.

Cần đưa môn Lịch sử ra khỏi "nhóm tự chọn"

.

Không riêng gì Việt Nam, đa phần các quốc gia trên thế giới đều xem môn Lịch sử là môn học quan trọng trong chương trình giáo dục bậc tiểu học và trung học. Ngoài giá trị khoa học là nghiên cứu và trang bị nhận thức về quy luật khách quan của sự vận động, phát triển hoặc suy vong của một cộng đồng/địa phương, một dân tộc/quốc gia hay nhân loại/quốc tế; môn Lịch sử còn được xem là môn học chuyển tải quốc hồn quốc túy, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và giáo dục ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh, định hướng cho học sinh ghét chiến tranh, yêu hòa bình.

Học sinh thi tốt nghiệp THPT môn Sử năm 2012. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Học sinh thi tốt nghiệp THPT môn Sử năm 2012. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Vì vậy, trong giáo dục, dù hiện đại đến mấy thì các nước tiên tiến trên thế giới vẫn lấy môn Lịch sử làm môn học bắt buộc tất cả học sinh phải trải qua. Môn học này không chỉ giúp học sinh hiểu rõ đất nước mình và cả thế giới, mà còn giúp học sinh có nhận thức đúng về quy luật vận động và phát triển của lịch sử xã hội, quy luật tất yếu của sự phát triển hay sụp đổ của một một chế độ/đất nước, để vận dụng đúng trong hiện tại và định hướng tốt đẹp cho tương lai khi họ đến tuổi tham gia vào guồng máy điều hành đất nước, xã hội hay hòa nhập cộng đồng quốc tế.

Những năm gần đây, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển môn Lịch sử sang nhóm “môn tự chọn” khi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), cộng với hiện tượng “1 thí sinh cả mấy chục thành viên hội đồng phục vụ” vào buổi thi môn này lặp đi lặp lại trong hai kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2015 và 2016, đã phô bày khiếm khuyết lớn trong vấn đề soạn sách giáo khoa, dạy và học môn Lịch sử lâu nay, cũng như thể hiện triết lý giáo dục bất nhất của đất nước, không đáp ứng được mục tiêu “bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc”.

Học sinh chán học môn Lịch sử là câu chuyện dài nhiều tập đã nhiều năm rồi, nhưng có thể tóm gọn là do quan điểm “tường kim, lược cổ” (tường tận chi tiết đối với sử hiện đại, giản lược đối với sử cổ) chi phối nên sách Lịch sử mất thăng bằng kiến thức, lại không coi trọng sự hiểu biết có tính thông thái mà chuộng sự chi li, kể lể tiểu tiết và thiên về ghi nhớ sự kiện từng chút một ở phần hiện đại, sử liệu thì chưa thỏa đáng,... nên người dạy cũng khó dạy hay và người học dĩ nhiên sẽ ngày càng chán học, không yêu nổi môn Lịch sử.

Thêm dầu vào lửa, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đặt môn Lịch sử trong nhóm “môn tự chọn”, chẳng khác nào đẩy học sinh vào thế có thể không cần biết rõ cha ông, tổ tiên, dân tộc, quốc gia, quốc hồn quốc túy, quá khứ hay xu thế phát triển của hiện tại, tương lai của đất nước và nhân loại - những điều mà môn Lịch sử thường trang bị cho học sinh. Vì thế, tâm lý của học sinh là đã không bắt buộc thi thì không cần gì phải đầu tư học môn này!

Kết quả, cái đáng sợ của hiện tại và tương lai mà xã hội đang bắt đầu chứng kiến là những thế hệ tiếp nối ngày càng “mù mờ về cha ông, đất nước, nhân loại”. Họa mất gốc (về nhận thức, hiểu biết lịch sử) đang nhen nhóm, còn nhục quốc thể là hình ảnh 1 thí sinh thi môn Lịch sử đơn độc giữa hội đồng thi qua hai năm liên tiếp được đăng đầy trên các mặt báo, trở thành nỗi nhức nhối của những người có lương tri, nỗi ngán ngẫm của toàn xã hội - quốc gia - dân tộc, sự ngạc nhiên và chê cười của hải ngoại...

Vì tương lai tốt đẹp của đất nước, cần cải cách lại những điều đã cải cách, dù đó là thể hiện của sự luẩn quẩn trong triết lý giáo dục, không thể không tiếp tục làm từ hôm nay.

Rất cần một cuộc trưng cầu dân ý có tính quốc gia để đưa “môn Lịch sử ra khỏi nhóm tự chọn” ở cuộc thi Tốt nghiệp PTTH từ bây giờ!

Rất cần thực hiện nguyên tắc “học môn nào, thi môn ấy” ở bậc THPT, để khỏi mâu thuẫn với nội hàm kiến thức “phổ thông” nhưng “chẳng phổ biến” trong cùng một lứa tuổi, hoặc giữa các lứa tuổi cận kề, của đội ngũ học sinh phổ thông - những công dân và rường cột tương lai cận kề của đất nước!

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.