.

Không còn là vô tận

.

Các báo cáo về biến đổi khí hậu cho thấy sự thay đổi của khí hậu như nắng nhiều hơn, nhiệt độ tăng hơn trong những năm gần đây, lượng mưa ít đi cộng với sự thay đổi về chất lượng nguồn nước do hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn tài nguyên nước; nguồn nước ngầm bị suy giảm do thiếu nguồn bổ sung. Với hơn 1 triệu dân, toàn thành phố Đà Nẵng một ngày cần hơn 210.000m3 nước sinh hoạt, đến nay các nhà máy nước vẫn cung cấp đủ nước. Nhưng Đà Nẵng có nguy cơ thiếu nước trong tương lai và phải tính đến các phương án dự phòng khi nước không còn là nguồn tài nguyên vô tận để phục vụ con người.

Với 6 máy bơm, Trạm bơm chống mặn An Trạch có thể cung cấp mỗi ngày đêm 200.000m3 nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ảnh: Văn Thành Lê
Với 6 máy bơm, Trạm bơm chống mặn An Trạch có thể cung cấp mỗi ngày đêm 200.000m3 nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ảnh: Văn Thành Lê

Ảnh hưởng bởi thủy điện và nhiễm mặn

Hầu hết các sông chảy qua thành phố Đà Nẵng chịu sự chi phối trực tiếp bởi chế độ mưa trên toàn lưu vực. Đà Nẵng có 3 nhánh sông chính, lưu vực sông Cu Đê và Túy Loan nằm trong địa phận thành phố; còn phần lớn diện tích lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (khi chảy về hạ lưu nhánh sông này có các tên là sông Cầu Đỏ, sông Cẩm Lệ, sông Hàn đổ ra biển qua cửa Hàn) nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam. Lượng nước của Đà Nẵng có được phụ thuộc phần lớn vào các sông. Những năm qua tình hình sản xuất của các nhà máy nước, tình hình sản xuất nông nghiệp có những thời điểm gặp rất nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước… đều bắt nguồn từ việc lưu lượng nước trên các con sông thấp hơn so với quy định.

Sông Vu Gia bắt nguồn từ sườn tây đỉnh Ngọc Linh tỉnh Kon Tum, chảy qua tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Sông Thu Bồn bắt nguồn từ ngọn núi cao trên 1.500m so với mực nước biển của tỉnh Kon Tum. Tại Giao Thủy, sông Thu Bồn có nhánh nhập lưu là sông Quảng Huế chuyển về một phần lượng nước từ sông Vu Gia. Cách Quảng Huế 16km về phía hạ lưu, sông Thu Bồn có một nhánh phân lưu là sông Vĩnh Điện lại chuyển một phần lượng nước từ sông Thu Bồn về hạ lưu sông Vu Gia để chuyển về sông Hàn.

Sông Túy Loan có lưu vực nằm hoàn toàn trong phạm vi thành phố Đà Nẵng, có chiều dài khoảng 30km, chảy qua các xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Nhơn. Trên lưu vực sông Túy Loan có hồ Đồng Nghệ.

Sông Cu Đê nằm ở phía Bắc thành phố Đà Nẵng, có chiều dài 38km đổ ra vịnh Đà Nẵng. Vào mùa khô, dòng chảy khá nhỏ nên thủy triều ảnh hưởng rất lớn. Trên lưu vực sông Cu Đê có hồ Hòa Trung nằm trong địa phận xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Tổng dung tích các hồ Đồng Nghệ và Hòa Trung vào khoảng 27 triệu m3, được coi là nguồn cấp nước bổ sung, chỉ xem xét dự phòng cho tương lai.
Theo báo cáo đánh giá Dự án “Đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu biến đổi khí hậu đối với nguồn tài nguyên nước thành phố Đà Nẵng” của Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cho thấy lưu lượng trung bình tháng nhỏ nhất tại vị trí cửa thu Nhà máy Nước Cầu Đỏ trên sông Cầu Đỏ là 17.88m3/s, tương đương công suất có thể khai thác 1.550.000m3/ngày. Lưu lượng trung bình tháng nhỏ nhất của sông Cu Đê tại vị trí Nam Mỹ là 1,6m3/s tương đương 138.000m3/ngày; tại vị trí Phò Nam là 1,74m3/s tương đương 150.000m3/ngày.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), hiện nay hệ thống Nhà máy Nước Cầu Đỏ lấy nước thô từ sông Cầu Đỏ. Vị trí lấy nước cách cửa biển 13km về phía thượng lưu. Đây là nguồn cấp nước sinh hoạt chính cho thành phố. Thời gian qua, việc triển khai xây dựng các nhà máy thủy điện A Vương, Dak Mi 4 ở đầu nguồn sông Vu Gia đã tác động trực tiếp đến dòng chảy tự nhiên của dòng sông này và nó đã tác động tiêu cực đến hoạt động cấp nước phía hạ lưu. Hệ lụy của việc chặn dòng làm thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia đã khiến cho Đà Nẵng đang phải đối mặt với thách thức thiếu nước sạch nghiêm trọng. Bởi nguồn nước sông Cầu Đỏ (chiếm đến 97% lượng nước thô để sản xuất nước sạch cung cấp cho Đà Nẵng) đang bị nước biển xâm nhập nặng.

Cùng với việc suy giảm dòng chảy từ thượng lưu, tác động của nước biển dâng từ phía hạ lưu dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Trong tương lai, nguồn nước thô sông Cầu Đỏ sẽ không thể đáp ứng đủ, nước không đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho nhà máy sản xuất nước sạch.

Khi nguồn nước tại Nhà máy Nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, Dawaco phải lấy nước thô từ trạm bơm An Trạch, Nhưng việc lấy nước ở đây cũng có những rủi ro nhất định như: cao trình mực nước tại cửa thu không đủ để vận hành trạm bơm nước thô An Trạch hoặc khi có sự cố về nguồn điện, sự cố đường ống dẫn nước thô về nhà máy khi băng qua sông thường xuyên bị xói lở trong mùa mưa, thì nguồn cung cấp nước cho thành phố Đà Nẵng sẽ bị gián đoạn và thời gian khắc phục sự có thể kéo dài trong khi đó Đà Nẵng không có nguồn nước dự phòng để thay thế.

Lượng mưa và biến đổi khí hậu

Theo số liệu từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, mùa khô năm 2016 (từ cuối tháng 4 đến tháng 8), dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 40-65%. Trên hầu hết các sông ít có khả năng xảy ra lũ tiểu mãn. Hạ lưu các sông sẽ tiếp tục xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ hoặc thấp nhất lịch sử. Theo ông Phùng Hồng Long, Trưởng phòng Dự báo, mực nước sông đo tại trạm Cẩm Lệ trên sông Cẩm Lệ thời gian qua - 68cm.

Tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ lan rộng ra các tỉnh Trung Bộ khu vực từ Nghệ An đến Bắc Bình Thuận và có khả năng kéo dài tới tháng 8-9; ở khu vực Nam Bình Thuận và Tây Nguyên kéo dài đến đầu tháng 6. Xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung Trung Bộ.

Mùa lũ năm 2016 trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2016 trên các sông đều cao hơn đỉnh lũ năm 2015 và có khả năng các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 và trên báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Lượng mưa tại khu vực Trung Bộ trong tháng 5 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-50%; các tháng 6, 7, 8 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%. Lượng mưa đo tại trạm Cẩm Lệ trong tháng 5 là 45,2mm, thấp hơn 49% so với trung bình nhiều năm; lượng mưa đo tại trạm Khí tượng Đà Nẵng là 46,4mm, thấp hơn trung bình nhiều năm 50%.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, con người ứng xử với thiên nhiên không khoa học nên nhận lại sự khắc nghiệt từ nó. Và chỉ còn một cách để thiên nhiên vận hành như nó vốn có là phải quay lại chăm sóc thiên nhiên như trồng rừng, không làm ô nhiễm môi trường sống, môi trường nước và không khí, bảo đảm sự cân bằng của tự nhiên. Nếu rừng, hồ nước, các thảm thực vật được giữ vững thì mới có thể giữ được lượng nước mưa để bổ sung cho nguồn nước ngầm; lượng nước sông dồi dào và không bị con người ngăn chặn mới đủ để chảy về xuôi ngăn mặn, hồi sinh sự sống cho những cánh đồng khô khát. Ứng xử hài hòa với mẹ thiên nhiên không phải là việc làm của một nhóm người, mà cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, bằng việc làm và hành động, để giữ nguồn nước tinh khiết cho muôn đời sau.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.