Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn thành phố có 2 chương trình quan trắc môi trường liên quan đến nguồn nước, một của thành phố, một của quốc gia tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tổng số điểm quan trắc môi trường nước mặt là 21 điểm (địa phương: 14, quốc gia: 7), nước biển ven bờ là 14 điểm (địa phương: 10, quốc gia: 4). Ngoài ra, thành phố đã và đang vận hành 1 trạm quan trắc tự động môi trường nước mặt tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, quận Cẩm Lệ.
Trạm quan trắc tự động môi trường nước mặt tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ảnh: V.P.Q |
Về thông số quan trắc, ngoài các nhóm thông số cơ bản như: chất lơ lửng (TSS), chất hữu cơ (BOD5, COD), chất dinh dưỡng (NH4+, NO3-, PO43-), vi sinh vật (coliform), thì nhóm kim loại nặng như CN-, Pb, Fe cũng được theo dõi trong các chương trình quan trắc trên địa bàn thành phố.
Để hạn chế nguồn nước không bị nhiễm mặn, hóa chất, theo Chi cục phó Phan Thị Hiền, thành phố đã triển khai đồng bộ một số biện pháp cụ thể.
Về tránh nhiễm hóa chất, thành phố nghiêm cấm xả nước thải trực tiếp hoặc nước thải xử lý không đạt yêu cầu vào nguồn nước mặt; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất; tổ chức giám sát độc lập về chất lượng nước thải sau xử lý xả thải ra môi trường bằng hệ thống quan trắc tự động, liên tục; hoàn thiện hạ tầng thoát nước đồng bộ, đầu tư hệ thống xử lý tập trung với công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý xả thải ra môi trường đạt quy chuẩn cho phép…
Về tránh nhiễm mặn, ngoài việc tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động đối với môi trường nước mặt, nước biển ven bờ nhằm phục vụ cho việc giám sát, theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước ở Đà Nẵng, thành phố tăng cường các giải pháp liên vùng, liên tỉnh để đảm bảo nguồn nước tại các lưu vực sông trên địa bàn thành phố nhằm giảm tình trạng xâm nhập mặn trong mùa nắng nóng.
VIÊN PHÚC QUÂN