.
Nghĩ

Sau sách hè…

Ai đang lo ngại xã hội ngày càng ít đọc sách hoặc lớn lao hơn là xót xa trước văn hóa đọc mai một dần thì nhìn vào tình hình sách hè năm nay, có lẽ nỗi lo sẽ phần nào được thay thế bằng niềm vui. Trong vài ngày từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, các nhà sách trên địa bàn Đà Nẵng đua nhau khai trương, mở thêm chi nhánh, hàng vạn đầu sách hay, đẹp mắt trưng kín các quầy, kệ với hàng loạt chương trình đầy mời gọi. Hấp dẫn hơn cả là dịp hè này, lần đầu tiên bạn đọc tại Đà Nẵng có thể sở hữu một bản sách (bản tiếng Anh) “nóng hổi” cùng giờ với toàn thế giới, chứ không đợi nước ngoài có rồi, lâu thật lâu sách mới có mặt tại Việt Nam.

Sách hè là cách gọi chung cho các loại sách phục vụ mọi đối tượng được phát hành vào dịp hè. Nói vậy, nhưng từ nhà viết sách, nhà xuất bản, nhà phát hành đến người đọc sách đều ngầm hiểu: sách hè là sách dành cho trẻ em. Hầu hết các đầu sách mới, những “chiêu trò” thu hút khách mùa này đều tập trung vào đối tượng độc giả nhí. Việc các nhà sách rầm rộ hoạt động khi mùa hè bắt đầu, càng minh chứng rõ nét trẻ em luôn là nhóm khách hàng rất tiềm năng của sản phẩm sách. Thêm vào đó, để biết trẻ em có thích đi coi sách, mua sách, đọc sách hay không, có thể lướt qua những con số được ghi nhận tại Hội sách Hải Châu vừa diễn ra ngay trước mùa hè này. Trong 5 ngày, hội sách thu hút 6 vạn lượt người tham quan, mua sách với hơn 100.000 cuốn được bán ra, doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng. Trong đó, thể loại sách được bán ra nhiều nhất vẫn là sách thiếu nhi. Các quầy sách phục vụ trẻ em hầu như lúc nào cũng kín người, phụ huynh và các bé phải chật vật giữa đám đông để chọn được cuốn sách yêu thích. Những con số đẹp trên thật đáng để ăn mừng cho sự chưa lụi tàn của văn hóa đọc.

Mọi người luôn thường nói, trẻ em là tương lai của đất nước. Vậy trẻ em đọc sách nhiều, hẳn tương lai đất nước sẽ có nhiều người đọc sách? Suy luận có vẻ lô-gic, nhưng nếu soi vào thực tế thì… trật đủ đường. Không hiểu sao, một trong những món đồ vật yêu thích nhất của trẻ em là sách, nhưng lớn hơn một chút, nhích dần lên thành người lớn, theo thời gian, sách lại dần bị xếp sau nhiều thứ ưu tiên khác. Lý do hàng đầu khiến nhiều người không dành sự ưu tiên cho đọc sách nữa là vì “không có thời gian”, trong khi thời gian cho mạng xã hội, cho những buổi la cà quán xá lại gần như không bao giờ thiếu! Không hiểu sao, người lớn biết sách quý giá thế nào, nhưng “yêu” sách thì cứ nhạt dần đi. Với rất nhiều người 30, 40, 50 tuổi, thế giới sách như chỉ còn là quá khứ tươi đẹp để nhớ về chứ không phải là thực tại. Yêu mà cứ mãi xa, cho đến lúc nhận ra bản thân mình hay cuộc sống quanh mình không có sách cũng… bình thường lắm! Vì thế, trẻ em đến nhà sách ngày càng nhiều và sách dành cho thiếu nhi ngày càng phong phú, đa dạng nhưng cũng chưa đủ nói lên rằng: Sách đang trở lại.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.