Nước có ý nghĩa sống còn đối với sự sống trên Trái đất, thế nhưng không phải ai cũng nhìn nhận đúng giá trị này và từ đó có những hành vi đúng mực để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá nhưng không vô hạn này.
Theo dõi độ mặn tại cửa thu nước (ảnh trái) và chất lượng nước cấp vào mạng lưới toàn thành phố trên thiết bị đo tự động đặt tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ảnh: V.T.L |
Theo các nhà nghiên cứu, chỉ 3% lượng nước trên Trái đất là nước ngọt nhưng hơn 2/3 lượng nước này tồn tại ở dạng sông băng và các mũ băng ở các cực; phần còn lại không đóng băng được tìm thấy chủ yếu ở dạng nước dưới đất (còn gọi là nước ngầm) và chỉ một tỷ lệ nhỏ tồn tại trên mặt đất (nước mặt) và trong không khí.
Giảm nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nước ngầm
Ở Đà Nẵng, báo cáo kết quả về “Hiện trạng và giải pháp quản lý tài nguyên nước dưới đất tại thành phố Đà Nẵng” do Viện Cơ học Ứng dụng - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện trước đây cho biết, tài nguyên nước dưới đất tuy được phân bố khắp nơi nhưng hầu hết có quy mô nhỏ đến vừa. Tài nguyên nước dưới đất không phải là vô tận mà là loại tài nguyên có tính chất khó hồi phục trữ lượng và được khôi phục một phần bằng quá trình thấm của nước mưa vào đất đá bổ sung cho tầng chứa nước, do đó nếu bị khai thác quá mức thì trữ lượng nước dưới đất rất khó hồi phục.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng, tổng trữ lượng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn thành phố là 231.059m3/ngày đêm. Tuy nhiên, lượng nước này phân bố trên địa bàn rộng nên không thể khai thác với quy mô tập trung để cấp nước. Theo dự báo thì nhu cầu dùng nước cho các ngành trên địa bàn thành phố là rất lớn. Cụ thể, đến năm 2020, lượng nước yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp là 90 triệu m3/năm; cho sinh hoạt là 110 triệu m3/năm; cho công nghiệp là 26 triệu m3/năm.
Trước thực tế lượng nước dưới đất đang sụt giảm nhiều nơi đến mức báo động, Đà Nẵng có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trong một tương lai không xa. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này, không nên chờ “mất bò mới lo làm chuồng”.
Trên cơ sở tình hình thực tế, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh cho hay, đơn vị đã tham mưu cho UBND thành phố quy định cụ thể khu vực hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất nhằm ngăn ngừa việc khai thác nước ngầm tại các khu vực có dấu hiệu suy giảm trữ lượng, chất lượng nước.
Theo đó, 7 quận, huyện đang triển khai điều tra tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch số 8417/KH-UBND ngày 21-10-2015 của UBND thành phố. Trên cơ sở kết quả điều tra, Sở sẽ tham mưu cho UBND thành phố phân cấp quản lý đối với tất cả các công trình khai thác nước dưới đất của tổ chức, cá nhân. Cụ thể, đối với các công trình khai thác nước dưới đất không thuộc diện phải cấp phép sẽ ủy quyền cho UBND xã, phường quản lý bằng hình thức kê khai đăng ký công trình khai thác nước dưới đất; đối với các công trình khai thác nước dưới đất trái phép (tại các khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất) sẽ yêu cầu trám lấp giếng.
Nước có ý nghĩa sống còn đối với sự sống trên Trái đất, thế nhưng không phải ai cũng nhìn nhận đúng giá trị này và từ đó có những hành vi đúng mực để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Với tài nguyên nước dưới đất, nếu không quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, không tiết kiệm, bảo vệ và phòng chống các tác hại do nước thải gây ra thì sẽ bị cạn kiệt và ô nhiễm dần.
Đảm bảo nước sạch mùa khô hạn
Tại Đà Nẵng, nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ chủ yếu vẫn từ nguồn nước thủy cục khai thác từ nước mặt do Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cung cấp.
Từ năm 2012 đến nay tình trạng nhiễm mặn diễn biến bất thường và liên tục làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tại Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ, nơi cung cấp 80% tổng lượng nước sinh hoạt cho toàn thành phố. Theo KS Nguyễn Minh Chính, Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất nước kiêm Quản đốc NMN Cầu Đỏ trực thuộc Dawaco, các năm trước đó chỉ nhiễm mặn vào mùa hè nhưng năm 2012 đến tháng 10 vẫn nhiễm mặn cho đến đầu năm 2013.
Độ mặn nước sông Cầu Đỏ tăng dần qua từng năm với độ mặn cao nhất là 13.568mg/lít vào lúc 7 giờ 45 ngày 28-7-2015. Số liệu này được thiết bị quan trắc độ mặn (đặt ngay cửa thu nước của NMN Cầu Đỏ) xử lý hoàn toàn tự động, cứ mỗi 15 phút truyền về tổng đài của nhà máy một lần. Khi đó, đóng toàn bộ các cửa thu nước ở NMN Cầu Đỏ, lấy nước thô từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch (công suất thiết kế đạt 250.000m3/ngày đêm) đưa về xử lý theo đường ống dài 9km, đường kính 1m.
Ông Nguyễn Văn Thanh, tổ trưởng tổ vận hành trạm bơm cho biết, năm nay nhiễm mặn sớm, ngày 22-1-2016 đã phải chạy máy bơm đưa nước từ An Trạch về NMN Cầu Đỏ để giảm mặn.
Tình hình nhiễm mặn ở sông Cầu Đỏ có thể dự báo được, căn cứ vào hai thông tin chính. Thứ nhất là độ lên xuống của thủy triều được ghi cụ thể trong bảng kê “Độ cao mức nước từng giờ; và giờ, độ cao nước lớn, nước ròng ở Đà Nẵng” do Tổng cục Biển và Hải đảo - Bộ TN&MT cung cấp. Thứ hai là mực nước sông Cầu Đỏ khi các thủy điện thượng nguồn (A Vương, Sông Bung, Đăk Mi 4) hoạt động hay không; nếu thủy điện xả nước thì mực nước sông cao, nước biển không dâng lên hoặc dâng lên không đáng kể và ngược lại. “Tình hình hoạt động của các thủy điện thượng nguồn đều được các đơn vị này đưa lên mạng, mình theo dõi sít sao nên xử lý nhiễm mặn rất kịp thời, không làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp cho toàn thành phố” - KS Chính cho hay.
Các số liệu trên hệ thống theo dõi chất lượng nước cấp vào mạng lưới chung đặt tại NMN Cầu Đỏ lúc 9 giờ 29 ngày 25-5 vừa qua cho thấy tất cả các chỉ tiêu đều nằm trong mức độ an toàn cho phép: độ mặn 75mg/lít (tiêu chuẩn cho phép 250mg/lít); độ đục 0,08 NTU (cho phép 2 NTU - đơn vị đo độ đục, viết tắt từ tiếng Anh Nephelometric Turbidity Units); clo dư 0,61mg/lít (cho phép 0,7mg/lít)...
Đang vào mùa nắng nóng, các nhà máy nước ở Đà Nẵng mỗi ngày đêm cung cấp từ 225.000 – 230.000m3 nước; trong đó, NMN Cầu Đỏ cung cấp đến 180.000m3. Vì thế, theo Giám đốc Dawaco Nguyễn Trường Ảnh, việc chống nhiễm mặn ở NMN Cầu Đỏ là một trong những công tác hàng đầu nhằm đảm bảo nguồn nước an toàn cho đời sống của gần một triệu dân Đà Nẵng mùa nắng hạn.
VĂN THÀNH LÊ