.

Mua rau sạch bằng… niềm tin

.

Các cửa hàng rau sạch đang xuất hiện ngày càng phổ biến như một xu hướng tất yếu của xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng những sản phẩm được gọi là “sạch” này vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Mua rau, củ quả tại các siêu thị, cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ (theo cam kết của hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp) đang trở thành một xu hướng phổ biến của các bà nội trợ. Ảnh: T.T
Mua rau, củ quả tại các siêu thị, cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ (theo cam kết của hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp) đang trở thành một xu hướng phổ biến của các bà nội trợ. Ảnh: T.T

“Mua” sự an tâm

Mua rau, củ quả tại các cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ (theo cam kết của hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp) đang trở thành một xu hướng phổ biến của các bà nội trợ, đặc biệt là giới công chức, văn phòng. Lượm nhanh các bó rau tươi non sau giờ tan sở tại một cửa hàng rau Đà Lạt Gap (đường Phan Đình Phùng), chị Hoàng Ngọc Trang (quận Hải Châu) chia sẻ: “Gần hai năm nay, tôi rất ít mua rau quả ngoài chợ vì rủi ro mua phải rau quả ngậm hóa chất độc hại là quá lớn. Mua ở đây giá cả có thể cao hơn ngoài chợ 2-3 lần nhưng được cái an tâm hơn”, chị Trang thổ lộ. Nguyễn Hồng Ngân, nhân viên trực cửa hàng cho biết, hơn 1 năm nay, lượng khách đến cửa hàng tăng nhanh, trong đó mùa hè thường là mùa cao điểm.

Vitamin Shop (đường Vân Đồn, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) hơn nửa năm nay đã trở thành địa chỉ khá quen thuộc đối với các bà nội trợ yêu thích các loại rau củ hữu cơ. Chị Quỳnh Hương (quận Sơn Trà) khách hàng quen của cửa hàng thổ lộ, chị đặc biệt thích mua các loại rau quả hữu cơ về chế biến các món ăn cho gia đình, vì ngoài sự an toàn, các loại rau củ này còn có hương vị thơm ngon tự nhiên, khác biệt. Tuy nhiên, các loại cửa hàng bán rau quả hữu cơ trên địa bàn thành phố hiện còn khá khiêm tốn. Theo ông Nguyễn Tứ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), rau củ hữu cơ là sản phẩm của một phương thức canh tác trong nông nghiệp chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ (phân chuồng, phân vi sinh), ngay cả diệt sâu bọ cũng chỉ dùng một số hoạt chất hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân bón vô cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Nhưng có điều, hiện ở Đà Nẵng chưa có ai đăng ký sản xuất hay phân phối các nông sản hữu cơ này.

Chứng nhận rau sạch bằng “lời hứa” và “niềm tin”

Từ thông tin trên, người viết trong vai người có nhu cầu mở cửa hàng rau theo mô hình như Vitamin Shop muốn tham khảo kinh nghiệm kinh doanh thì được chủ cửa hàng này chia sẻ khá thật lòng rằng, vì chứng nhận nông sản hữu cơ ở Việt Nam phải dựa vào nước ngoài, chi phí rất cao (ít nhất 300 triệu đồng/lần) nên khó thực hiện, nhất là với tiềm lực kinh doanh hộ/doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, khi đăng ký kinh doanh, cửa hàng này buộc phải “mạo danh” kinh doanh rau củ đạt chuẩn Viet Gap. “Nhưng khi nói với khách hàng đến mua, chúng tôi vẫn nói thật: bán sản phẩm hữu cơ thì nói sản phẩm hữu cơ. Chúng tôi kinh doanh bằng niềm tin, bằng uy tín đối với khách hàng là chính”, chủ Vitamin Shop nói.

Có một thực tế là, hiện các cửa hàng kinh doanh rau, quả này chủ yếu nhập nguồn hàng ngoài thành phố như Đà Lạt, Bến Tre, Cao Lãnh, Sài Gòn, Hội An…, do nguồn cung tại thành phố, thậm chí ngay tại các hợp tác xã rau đạt chứng nhận VietGap trong địa bàn thành phố như các hợp tác xã Túy Loan, La Hường và Yến Nê là chưa đáng kể và không ổn định. Vì vậy càng gây khó khăn trong quá trình kiểm soát chất lượng đầu vào sản phẩm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các cửa hàng rau sạch đều tổ chức kinh doanh khá bài bản từ khâu lựa chọn đầu vào đến việc đóng gói, bảo quản, bày biện, niêm yết giá sản phẩm. Song, tại địa bàn trung tâm thành phố vẫn tồn tại những cửa hàng tự phong là “rau xanh, sạch, an toàn” nhưng thực tế bên trong thì héo hắt, hư hỏng đến phân nửa vì không có chế độ bảo quản thích hợp, để dài ngày, còn giá cả vẫn vận hành “theo thời” và khách phải mua không khác gì ngoài chợ… Trong khi quy trình bảo quản, sử dụng theo chuẩn VietGap được quy định là rau cần được bảo quản tại cửa hàng ở nhiệt độ 20oC và thời gian lưu trữ không quá 2 ngày.

Theo ông Nguyễn Tứ, việc quản lý chất lượng các mặt hàng nông sản, trong đó có rau sạch hiện còn nhiều bất cập do một số ràng buộc pháp lý trong phân công các nhiệm vụ cụ thể giữa liên Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,  Y tế. Theo luật hiện hành, các mặt hàng nông-lâm-thủy sản sẽ do ngành Nông nghiệp quản lý, kiểm định chất lượng. Nhưng ngành Nông nghiệp chỉ có chức năng kiểm soát tại các cửa hàng kinh doanh thuần túy các mặt hàng nông sản.

Chẳng hạn, “tại cửa hàng, siêu thị rau sạch, chỉ cần đặt thêm 2 lon sữa thì lập tức quyền quản lý lại thuộc ngành công thương”, ông Tứ cho biết. Khi qua ngạch quản lý của ngành công thương, các hộ/doanh nghiệp kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh kèm bản cam kết bảo đảm chất lượng là có thể vượt rào chắn ban đầu. Vì vậy, hiện nay, các cửa hàng rau sạch mới “mọc lên như nấm” và thường dùng “chiêu” đặt thêm các loại sữa, nước uống bán kèm, thì sẽ lọt khỏi vòng kiểm soát nghiêm ngặt của các chuyên gia nông nghiệp. Ở Đà Nẵng hiện không có cửa hàng kinh doanh rau, củ thuần túy và tất nhiên, theo ông Tứ, chưa có cửa hàng nào được kiểm chứng bài bản về mức độ an toàn đối với các mặt hàng nông sản họ đang kinh doanh.

Tất cả chỉ dừng lại ở bản cam kết bằng lời hứa giữa cấp ngành được phân công quản lý và đơn vị kinh doanh mà thôi. Ông Tứ cũng cho biết, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thí điểm chứng nhận kinh doanh rau an toàn, nhưng “chờ hoài” vẫn chưa có cơ sở nào đăng ký tham gia.

Trong khi đó, thông tin từ ngành công thương cho biết, việc kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh thực phẩm vừa được ngành phân cấp xuống quận từ ngày 15-4. Đem thông tin này trao đổi với đại diện Phòng Kinh tế quận Hải Châu thì được biết, do việc phân cấp vừa diễn ra chưa lâu nên các đợt thanh, kiểm tra của quận mới bắt đầu đối với các sản phẩm súp, chả, mì khô, dưa cải… Mặt hàng rau sẽ tiến hành trong thời gian tới.

Bất cập trong quản lý các siêu thị/cửa hàng rau sạch còn ở chỗ, các cấp được giao quản lý, cấp phép kinh doanh không có sự khoanh vùng đối với loại hình kinh doanh khá mới này: Tất cả đều được gộp chung vào hai loại hình kinh doanh thực phẩm nói chung (chia theo chủ thể kinh doanh) là hộ (do cấp quận, huyện cấp phép, quản lý) và doanh nghiệp (do thành phố cấp phép, quản lý), vì vậy việc thống kê số lượng, kiểm soát chất lượng các mặt hàng càng khó! Theo ông Đoàn Ngọc Minh – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương thì hiện nay “không ai có thể dám bảo đảm rau ở đâu là sạch, bởi từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng là cả một quá trình dài, mà mỗi khâu đều chủ yếu phụ thuộc vào ý thức, lương tâm của người thực hiện”.

Người viết chợt liên tưởng câu chuyện vẫn được truyền tai nhau rằng, người nông dân Nhật Bản không dám ăn rau tại vườn nhà mà phải vào siêu thị mua mới an tâm, bởi đối với nước bạn, rau để vào được siêu thị phải vượt qua những hàng rào kiểm soát nghiêm ngặt hay nói cách khác, rau siêu thị thì tuyệt đối an toàn. Còn ở Việt Nam thì đến bao giờ?

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.