.
Giới thiệu sách

Ra đi để trở về

.

Cái làng Thượng trong Thằng nớ con nhà ai (*) cách thành phố Đà Nẵng chừng 16, 17 cây số, dân thì quá đông mà đất thì có hạn nên người làng phải qua làng khác để trồng một thứ thuốc lá thuộc loại “danh bất hư truyền” là thuốc lá Cẩm Lệ, ấy vậy mà biết bao chuyện xoay quanh, dọc ngang từ dòng họ này đến dòng họ khác, từ lịch sử ngụ cư quần cư mấy trăm năm như móc xích chuyện nọ xọ chuyện kia, chuyện làng chuyện nước chao ôi là rối rắm.

Ngày trước nhà sử học Nguyễn Văn Xuân từng nói rằng: Viết sử làng khó hơn viết sử của nước. Nếu đúng vậy thì Trương Điện Thắng đã làm một công việc rất khó là viết sử làng, kể lại chuyện của người và đất của làng bằng văn học, bằng sáng tạo và hư cấu.

Thằng nớ con nhà ai được viết từ những câu chuyện có thực, truyện nào cũng ngồn ngộn chất liệu hiện thực từ một làng quê đã dần thoát bỏ một lối văn chương lấy cái bay bổng du dương làm chỗ dựa. Giọng văn không cần ma mị mà khô ráp, đôi khi cay nghiệt nhưng chất chứa một nỗi lòng người viết về quê hương của mình. Và vì nó là truyện ngắn nên cái hư cấu của văn học đã nhập vai vào nhân vật và câu chuyện nên nhiều khi truyện ảo mà thực, thực mà ảo.

Chỉ với 19 truyện ngắn, Trương Điện Thắng đã lọc đãi trong hàng trăm câu chuyện để gói trọn lại trong chừng ấy với những nhân vật điển hình, hoàn cảnh thực tế của một làng quê giàu truyền thống hiếu học, đã sản sinh nhiều trí thức, khoa bảng, các nhà khoa học và các doanh nghiệp ra đi từ làng.

Trong mỗi truyện lại nảy sinh thành 3, 4 chuyện bởi vì mối liên hệ giữa các nhân vật, dòng họ mà nhân vật nào cũng có những nỗi đời riêng. Những số phận nổi trôi, với những mối lương duyên kỳ lạ, người ta lấy nhau bị mọi người bàn tán giễu cợt vì nhan sắc, nhưng: Bà ấy không có cái dịu dàng, không nhan sắc như nhiều phụ nữ khác, nhưng lòng bà lại đẹp, mà phải sống với nhau thì mới biết (Ẩn tướng).

Mấy chục năm chiến tranh ròng rã tưởng đã phôi pha ký ức nhưng người làng còn giữ được nhờ họ biết sống với những giai thoại lắm buồn vui của đời người, mỗi ngôi mộ là những huyền thoại về người ở dưới mồ mà người kể chỉ nghe các cụ đời trước kể lại (Chạp mả). Kể chuyện làng, tác giả đều muốn gửi gắm những “thông điệp” cho người đọc, con cháu đời nay về cái sự nhớ mà mình đã trải nghiệm nhờ có những lần về ăn giỗ ở quê bà nội và những hồi ức được kể lại từ cha, ông của anh… (Kỷ niệm Cồn Mô).

Cái đạo đức, lối sống ở làng quê còn giữ được phần nào cũng nhờ đơn giản vào một câu hỏi: Thằng nớ con nhà ai dành cho người có hành vi sai trái như chửi tục, phóng xe ẩu tả, cướp giật, đâm chém… không cần phải xử phạt, bắt bớ theo kiểu hình sự, chỉ một câu hỏi mang tính truy nguyên lý lịch mà xác lập một giá trị đạo đức để con người biết sống mặc định trong phạm vi cho phép: Không ai được phép tự mình làm nhục dòng họ và gia tộc (Thằng nớ con nhà ai). Những lời nguyền, tâm niệm của con người như một ý thức chung thẩm đầy quyết liệt với cuộc đời: Nghèo dốt thì nghèo dốt, nhưng không được bội bạc (Nỗi lòng chôn kín). Ngay cả cái chuyện đi hỏi vợ, người làng gọi là “đi bỏ trầu cau”. Trầu cau này là mối tình nghĩa keo sơn lắm, nó ràng buộc con người lại một cách tự nhiên, không điều kiện chi hết. Gánh trầu cau đó gánh theo cả những nhân nghĩa, bền hơn đời người… (Gánh trầu cau).

Trong đó có những nỗi oan khiên, vì hoàn cảnh này nọ có người đã bỏ đi biền biệt 4, 5 chục năm đều muốn trở về dù chẳng để làm gì, chỉ để ra đi. Vậy mà, dù trong một hoàn cảnh cay nghiệt hay vinh quang, người làng xa quê đều có khát vọng trở về dù chỉ trong tâm tưởng.

 Ý thức sâu thẳm về nguồn cội cứ bàng bạc, se sắt trong những câu chuyện. Trương Điện Thắng dẫn ta đi bằng mối thương cảm xa vọng của hoài niệm giữa cái mất còn mong manh của cái tốt cái xấu của người đời nay. Những cái tên đất, tên vật dụng: Cồn Mô, Chợ Vải, Cẩm Lệ, gánh trầu cau, con gà đất, cây đa đọt đỏ, đình làng, chùa cổ… đều thấm đẫm một nỗi buồn lưu cữu bởi sự tiếc nuối kỷ niệm xa xăm mênh mang lắm giữa làn ranh mất còn. Con người sống với ký ức nhưng để ký ức sống mãi trong tâm trí nó phải gắn chặt một không gian cụ thể không thể tách rời. Chỉ là một cây đa nhưng nó chứa chất bao kỷ niệm ngày thơ bé, cây đa bị đốn đi, kỷ niệm trở thành một nỗi đau, thậm chí dù trở về làng nhưng như trốn chạy, nhân vật Tuyền không dám đi ngang khu vực ngày cũ (Cây đa đọt đỏ)…

Những năm gần đây, sau khi đã hoàn thành trách nhiệm của một công dân, một nhà báo với xã hội, Trương Điện Thắng đã trở về “ẩn cư” trong ngôi làng của mình, đây là cơ hội đắm mình trong những chuyện kể của làng. Một sự ra đi để trở về. Một nhà văn Nga từng nói đại ý: Đi hết tận cùng ngôi làng của mình sẽ gặp nhân loại... Với Thằng nớ con nhà ai, Trương Điện Thắng không giấu tham vọng trong cuộc trở về làng để nhìn ra thế giới để “gặp gỡ” nhân loại.

ĐÔNG QUAN


(*) Thằng nớ con nhà ai. Trương Điện Thắng; NXB Hội Nhà văn, Đà Nẵng 2016.

;
.
.
.
.
.