh dạn lập quán cơm ý nghĩa này.

Niềm vui được giúp người khác

Hiện nay, ngoài “quán cơm xã hội 5.000 đồng”, có khá nhiều quán cơm từ thiện ở Đà Nẵng, nhưng vận hành theo cách thức khác nhau. Quán chay Thiện Nhân (320/3 đường Hoàng Diệu) là một trong những địa chỉ như thế.

Dù không phải ngày rằm hay mồng một, vẫn có khá nhiều khách ra vào quán, không chỉ phục vụ “khách có tiền” mà còn phục vụ “khách không tiền”. Đó là chú Ba (xe ôm) một tháng ăn ở quán gần… nửa tháng, hay chị Nhi (người Hà Nội, vào Đà Nẵng bán trái cây 3 năm nay) cứ cách ngày lại đến ăn miễn phí. Những cô chú này được quán xem là “khách hàng thân thiết”. Chị Nhi xúc động chia sẻ: “Chủ quán ở đây tội lắm. Ban đầu nghe mấy người bạn cùng đi bán giới thiệu có quán cho người lao động nghèo ăn miễn phí tôi không tin. Bữa đầu tới ăn cũng trả tiền nhưng chủ quán lấy tượng trưng 7.000 đồng. Mấy lần sau tôi đến thì không lấy tiền luôn, chắc thấy thương tôi vất vả”.

Một nhân viên tại quán kể, đến với quán cũng có những vị khách khá đặc biệt, như một anh nọ, ăn xong đứng dậy trả tiền rồi cứ đứng tần ngần nhìn những vị khách lam lũ khác một lúc. Sau đó, anh mua 1 lần 20 phiếu ăn, rồi cho lại quán để người nghèo đến thì cho họ, đến nay, anh là khách hàng thường xuyên cho phiếu ăn của quán. Một lần khác có nhóm học sinh đến ăn xong cũng góp lại mỗi em
5.000 – 7.000 đồng mua 2 phiếu cho quán. Thấy các em dễ thương quá, chủ quán đã giảm mỗi suất ăn 3.000 đồng (một suất ăn tại quán là 18.000 đồng).

Ông Hà Nam, chủ quán Thiện Nhân chia sẻ, trung bình mỗi tháng quán phát 100 phiếu ăn miễn phí cho người lao động nghèo, người đau bệnh tại các bệnh viện. Những khách hàng này, một là ông tự đi tìm trên phố, hai là được chính những vị khách của quán giới thiệu. Nghe ở đâu có người nghèo là ông đến phát phiếu hoặc tặng phiếu cho khách để khách phát giúp. Bất kỳ thực khách nào đến ăn mà ủng hộ phiếu ăn cho người nghèo, ông đều giảm tiền suất ăn như để cảm ơn tấm lòng của họ. Để có 100 suất ăn thường xuyên, ông Hà Nam liên kết với một số nhóm từ thiện ở thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, quán đã có một khoản kinh phí cố định để thực hiện dự án từ thiện này.

Ông Nam kể, từ ngày triển khai việc bán cơm miễn phí, lạ một điều, ông không bị “cụt vốn” mà vẫn duy trì được quán. Đó là bởi, nhờ những người lao động nghèo, ngày càng nhiều khách hàng biết đến quán chay Thiện Nhân. Ông và khách hàng của mình gặp nhau ở điểm, đều muốn giúp đỡ cho người nghèo.

Những quán ăn từ thiện kể trên dù hoạt động riêng lẻ, mức độ ổn định không cao nhưng ít nhiều đã san sẻ bớt một phần khó khăn cho người lao động nghèo.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.