“Hiện nay nguồn nước của thành phố luôn trong tình trạng khan hiếm. Kính mong quý khách hàng sử dụng nước tiết kiệm” - lời đề nghị này của Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) hình như vẫn chưa được khách hàng chú ý. Nhiều gia đình vẫn sử dụng nước thoải mái, chưa có kế hoạch tiết kiệm, thiết bị sử dụng nước không được đầu tư ngay từ ban đầu…
Dự án “Em là dũng sĩ nước sạch” được tổ chức tại Trường tiểu học Hòa Tiến 2 với sự tham gia của ca sĩ Phạm Anh Khoa - Đại sứ nước 2015. (Ảnh do Nguyễn Thanh Hậu cung cấp). |
Nước chưa có trong kế hoạch tiết kiệm
Nhiều gia đình vẫn chưa xem việc tiết kiệm nước là chuyện quan trọng. Với bà Trần Thị Kim Nguyên (giáo viên mầm non, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), hóa đơn tiền nước hằng tháng là “dễ thở” nhất trong hàng chục hóa đơn điện, Internet, học hành của con cái. Việc sử dụng nước trong gia đình vì thế cũng ít được bà để ý.
Các thiết bị giúp tiết kiệm nước cũng chưa được nhiều người quan tâm. Anh Nguyễn Thanh (đường Mỹ Đa Tây 4, quận Ngũ Hành Sơn), khi đi chọn nội thất cho ngôi nhà mới xây chỉ quan tâm đến giá tiền, độ bền của thiết bị mà không mảy may nghĩ đến việc chọn lựa những đồ dùng tiết kiệm nước, có lợi cho môi trường. Ngay ở tòa nhà Trung tâm hành chính (TTHC) Đà Nẵng, hầu hết các bồn cầu trong nhà vệ sinh chỉ có một nấc xả nước. Trong khi các bồn cầu kiểu mới đều có thiết kế 2 nấc xả (nấc nhỏ có công suất xả 6 lít nước/lần và nấc lớn công suất xả 10 lít nước/lần). TTHC một ngày có biết bao nhiêu người làm việc, đi vệ sinh, số lượng nước bị tiêu hao vì thế cũng rất cao so với nhu cầu thực tế nếu có.
Theo báo cáo của Công ty (Dawaco), trong năm 2015, doanh thu tiêu thụ nước trước thuế là gần 350 tỷ đồng. Cùng năm đó, Đà Nẵng thất thoát gần 17% tổng sản lượng nước. Nguyên nhân thất thoát nước thường là do đường ống nước bị rò rỉ, xì vỡ, bể ống… Nếu không thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng, mỗi năm, hàng tỷ đồng sẽ trôi xuống đất vô nghĩa.
Việc tiết kiệm nước chưa được nhiều người quan tâm, có thể kể ra vài nguyên nhân: Người dân Đà Nẵng nhiều năm qua chưa bao giờ bị thiếu nước, bị cắt nước luân phiên do nguồn nước không đủ cung cấp; chưa có gia đình nào phải bỏ tiền ra đi mua nước về dùng hoặc phải đi xa nhiều cây số để chở nước, hay “vét” từng giọt nước dưới ao hồ. Một vấn đề nữa là giá nước sinh hoạt của Đà Nẵng hiện khá thấp. Chi phí cho tiền nước mỗi gia đình chỉ khoảng 2% thu nhập. Năm 2011, giá nước sinh hoạt là 3.000 đồng/m3, đến tháng 2-2014, giá nước điều chỉnh tăng và được chia bậc. 10m3 hộ/tháng được tính giá 3.809 đồng/m3; 31m3 hộ/tháng trở lên tính giá 5.714 đồng/khối (giá này chưa tính thuế và phí bảo vệ môi trường).
So với các tỉnh, thành, giá bán nước sinh hoạt ở Đà Nẵng thuộc nhóm thấp. Và hầu hết các nơi đều tính giá nước theo đầu người, trong khi Đà Nẵng vẫn tính giá nước theo hộ gia đình.
Ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch - Xây dựng cơ bản của Dawaco cho biết, việc lãng phí nước có nhiều nguyên nhân, trong đó, một phần đến từ giá nước sinh hoạt rẻ và chưa có chế tài xử phạt nếu sử dụng nước quá nhiều. Trung bình, một người cần dùng 100-120 lít nước/ngày cho tất cả các hoạt động như ăn, uống, tắm, giặt; tức là chỉ phải trả chưa đến 1.000 đồng/ngày. Số tiền chỉ đủ mua một cây kẹo mút!
Lê Trang, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), thuê trọ ở phường Hòa Cường Bắc, bày tỏ: Chúng em biết giá nước hiện hành khoảng trên 4.000 đồng/m3 nhưng chủ trọ không tính theo mức giá này mà cứ thu mỗi sinh viên 30.000 đồng/tháng. Chính mức giá “cào bằng” này đã khiến một số bạn dùng nước thoải mái mà không phải tiết kiệm. Nếu chủ trọ cứ tính theo kiểu dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu sẽ hạn chế được việc lãng phí nước”.
Cộng đồng chung tay
Bên cạnh sự tuyên truyền của cơ quan chức năng, nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm hoạt động vì môi trường tổ chức nhiều chương trình truyền thông thay đổi hành vi góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề tiết kiệm sử dụng nước. Tiết kiệm nước không đơn thuần là dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, mà nếu người này tiết kiệm, người kia sẽ có nước dùng, mạch ngầm sẽ đưa nước đến những nơi còn thiếu.
Từ năm 2012, Chương trình nước sạch cho cộng đồng “Một phút tiết kiệm, triệu niềm vui” do Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam khởi xướng, đã nhận được sự chung tay góp sức của hàng ngàn tình nguyện viên, chủ yếu là lực lượng trẻ ở các tỉnh, thành. Riêng năm qua, có 45.000 tờ rơi với thông điệp tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng đã được phát ra tại 5 tỉnh, thành phố Nha Trang, Cần Thơ, Quy Nhơn, Quảng Nam, Đà Nẵng, giúp người dân những cách tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước bằng các việc làm cụ thể: vệ sinh ven bờ kênh rạch, không xả rác, chất thải xuống sông ngòi, kênh rạch… Chương trình còn hướng đến mục tiêu một triệu hành động đẹp vì môi trường và nước sạch cho cộng đồng qua việc kêu gọi tham gia cam kết, chia sẻ và gửi ảnh về trang thông tin điện tử www.1phuttietkiemtrieuniemvui.com.vn. Hàng loạt hình ảnh, tư liệu về thói quen đơn giản hằng ngày đã được chia sẻ (tái sử dụng nước rửa rau, nước vo gạo để tưới cây, rửa chén; thu dọn rác thải, khơi thông dòng chảy tại các kênh rạch, sông ngòi ô nhiễm…).
Tại Đà Nẵng, sau khi đạt giải cao từ cuộc thi Mùa hè nước 2015 (do Công ty Unilever phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức), 3 sinh viên Nguyễn Thanh Hậu - Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Nguyễn Thị Thu Hiền - ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Lê Phước Lân - ĐH FPT Đà Nẵng đã triển khai dự án “Em là dũng sĩ nước sạch” đến các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Với dự án này, bên cạnh các hoạt động tổ chức tiết dạy học về tiết kiệm nước thì nhóm còn lồng ghép các hoạt động khác như làm thí nghiệm lọc nước tại lớp (do học sinh tự làm) để các em nâng cao nhận thức về việc tiết kiệm nước; các hoạt động thảo luận nhóm, diễn kịch tương tác các tình huống phát sinh thực tế liên quan đến nước; vẽ tranh tuyên truyền và triển lãm tranh; chiếu phim về bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn nước; thi tìm hiểu kiến thức về nước và cùng phụ huynh học sinh theo dõi hành vi của các em học sinh về tiết kiệm nguồn nước ở nhà...
Nói về lý do chọn học sinh tiểu học để tuyên truyền, Nguyễn Thanh Hậu, trưởng nhóm cho biết, trẻ em ở độ tuổi từ 7-13 là độ tuổi bắt đầu có những nhận thức ban đầu về thái độ sống, đây cũng là giai đoạn trẻ dễ bị tác động và dễ được định hướng theo sự hướng dẫn, giảng dạy của người lớn xung quanh. Do đó, nếu giúp hình thành ý thức tiết kiệm nước, các em sẽ là sứ giả lan truyền thông điệp này đến các thành viên trong gia đình.
QUỲNH TRANG