.

Lá phiếu niềm tin

.

Trong ngày hội non sông này, quyền tự do bình đẳng được tôn trọng và lá phiếu trong tay mỗi người là lá phiếu của niềm tin, niềm tin vào tương lai của đất nước, niềm tin vào một lớp người hiền tài được lựa chọn, niềm tin vào quyền quyết định sáng suốt của mình…

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)

Có một ngày hội vui chung của toàn quốc từ biên giới đến hải đảo, từ đồng bằng đến miền núi, không phân biệt trẻ già trai gái, tất cả từ 18 tuổi trở lên có quyền công dân đều đi bỏ phiếu. Nhà thơ Chính Hữu trong bài thơ “Lá phiếu hôm nay” viết năm 1960 lúc bầu cử Quốc hội khóa II, có câu thơ: “Mỗi cử tri là một người mơ mộng”. Mơ mộng ở đây như là một khát vọng niềm tin gửi gắm. Lá phiếu bầu cử đã hiện thực hóa, đã chở cả bao tâm tình nghĩ suy có cả sức nặng, sức tải của thời gian, lịch sử của quá khứ và bắt đầu cho một tương lai...

Trong Tuyên ngôn Độc lập đọc ở Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn câu: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được” trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Trong ngày hội non sông này, quyền tự do bình đẳng được tôn trọng và lá phiếu trong tay mỗi người là lá phiếu của niềm tin, niềm tin vào tương lai của đất nước, niềm tin vào một lớp người hiền tài được lựa chọn, niềm tin vào quyền quyết định sáng suốt của mình…

Nhớ lại cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa mới giành độc lập 4 tháng. Cách mạng Tháng Tám đã thổi một luồng gió mới vào mọi mặt của đời sống xã hội đem lại quyền làm chủ cho mọi công dân. Nhưng cuộc bầu cử diễn ra trong một hoàn cảnh chính trị phức tạp. Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược.

Cuộc bầu cử được tiến hành trong khói lửa chiến tranh. Giặc Pháp cho máy bay oanh tạc, mở các cuộc hành quân càn quét, tung tay sai đi phá hoại bầu cử. Đã có những người làm công tác vận động bầu cử hy sinh - đó là những “lá phiếu máu”.

Trong âm vang náo nức tưng bừng của ngày trọng đại đó (6-1-1946), nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết ca khúc “Ngày Quốc hội” với nhịp điệu rộn ràng - Rộn ràng từ lòng người: “Đâu quốc dân Việt Nam mau - Cùng nhau cầm lá phiếu mau - Cùng nhau cùng đem phiếu ta đi bầu…”.  Trong lời phát biểu trước đó một ngày, Bác Hồ đã kêu gọi: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta. Vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử. Vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân được hưởng quyền dân chủ của mình”.

Khi Bác Hồ ra ứng cử ở thủ đô Hà Nội, mọi người: “Đề nghị cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử này và suy tôn Cụ là Chủ tịch vĩnh viễn nước Việt Nam”, Hồ Chủ tịch gửi lời cảm tạ và nói: “Tôi là một công dân Việt Nam nên không thể vượt qua thể lệ tổng tuyển cử đã định”. Còn nhớ những ngày đó, đất nước muôn vàn khó khăn đối phó với thù trong giặc ngoài lại lo giặc đói, giặc dốt.

Những lớp bình dân học vụ được mở ra khắp các bản làng xóm thôn. Những người dân lần đầu tiên được học chữ, được đánh vần tên của những người mình lựa chọn bầu trên những lá phiếu còn thơm mùi mực mới. Và niềm tin về quyền làm chủ của con người làm chủ đất nước cũng bắt đầu hình thành có điểm tựa vững chắc từ đó.

Mẹ tôi là người được đi bỏ phiếu  bầu cử Quốc hội khóa III (1964 - 1971). Nhớ lại những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, ở quê tôi hình như tất cả mọi sinh hoạt đông người đều ở trong lòng đất. Đó là những mái lán xung quanh đắp lũy đất ken dày bằng những thân tre làng mà khi cắm xuống lại mọc những chồi non, những mắt lá non, nhen nhóm những hy vọng.

Cái giao thông hào rồng rắn chạy về đây thấp thoáng ẩn hiện những chiếc mũ rơm vàng óng dưới những vườn lá rợp. Hòm phiếu được đặt trang trọng trên chiếc bàn được ken bằng tre. Ngày bỏ phiếu là một ngày thiêng liêng, tưng bừng. Mặc máy bay gầm rú, mặc pháo hạm bắn vào rít qua đầu… những đứa trẻ chúng tôi chưa đến tuổi bầu cử nhưng cũng áo mới, khăn quàng đỏ dập dờn dưới hào giao thông đi cổ động. Có cả tiếng trống ếch, cả những băng-rôn, cờ, khẩu hiệu. Những tiếng hô vang làm rạng rỡ thêm gương mặt của những người lớn tuổi được làm nghĩa vụ của một công dân…

Tôi nhớ mẹ tôi sáng đã dậy sớm nấu một ấm nước chè xanh đặc sánh. Rồi bà gọi bà con lối xóm sang uống nước bàn chuyện trọng đại. Người lớn rì rầm với nhau chuyện gì tôi chẳng biết. Tôi thấy họ xúm quanh một bác thầy giáo hưu trí để hỏi thêm về người mình sắp bầu. Bác đó có một cái đài bán dẫn thật hiếm hoi luôn theo dõi tin tức trong nước và thế giới cập nhật hằng ngày.

Khi lên bỏ phiếu, tôi thấy mẹ tôi bỏm bẻm nhai trầu. Khuôn mặt phúc hậu của người thật đầy đặn, hồng hào. Mẹ lẩm nhẩm đọc tên. Có những tên nghe quen, những tên nghe mới lạ. Nhưng mẹ có niềm tin. Niềm tin từ các buổi rì rầm nhỏ to trao đổi bên những bát nước chè xanh nóng hổi. Cái bút ngọn lá tre chấm mực tím trong tay mẹ run run.

Hình như trước lúc gạch một cái tên người nào đó mẹ lại đắn do, lưỡng lự. Bởi cả đời mẹ chỉ quen cho mà ít khi nhận. Chỉ quen mất mà ít khi được. Chỉ quen lo xa mà ít khi hưởng hạnh phúc gần. Lòng mẹ sâu thẳm bao giờ cũng muốn một sự tròn đầy, trọn vẹn. Mẹ sợ hao hụt. Nhưng đây là sự lựa chọn như hạt thóc sàng sảy trên nia, trên sàng.

Có hạt nặng, hạt nhẹ, có hạt căng, hạt lép. Ôi lòng mẹ thật bao dung. Cả đời mẹ chỉ những lần này là đi bầu, đi chọn. Và nói như mẹ tôi, sau cách mạng mới được cái quyền bình đẳng lớn lao trách nhiệm này. Và tôi thấy mẹ tôi thong thả bước đến bên hòm phiếu. Hai tay mẹ nâng lá phiếu trên tay và hình như mẹ đang rì rầm với ai đó như những lần mẹ lần tràng hạt lên chùa với lời nguyện thật thành tâm…

Tôi nhớ Quốc hội khóa V được bầu ngày 6-4-1975, lúc đó cha tôi đang ở chiến trường. Họ - người lính đội mũ tai bèo chân đi dép lốp, chiếc ba lô con cóc hồi hộp trên lưng với những tăng, những võng chung chiêng giữa bạt ngàn cây rừng Trường Sơn. Tuy họ không trực tiếp bỏ phiếu nhưng chính họ là hiện thân những lá - phiếu - sống với một vẻ đẹp lý tưởng cao cả. Mỗi cuộc bầu cử Quốc hội là một cái mốc lịch sử đánh dấu một chặng đường phát triển của đất nước.

Sau khi bầu cử Quốc hội khóa V chưa đầy một tháng, chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, đất nước thống nhất. Tháng 4-1976, nhân dân cả nước sôi nổi đi bầu Quốc hội chung của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cha tôi từ chiến trường trở về vẫn mặc trên mình bộ quân phục màu xanh hòa chung dòng người đi bỏ phiếu.

Lá phiếu đổi bằng bao xương máu, có những đồng đội mãi mãi nằm lại chiến trường. Họ đang ở tuổi công dân, đang tràn sức  sống, chưa một lần nắm tay người yêu, chưa một lần được bỏ lá phiếu làm quyền cử tri. Và cha tôi nói: Hôm nay bỏ phiếu là bỏ cho cả những người đã mất. Lá phiếu phập phồng trên tay mà cứ ngỡ như có cả hơi ấm, hơi thở, sức sống của: “Đêm đêm nghe rì rầm trong tiếng đất - Những buổi ngày xưa vọng nói về” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi).

Những ngày này ở trên đảo xa, những người lính trẻ lần đầu tiên được đi bỏ phiếu chắc cũng thao thức khó ngủ. Hòm phiếu được đặt trang trọng trên chiếc bàn phủ vải đỏ ở ngay cột mốc thiêng liêng: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với Quốc huy đất nước hình bông lúa và chiếc bánh xe. Chưa bao giờ Tổ quốc gần gũi thế. Tổ quốc ở Trường Sa. Tổ quốc ngay trong tên những người được vinh dự bầu chọn; Tổ quốc nặng tình trong từng lá phiếu. Trong ngày vui này, trái tim mỗi người như được đập chung với trái tim cả nước.

Lá phiếu của mỗi người cũng giống như tất cả lá phiếu của cử tri cả nước. Có thể nói đó là ngày hội của cộng đồng: Cộng đồng trong cả tâm tư tình cảm, cộng đồng trong cả tình cảm và trí tuệ; cộng đồng cả mọi miền đất nước từ lời ăn tiếng nói, từ phong tục tập quán chung hai tiếng đồng bào của con Lạc cháu Hồng. Đó cũng là ngày hội của sự cộng hưởng: Cộng hưởng từ quá khứ oanh liệt của đất nước, cộng hưởng từ tiếng reo ca nông trường, xưởng máy đến những đồng lúa vàng tươi. Cộng hưởng từ những nhịp cầu khổng lồ bắc qua sông rộng, từ những tuyến đường: đường bộ, đường thủy, đường không chắp cánh ước mơ vươn ra thế giới.

Đất nước 41 năm thống nhất Nam Bắc liền một dải, dân trí được nâng cao như nhà thơ Chính Hữu đã viết: “Lá phiếu này ta bỏ cho ta”. Quyền dân chủ được phát huy tối đa. Cuộc tìm kiếm người có tài có đức được  hội tụ, được lựa chọn, được quyết định qua sức nặng niềm tin lá phiếu. Một tờ giấy mỏng và chứa đựng bao trữ lượng, bao tâm tình, bao khát vọng.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.