Từ ngày xuất hiện các siêu thị như Metro, BigC, Co.opmart, Vincom, Intimex…, chợ truyền thống mất đi vị trí độc tôn, thị phần bán lẻ có sự chia sớt cho các bên. Nhìn từ góc độ văn hóa kinh doanh, sự tồn tại song song của hai mô hình này đặt ra nhiều vấn đề. Và đối tượng được hưởng lợi nhất là người tiêu dùng.
Hiện nay, các siêu thị lớn đều đầu tư khu vui chơi cho trẻ em để cả nhà đều có thể đến với siêu thị. Ảnh: Q.T |
Cạnh tranh bằng… khuyến mãi
Đi chợ là hình thức mua bán có từ lâu đời của người Việt. Là dịp để các bà, các mẹ gặp gỡ chuyện trò. Giá cả ở chợ lên xuống theo thị trường. Cùng một món hàng, có người mua đắt, có người mua được giá rẻ hơn. Còn khi chọn siêu thị, người mua vừa có được không gian thoáng đãng, mát mẻ, vừa không phải nhọc công mặc cả với từng món hàng. Hình thức này thoạt nhìn có vẻ “lạnh lùng”, nhưng văn minh bởi người mua không bao giờ bị “hớ”.
Đặc biệt, ở siêu thị có một “chiêu” kinh doanh mà ở chợ không có đó là khuyến mãi. Đánh vào tâm lý “thích được giảm giá” của người dân, nhiều siêu thị đưa ra các chiến lược kinh doanh giờ vàng, mua nhiều tặng nhiều… để thu hút người tiêu dùng. Những tờ rơi thông báo thời gian, địa điểm, các mặt hàng khuyến mãi được phát về tận nhà giúp người dân có điều kiện cân nhắc trước món hàng mình sẽ mua. Hầu như tháng nào các siêu thị cũng có những chương trình khuyến mãi như vậy.
Nói về chiến lược kinh doanh này, bà Phan Như Yến, Giám đốc Công ty CP Intimex Đà Nẵng, cho biết: “Các chương trình khuyến mãi nhằm chia sẻ quyền lợi với người tiêu dùng cũng như để giữ chân khách hàng cũ và tiếp cận khách hàng mới. Nhiều người có tâm lý, hàng khuyến mãi là hàng kém chất lượng, sắp hết hạn sử dụng. Nhưng chúng tôi cam đoan, nếu không có sự hỗ trợ của các nhà sản xuất, công ty chúng tôi cũng trích lợi nhuận để làm ra một chương trình khuyến mãi tốt nhất”. Mỗi đợt khuyến mãi diễn ra, khách hàng đến siêu thị Intemex tăng từ 20-30%.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, người viết chứng kiến cảnh người dân xếp hàng dài để chờ mua hàng khuyến mãi của thương hiệu đồ gia dụng Lock&Lock (tại Trung tâm thương mại Vincom). Đây là thương hiệu nhựa cao cấp có giá thành rất cao và được giảm giá đến 50% toàn bộ mặt hàng nên thu hút rất đông người dân. Nhiều người cho biết họ đã đến siêu thị từ ngày hôm trước để xem cửa hàng bài trí những món mình yêu thích ở vị trí nào.
Bên cạnh những đợt khuyến mãi, mỗi siêu thị đều có những cách khác nhau để giữ chân khách hàng. Một số khách hàng ở nhà và điện thoại đến siêu thị để mua hàng là hàng được giao tận nơi. Một khách hàng thường xuyên của siêu thị Co.opmart cho biết: Không chỉ giao hàng tận nhà cho hóa đơn trên 200.000 đồng, thỉnh thoảng chị mua trên 500.000 đồng còn được tặng quà. Mỗi khi có đợt khuyến mãi, siêu thị còn nhắn tin để khách tham khảo trước các mặt hàng. Nếu thường xuyên mua hàng, bạn sẽ trở thành khách hàng thân thiết và có thẻ tích điểm.
Mẹ đi chợ, bé đi chơi
Đi siêu thị không nhất thiết phải mua sắm mà có khi chỉ để… trốn nóng hoặc có địa điểm cho con cái vui chơi. Cứ nhìn cảnh các bà mẹ dắt tay con đi dạo trong siêu thị sẽ thấy, chưa bao giờ đi mua sắm lại thong dong như thế. Hình ảnh này chắc chắn không bao giờ bắt gặp tại chợ!
Trừ những siêu thị nhỏ chủ yếu phục vụ hàng thực phẩm, tiêu dùng, các siêu thị lớn như Vincom, Big C, Co.opmart đều có khu vui chơi dành cho trẻ em. Chị Trương Thị Thoa (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cho biết: “Trong tình hình chất lượng hàng hóa không ổn định như hiện nay, tôi chọn cách đi siêu thị để “mua” sự an tâm. Đặc biệt, vì thời gian hạn hẹp nên tôi tranh thủ ngày nghỉ đi siêu thị mua ít hàng, nhân tiện cho con đi chơi”. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết khu vui chơi tại các siêu thị luôn trong tình trạng đông đúc trẻ em. Không chỉ phục vụ các trò chơi, mà còn có rạp chiếu phim, một số nơi có sân trượt băng và khu ẩm thực.
Bà Lê Thị Hiền, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart cho biết, ngay từ khi siêu thị thành lập, ban lãnh đạo đã tính đến việc cha mẹ đi mua sắm thì phải có nơi cho con cái họ vui đùa. Khu vui chơi này phải được xây dựng hiện đại, bắt kịp với xu thế của giới trẻ. Đặc biệt, phải có người quản lý trông nom các cháu để bố mẹ yên tâm. Từ ý tưởng này, Co.opmart đã kêu gọi đối tác đầu tư. Đến nay, khu mua sắm kết hợp ăn uống, giải trí của Co.opmart là một địa điểm thú vị dành cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Đánh vào tâm lý “chiều chuộng con cái” của các ông bố, bà mẹ Việt, nhiều siêu thị giờ đây gắn thêm những quà tặng dành cho trẻ em trên mỗi phiếu mua hàng của cha mẹ. Dù chỉ là những hộp kẹo, bình uống nước, thú nhồi bông nhưng khiến các cháu rất vui. Chính những động thái nho nhỏ này lại “siêu lợi hại” khi khiến người tiêu dùng nảy sinh tâm lý: sẽ trở thành khách hàng thân thiết của siêu thị bởi chính sách chăm sóc khách hàng của họ.
QUỲNH TRANG