.

Sách về nông thôn

.

Đưa sách về nông thôn không đơn giản chỉ là chở sách về các thôn, xã rồi xếp vào một nơi, xong đặt tên cho nơi đó là tủ sách, phòng đọc hoặc thư viện. Sách về đến nông thôn, “chạm” được vào từng đôi bàn tay của người dân, lan tỏa thành nét văn hóa đọc, sách mới thực sự hoàn thành sứ mệnh góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phòng đọc sách của thôn Quang Châu (xã Hòa Châu) đồng thời là điểm sinh hoạt của thanh niên nên thu hút rất đông bạn đọc đến tham gia. Ảnh: Q.T
Phòng đọc sách của thôn Quang Châu (xã Hòa Châu) đồng thời là điểm sinh hoạt của thanh niên nên thu hút rất đông bạn đọc đến tham gia. Ảnh: Q.T

Những tủ sách thân thiện

Phòng đọc sách của thôn Quang Châu (xã Hòa Châu) là một trong những nơi đọc sách hấp dẫn nhất của huyện Hòa Vang. Tủ sách có chưa đến 1.000 cuốn, vậy mà mỗi buổi chiều thứ năm và thứ bảy hằng tuần, căn phòng thoang thoảng mùi sách như bừng sáng trước bao ánh mắt háo hức của các em thiếu niên, nhi đồng. Các em chia thành từng nhóm, vừa đọc, vừa bình luận sôi nổi về một cuốn sách mới nào đó.

Chị Trần Trương Thi, Bí thư Chi đoàn thôn chia sẻ: “Chúng tôi may mắn có không gian rộng rãi nên tận dụng vừa làm phòng đọc sách vừa là nơi sinh hoạt của thanh niên thôn. Tủ sách thường xuyên được bổ sung mới nhờ hình thức trao đổi sách, vận động cho sách nên các em nhỏ rất thích”. Để có thêm những đầu sách về chủ đề trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với bà con nông dân, chị Thi xin sách của bạn bè, các nơi quen biết và “nhờ” bạn đọc của mình giới thiệu cho bố mẹ biết.

Ngoài các thư viện xã, thư viện trường học cũng đóng vai trò rất quan trọng nâng cao văn hóa đọc tại nông thôn. Hòa Vang hiện có 30 trường (11 Trường THCS và 19 trường tiểu học) đạt chuẩn theo Quyết định 01/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định Tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông. Trong đó, có 5 trường đã đạt thư viện trường học tiên tiến.

Thư viện tiên tiến của Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh (xã Hòa Châu) được học sinh yêu thích nhờ cách làm sáng tạo của cô quản thư Nguyễn Thị Lương. Ngoài tủ sách trong thư viện, trên sân trường còn có hai tủ sách tự chọn cho học sinh đọc trong giờ ra chơi.

Chính sự cởi mở, thân thiện này, tủ sách sân trường luôn “đắt khách”, thường xuyên được bổ sung sách mới nhờ nguồn đóng góp của phụ huynh và học sinh. Với những cuốn sách giáo khoa được tặng, cô Lương còn dành riêng, tặng lại cho học sinh nghèo. “Từ khi có tủ sách này, được tự soạn, tự chọn, tự sắp xếp rồi tự giác trả, các em thích đến với sách hơn”, cô Lương nói.

Thư viện… giảm dần

Theo báo cáo của huyện Hòa Vang, xã Hòa Phong là một trong 2 xã trên địa bàn huyện có thư viện.
Thư viện xã Hòa Phong nằm bên trong Nhà truyền thống của xã có khoảng 800 cuốn sách, hầu hết đều đã cũ. Ông Ngô Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, cách đây một tháng, ông đề xuất mua 40 cuốn sách cho thư viện xã. Vì lâu nay thư viện không được bổ sung sách mới, có thể đó là nguyên nhân khiến người dân không mặn mà đến thư viện.

Chị Nguyễn Đặng Thái Hòa, cán bộ quản lý Nhà truyền thống kiêm thủ thư cười buồn: “Từ ngày tôi tiếp quản phòng đọc đến nay đã hơn 10 năm, thư viện chỉ có chừng đó sách. Số bạn đọc đến đây hằng tuần đếm trên đầu ngón tay”.

Trong khi phòng đọc của thôn Quang Châu, xã Hòa Châu đông đúc là thế, thì tương tự Hòa Phong, thư viện xã Hòa Châu nằm chung trong Nhà truyền thống xã có khá nhiều sách, tủ kính đẹp đẽ, gọn gàng, chỉ thiếu… bạn đọc. Hỏi chuyện những người lớn tuổi và thanh niên, họ cũng chỉ biết, đó là phòng truyền thống, chứ không hề biết có sự tồn tại của phòng đọc.

Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, huyện Hòa Vang được ưu tiên hỗ trợ, hình thành các phòng đọc sách, thư viện sách, báo nhằm góp phần nâng cao dân trí tại nông thôn. Trong 5 năm xây dựng nông thôn mới, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố luân chuyển 45.000 lượt sách, báo, tạp chí cho Hòa Vang.

Kết thúc Hội Báo Xuân năm 2016 được tổ chức tại Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang, 500 đầu sách của Thư viện Khoa học tổng hợp và hàng chục đầu báo, tạp chí của các đơn vị tham gia trưng bày cũng được tặng cho tủ sách xã Hòa Phú với hy vọng, tủ sách Hòa Phú sẽ thu hút được nhiều người đọc. Nhưng, khi đến trước UBND xã, chúng tôi vẫn không tìm thấy phòng đọc sách ở đâu.

Khi thấy một cán bộ đến mở cửa căn phòng có biển hiệu: “Hợp tác xã Hòa Phú”, nhìn bên trong có bàn ghế, tủ sách, chúng tôi mới biết đó là phòng đọc sách. Có lẽ vậy, mà hỏi một nhóm học sinh Trường THCS Ông Ích Đường (nằm ngay cạnh phòng đọc), và một số người dân gần đó, cũng không ai biết, đó là phòng đọc sách, báo.

Trước khi xây dựng nông thôn mới, huyện Hòa Vang có 4 thư viện xã, 6 phòng đọc thôn, 15 tủ sách văn hóa, 9 bưu điện văn hóa và 11 tủ sách pháp luật. Sau một thời gian hoạt động, riêng số thư viện xã và  phòng đọc thôn, thay vì sách “sinh sôi, nảy nở”, thì đến nay, chỉ còn 2 thư viện xã và một phòng đọc thôn.

Nói về chuyện nơi đọc/người đọc sách ít đi, ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho rằng: “Người dân Hòa Châu chủ yếu là nông dân “chân lấm tay bùn”, hầu như chưa  có thói quen đọc sách. Còn đối với thanh niên, sự phát triển như vũ bão của Internet làm cho họ không mặn mà đến thư viện”.

Đồng quan điểm này, ông Đặng Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú chia sẻ: Hòa Phú là xã miền núi, việc vận động đọc sách để nâng cao dân trí là không hề dễ dàng. Học sinh thì chịu nhiều áp lực trong học tập. Ngoài giờ học chính, các em còn đi học thêm, một số phải phụ giúp gia đình. Đường sá xa xôi cũng là nguyên nhân khiến các em không đến phòng đọc.

Có thể học sinh, thanh niên không đến thư viện, vì các em đọc báo, tìm hiểu thông tin trên mạng Internet. Ngoài ra, sự sụt giảm các thư viện có phần từ việc thiếu kinh phí để bổ sung được sách mới, làm phong phú đầu sách, thu hút người đọc. Hầu hết các thư viện lại thiếu cán bộ chuyên trách, sách vì thế không được bảo quản cẩn thận, hao hụt dần.

Thư viện không nằm ngoài những tiêu chuẩn đánh giá trong tiêu chí đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Việc giúp các thư viện của huyện Hòa Vang khởi sắc cần sự chung tay hơn nữa của các cấp chính quyền và người dân; cần nhân rộng điểm sáng, cần tuyên truyền làm sao để mọi người thấy được sách, báo và các ấn phẩm trong thư viện là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, giúp người dân nông thôn dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.