.

Ứng phó với biến đổi khí hậu

.

Để đảm bảo an ninh về nước, Đà Nẵng đã và đang xây dựng những giải pháp, những kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, với nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao.

Ở Hòa Vang, nhiều hộ gia đình vẫn sử dụng thêm nước từ các giếng đào, giếng khoan bên cạnh nguồn nước sạch đô thị để giảm chi phí hằng tháng. Ảnh: Thanh Tân
Ở Hòa Vang, nhiều hộ gia đình vẫn sử dụng thêm nước từ các giếng đào, giếng khoan bên cạnh nguồn nước sạch đô thị để giảm chi phí hằng tháng. Ảnh: Thanh Tân

Tăng tỷ lệ bao phủ sử dụng nước sạch

Gia đình ông T.V.T (trú thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) hiện sử dụng nước sinh hoạt từ 3 nguồn: nước giếng, nước từ máy bơm của gia đình để tắm rửa, giặt giũ, tưới tiêu và nước sạch (nước máy) từ hệ thống cấp nước đô thị của thành phố dùng để ăn uống. Ông T. cho biết, ngay cả những năm khô hạn nhất, các mạch nước ngầm vẫn cung cấp nguồn nước trong trẻo cho gia đình ông sinh hoạt, tưới tiêu. Nước ngầm cũng là nguồn dự phòng cho những ngày sau bão lớn, thành phố cúp điện, cúp nước. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Hòa Vang, những xã được sử dụng đồng thời nguồn nước sạch đô thị, kết hợp nước ngầm như nhà ông T. chưa phải là phổ biến. Theo số liệu do Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), hiện ở Hòa Vang, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước đô thị chỉ chiếm gần 46%, tập trung chủ yếu ở các xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phong, Hòa Liên, một phần xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Phú… Còn một bộ phận rất lớn người dân (gần 54%) phải dùng nước hoàn toàn từ các nguồn sông suối, nước ngầm từ các giếng đào, giếng khoan. Ngay tại các quận trung tâm, vẫn còn gần 11% người dân thành phố chưa có nước sạch dùng.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra trước hết đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước là phải cung cấp đầy đủ nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt của người dân thành phố, trong điều kiện bình thường. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng (Sở Xây dựng) đơn vị  được giao trực tiếp tham mưu, thẩm định dự thảo Quy hoạch cấp nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho biết, việc đáp ứng đủ nhu cầu nước sạch của người dân thành phố, trong điều kiện bình thường là một trong những mục tiêu quan trọng của các dự án. Theo đó, từ nay đến năm 2020, sẽ ưu tiên triển khai các dự án mở rộng công suất các nhà máy nước và phát triển mạng lưới đường ống cấp nước đồng bộ để cấp nước cho các khu vực hiện nay là nông thôn được quy hoạch thành đô thị, các khu đô thị mới; bổ sung nước cho các quận nội thành, đảm bảo nhu cầu dùng nước của người dân đô thị; cấp nước cho các khu vực chưa có hệ thông cấp nước hoặc hệ thống cấp nước chưa đáp ứng nhu cầu; Nâng cao năng lực các doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn. Ngoài ra, sẽ tiến hành triển khai dự án cấp nước cho các khu công nghiệp tập trung như khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin đang xây dựng nhưng chưa có nguồn nước đảm bảo an toàn.

Đảm bảo an ninh tuyệt đối về nước

Cũng theo ông Nguyễn Hải Đường, đối với Đà Nẵng, nếu nói về những nguy cơ cần tính đến có khả năng đe dọa an ninh nguồn nước, thì rõ nhất là hạn hán và xâm nhập mặn. Khi tình hình chưa đến mức quá nghiêm trọng, Đà Nẵng đang có những giải pháp ứng phó khá hữu hiệu. Ví như nguồn nước từ sông Cầu Đỏ, hằng năm có 1-2 tháng bị nhiễm mặn thì lập tức nguồn nước ngọt dự phòng từ trạm bơm An Trạch được đưa về Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ để xử lý, đảm bảo nguồn cung nước sạch cho thành phố, trong những ngày khô hạn.

Nói như thế không có nghĩa chúng ta hoàn toàn an tâm về nước. Trong điều kiện khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nhu cầu tiêu dùng nước ngày một tăng cao, cần tính đến những giải pháp căn cơ, lâu dài. Để đảm bảo an ninh về nước, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật và quản lý. Đối với giải pháp về kỹ thuật, yếu tố cần quan tâm đầu tiên là nguồn nước. Theo quy hoạch cấp nước đến năm 2030, để đảm bảo nguồn nước, bên cạnh nguồn chính từ sông Cầu Đỏ và sông Cu Đê (dự kiến sẽ cung cấp cho NMN Hòa Liên sắp triển khai xây dựng), sẽ tận dụng tối đa các nguồn nước mặt khác từ hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ, hồ Hòa Trung… Để giảm thiểu tối đa độ mặn, tại thượng nguồn sông Cầu Đỏ cần xây đập ngăn mặn, nâng công suất trạm bơm An Trạch đủ cung ứng trong mùa hạn, khi NMN Cầu Đỏ tăng công suất; dọc sông Yên, sông Túy Loan sẽ đầu tư xây dựng các hồ chứa nước lớn… Sau khi đảm bảo được nguồn nước, sẽ tiến hành các dự án nâng cấp các NMN cũ, xây dựng các NMN mới nhằm nâng hiệu suất cung cấp nước sạch. Vấn đề còn lại là đầu tư nâng cấp, làm mới mạng lưới đường ống nhằm giảm thất thoát nước. Đối với giải pháp về quản lý, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ yêu cầu các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn vận hành, xả lũ đúng quy trình, thường xuyên; thành phố cũng đang cân nhắc việc điều chỉnh giá nước, đồng thời sẽ thu “phí nước thải” nhằm tạo thói quen tiết kiệm nước trong người dân, khi nguồn tài nguyên này không còn là vô tận.

Bàn về những giải pháp, định hướng lâu dài đảm bảo an ninh nguồn nước, nhiều ý kiến cho rằng, cần tận dụng thêm nguồn nước ngầm, tăng sức chứa các bể chứa tăng áp lực bơm nước tại các khu nhà cao tầng tập trung đông dân cư như chung cư, các khu ký túc xá, bệnh viện… Có ý kiến còn đề xuất mỗi nhà dân (từ nông thôn đến đô thị) nên đầu tư xây dựng ngay những bể chứa nước lớn hứng nước trong mùa mưa để dùng cho mùa khô hạn. “Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đảm bảo an ninh nước một cách bền vững, Đà Nẵng đang tính đến giải pháp xây dựng các bể chứa nước ngầm công suất lớn, trong quy hoạch không gian ngầm đô thị. Khi giải pháp xây dựng các bể chứa nước ngầm được thực hiện, an ninh nước Đà Nẵng, có thể nói sẽ được đảm bảo gần như tuyệt đối! Và tuyệt đối hơn, khi định hướng sau năm 2030, Đà Nẵng có thể áp dụng công nghệ lọc nước biển thành nước tiêu dùng”, ông Đường cho hay.

Sử dụng nguồn nước ngầm là giải pháp sau cùng!

“Việc khai thác quá mức nước ngầm, ngoài nguy cơ sử dụng phải nguồn nước bị nhiễm độc, còn dẫn đến những hệ lụy khôn lường về môi trường do mất cân bằng hệ sinh thái. Nhiều đô thị lớn đã phải trả giá! Vì vậy, để đảm bảo an ninh nguồn nước, cần ưu tiên sử dụng các nguồn nước mặt, việc tận dụng nguồn nước ngầm là cần là giải pháp sau cùng”.

Ông Nguyễn Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, Sở Xây dựng Đà Nẵng.

Theo dự thảo Quy hoạch cấp nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự toán kinh phí đầu tư cho giai đoạn 2016 - 2020 đối với phần nguồn là 1.967 tỷ đồng (nâng công suất NMN Cầu Đỏ lên thành 290.000m3/ngày đêm; xây mới NMN Cầu Đỏ 2 công suất 240.000m3/ngày đêm; xây mới NMN Hòa Liên công suất 240.000m3/ngày đêm; xây mới NMN Hồ Hòa Trung công suất 20.000 m3/ngày đêm), và phần mạng lưới đường ống từ các NMN vừa nâng cấp và xây mới là 1.117 tỷ đồng.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.