Câu hỏi tưởng chừng không còn lặp lại trong thời buổi rất nhiều người, nhất là các gia đình trẻ nhận thấy cần tạo điều kiện hơn cho con em được khám phá, tiếp xúc với thiên nhiên và thích ứng với các loại địa hình, môi trường khác biệt. Bởi vậy thời nay, cha mẹ cố gắng kiếm tiền một phần cũng vì để có thêm những chuyến du lịch cho cả nhà, trong đó có các con được mở rộng tầm mắt. Thế nhưng, qua những sự cố đau lòng, đáng tiếc xảy ra tại danh thắng Ngũ Hành Sơn (em bé 6 tuổi tử vong khi rơi xuống động Âm Phủ) và gần đây là hai bé tử nạn do chìm tàu trên sông Hàn, không ít người thuộc những thế hệ lớn tuổi lại được dịp củng cố quan điểm: Đưa trẻ con đi du lịch chẳng khác nào “hành xác” các bé. Con nít tốt nhất cứ ở nhà cho yên.
Có thật nhà mới là nơi yên ổn nhất đối với trẻ? Một số khảo sát tại các quận trung tâm Đà Nẵng thuộc Dự án An toàn Đà Nẵng do Tổ chức TASC Hoa Kỳ tài trợ từng cho thấy, nhà chính là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro, có nguy cơ cao gây tai nạn thương tích cho trẻ như: bỏng, ngã, ngộ độc, đuối nước, điện giật. Hiểm họa tai nạn luôn rình rập nơi trẻ sinh sống, từ cầu thang, ổ điện, các thiết bị nhà bếp… Khác với nhà trẻ, nơi mọi thiết kế, sắp xếp đều tập trung phục vụ trẻ em; nhà ở lại là nơi dành cho mọi thế hệ, mọi lứa tuổi nên nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều thứ không an toàn đối với các bé. Tại các bệnh viện, khoa nhi, vào mỗi dịp hè, Tết - thời điểm các bé ở nhà nhiều nhất thì lượng bệnh nhi khám, cấp cứu vì tai nạn thương tích cũng theo đó tăng rõ rệt. Phần lớn trong số đó là tai nạn gãy tay, gãy chân, ong đốt, rắn cắn, chó, mèo cào, bỏng nước sôi, bỏng thức ăn, ngạt nước, hóc dị vật… diễn ra trong nhà hoặc xung quanh nhà. Như vậy, ở nhà đâu hẳn an toàn hơn đi du lịch.
Tai nạn đến với trẻ không vì đi hay ở. Ngoài yếu tố rủi may, có lẽ cách bảo vệ trẻ em của người lớn mới là điều quan trọng tạo nên sự an toàn cho trẻ. Lường trước nguy cơ có thể gây tai nạn đối với trẻ và trang bị kỹ năng sinh tồn là những điều đã được nói nhiều, khuyến cáo nhiều nhưng chưa bao giờ đủ. Vẫn biết đi trên sông nước có thể bị đuối nước, nhưng người lớn vẫn không mặc áo phao cho trẻ, không cho trẻ học bơi.
Vẫn biết trẻ con lưu thông bằng xe máy cũng cần đội mũ bảo hiểm an toàn như bao người, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho con “phơi” đầu trần mát mẻ. Cuối tuần mang tiếng dẫn con đi cà-phê “đổi gió” nhưng tới nơi mẹ “ôm” điện thoại, ba “ôm” máy tính bảng, hai tâm hồn và hai đôi mắt người lớn hướng về bao chuyện trẻ em ở trời Tây, trời Bắc, trong khi con ruột của mình đang làm gì… mặc con; kể cả bên con là hồ nước, nguồn điện hoặc xe cộ chạy loạn xạ.
Cuối tuần, bà mẹ trẻ đưa con ra Công viên Biển Đông chơi. Đặt thằng bé khoảng gần 2 tuổi lên “tàu lửa” (trò chơi tàu lửa, giá vé 10.000 đồng/lượt) xong, mẹ an tâm ngồi… “dán” mắt vào điện thoại. Tàu chạy được nửa chừng, thằng bé loạng choạng rồi ngã nhào xuống đất. Mọi người xung quanh thất thanh lao đến kéo thằng nhỏ ra. Nói theo tâm linh, nhờ “mụ đỡ”, chân tay thằng bé chưa bị sao dù suýt chút nữa là chạm vào đường ray ngay khi phần đuôi tàu lướt tới. Dù là trò chơi, nhưng con tàu này cũng đủ sức làm tổn hại nghiêm trọng sức khỏe của bất kỳ ai không may. Khi người ta hốt hoảng ôm thằng bé, bà mẹ trẻ mới giật mình chạy đến bế con và… đánh cho nó một trận vì cái tội ngồi không vững!
Kỹ năng sinh tồn cũng là điều cực kỳ quan trọng nhưng dường như chẳng mấy ai để tâm cho đến khi có chuyện. Nhiều bà mẹ có thể dành hàng tá thời gian tìm hiểu xu hướng thời trang cho con, nhưng xử lý đúng cách tình huống trẻ bị hóc kẹo thì lại không hề hay biết, ngoài chuyện khóc lóc. Một cậu bé 10 tuổi ở Canada nhìn thấy em gái tím tái, sắp ngưng thở vì mắc nghẹn dị vật. Cậu nhớ lại động tác Heimlich (thủ thuật xử lý trẻ mắc dị vật đường thở, lấy theo tên vị bác sĩ sáng tạo ra thủ thuật này) được học ở trường cách đó 2 năm, liền lập tức áp dụng và cứu được em gái thoát cái chết… Có kỹ năng sinh tồn hoặc phương pháp sơ cấp cứu chưa chắc giúp vượt qua mọi tình huống nguy hiểm, nhưng ít nhiều những kiến thức này sẽ giúp giảm thiểu phần nào hậu quả đau lòng xảy ra với mọi người, nhất là với trẻ em.
CHÍCH BÔNG