Tình yêu thương, lòng nhân ái, sự sẻ chia… không phải là những phẩm chất hoàn toàn “tự có” trong mỗi con người, mà phần nhiều do sự định hướng, giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo nhiều bậc phụ huynh, tình yêu thương gia đình là nền tảng vững chắc để các tâm hồn thơ bé sớm biết yêu thương, rung cảm và sẻ chia. (Ảnh minh họa) |
Từ yêu thương…
Bé B.N (quận Sơn Trà) mới hơn 4 tuổi nhưng đã biết phụ mẹ nhặt rau, quét nhà; biết “đứng ra giảng hòa” khi bố mẹ to tiếng; biết nói “con thương ba mẹ” mỗi ngày; biết sử dụng hết phần ăn mỗi bữa, vì mỗi hạt gạo, hạt cơm đều là mồ hôi công sức, kết quả lao động cực nhọc của những người nông dân trên đồng ruộng…
Chị T.T.Đ - mẹ B.N - luôn tin rằng, thói quen sẽ hình thành tính cách. Đó là lý do để chị và chồng không ngừng nỗ lực trong mọi lời ăn tiếng nói, cử chỉ, định hướng con đến những phẩm chất tốt, đặc biệt là tình yêu thương. Với chị, dạy con biết yêu thương phải bắt đầu từ tình yêu thương, sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình.
Vì vậy, trong gia đình nhỏ này, tuyệt đối không bao giờ có cảnh vợ mướt mồ hôi chuẩn bị bữa cơm còn chồng thì thong dong đọc báo, xem ti-vi. B.N dù còn bé cũng luôn được định hướng phải biết phụ giúp, sẻ chia sự vất vả của bố, mẹ từ những việc nhỏ nhất.
Chị N.H.L (quận Hải Châu) thì quan niệm, tình yêu thương cần được xuất phát từ trách nhiệm và sự công bằng. Chị L. cho biết, mỗi người trong gia đình chị đều có những trách nhiệm phù hợp với lứa tuổi, sức vóc của mình. “Khi bạn có trách nhiệm với ai, bạn sẽ yêu thương người ấy. Tương tự, đứa trẻ có trách nhiệm với cha mẹ, sẽ gắn bó và từ đó mới biết yêu thương cha mẹ”, chị N.H.L đúc kết.
Chị có hai cậu con trai gần tuổi nhau, nên sự công bằng là nguyên tắc ứng xử mà chị L. không được phép quên. Theo chị L., chỉ khi các con nhận được đúng, đủ tình yêu thương từ cha mẹ thì chúng mới có thể cảm nhận không lệch lạc về thứ tình cảm vừa thiêng liêng vừa bình dị này. Và chỉ khi đảm bảo công bằng, để con trẻ không cảm nhận có bất cứ sự bất công, oan khuất nào trong chính gia đình mình, từ đó trẻ mới có niềm tin, dễ dàng hướng thiện. Chị L. còn hướng con đến khái niệm yêu thương, sẻ chia bằng những câu chuyện kể, bằng âm nhạc, bằng những chuyến đi đến với những số phận không may mắn…
Qua tìm hiểu của chúng tôi, mỗi bậc phụ huynh có những cách thức khác nhau, song tất cả đều nỗ lực giúp con em mình hướng đến tương lai tốt đẹp, và tình yêu thương, sự sẻ chia chân thành sẽ là hành trang đầu tiên để những đứa con thân yêu của họ vững bước vào đời.
… đến yêu thương!
N.Đ.T - một trong những học sinh cá biệt của Trường THCS Nguyễn Huệ thổ lộ, sau những chuyến đi cùng thầy cô đến các trại giáo dưỡng, trại trẻ em mồ côi, trẻ bị nhiễm chất độc da cam năm ngoái, em “ngộ” ra mình có nhiều thứ và quá may mắn so với nhiều bạn cùng trang lứa. Từ đó, N.Đ.T phấn đấu học tập, rèn luyện, bớt chơi bời, nói dối hơn. Từ một học sinh có kết quả học tập yếu, hạnh kiểm kém, năm học này, T. được tuyên dương dưới cờ vì có nhiều tiến bộ.
Đưa học sinh đi thực tế để học yêu thương, học chia sẻ và sống tốt hơn như trên là một trong những hoạt động giáo dục đạo đức thường xuyên của Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu. Ngôi trường nằm ngay trung tâm thành phố này được biết đến không chỉ bởi những thành tích học tập của học sinh mà còn từ các phong trào từ thiện.
Để đạt được những thành quả đáng ghi nhận, nhiều năm qua, Trường THCS Nguyễn Huệ thường xuyên lên kế hoạch từng kỳ, quý, tháng, tuần, tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức, lòng nhân ái, sự sẻ chia dưới nhiều hình thức như: phát thanh Măng non giáo dục lòng nhân ái cho học sinh, đố vui dưới cờ, tuyên dương khen thưởng các học sinh tham gia tốt phong trào “gương người tốt, việc tốt” trong trường,... Bên cạnh hoạt động ngoại khóa, các nội dung giáo dục lòng nhân ái cũng được lồng ghép trong các hoạt động chính khóa như vào các môn Văn học, Lịch sử, Giáo dục công dân,…
Các buổi sinh hoạt của thầy cô trong hội đồng giáo viên, của chi đoàn, chi hội, liên đội, chi đội gắn với các ngày kỷ niệm, các ngày lễ lớn... nhằm nâng cao nhận thức của học sinh. Thầy Nguyễn Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết việc giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh, đặc biệt là ý thức sẻ chia, trong xã hội mà các giá trị này đang bị cho là có dấu hiệu đi xuống trong giới trẻ, luôn được Ban giám hiệu, tập thể giáo viên ngôi trường mang tên người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ coi trọng.
Hằng năm, kết quả các cuộc vận động được từ học sinh trong các phong trào nuôi heo đất, ủng hộ người nghèo, học sinh các địa bàn còn khó khăn, gặp thiên tai hoạn nạn bất ngờ… không chỉ sưởi ấm những số phận kém may mắn mà còn nhân lên cho xã hội này những trái tim biết yêu thương, những “mầm thiện” khỏe mạnh!
Thuộc địa bàn còn nhiều khó khăn, đối tượng sẻ chia của các học sinh Trường tiểu học Hòa Sơn 2 trước hết là những bạn học “gặp khó hơn mình”. Bên cạnh các phong trào nuôi heo đất, góp sách cũ hay chung sức xây dựng “Ngôi nhà Khăn quàng đỏ”… như hầu hết các học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố, 2 năm nay, Trường tiểu học Hòa Sơn 2 nổi tiếng bởi phong trào “Cặp lá yêu thương” - “Lá lành đùm lá rách”, hay “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” trong học sinh, góp phần giúp đỡ, nâng bước nhiều hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục cắp sách đến trường.
Theo bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hòa Vang, nhiều năm nay, các phong trào góp sức vì bạn nghèo của các học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Hòa Vang ngày càng xuất hiện nhiều mô hình thiết thực, sáng tạo. “Cặp lá yêu thương” của Trường tiểu học Hòa Sơn 2 là một trong những mô hình như thế.
Cách khuyến khích, vận động những phong trào rất quen thuộc như nuôi heo đất, thì Trường tiểu học Hòa Sơn 2 cũng có cách làm sáng tạo, hấp dẫn từ tên gọi của một số cuộc thi đua như “Hoa hậu heo đất”… Tuy nhiên, theo bà Trang, để các phong trào thực sự đem lại hiệu quả, khơi gợi tình yêu thương, mong muốn sẻ chia thực sự trong lòng mỗi học sinh, cần khéo léo trong cách vận động, tránh áp đặt, chạy theo thành tích, xa rời mục tiêu ban đầu.
THANH TÂN