Từng được ví von là những ốc đảo bên bờ sông Cu Đê, nhiều năm trước, muốn đến thôn Trường Định (xã Hòa Liên) hay Nam Yên (xã Hòa Bắc) người dân phải leo lên mấy con đò ngang. Mùa nước lũ, lớp học vắng gần hết vì học sinh không thể qua sông đến trường. Nay, thì ít ai ngờ rằng, đây là 2 trong số 16 thôn (trong tổng số 119 thôn) được huyện Hòa Vang chọn xây dựng thí điểm mô hình “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.
Cầu trên sông Trường Định. Ảnh: ÔNG VĂN SINH |
Giao thông nối nhịp đôi bờ
Con sông Cu Đê chia cắt thôn Trường Định (xã Hòa Liên) và Nam Yên, Phò Nam (xã Hòa Bắc) ra khỏi huyết mạch giao thông ĐT 610 nối liền trung tâm thành phố Đà Nẵng với các xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang. Ngày thường nước trong xanh là thế, nhưng mỗi khi lũ về, nước cuồn cuộn chảy xiết khiến không một con đò ngang nào dám qua sông. Chưa kể, chỉ cần vài ba trận mưa lớn, nước từ sông Cu Đê dâng lên khiến khoảng cách giữa 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) như rộng ra gần 100 mét. Đò ngang cách trở nên việc học của con em địa phương ít nhiều bị ảnh hưởng, đời sống kinh tế của bà con nông dân muôn phần khó khăn.
Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Bởi từ năm 2010 đến nay, rất nhiều công trình giao thông quan trọng đã được đưa vào sử dụng tại các xã Hòa Bắc, Hòa Liên giúp những rẻo đất ven sông Cu Đê có cơ hội đổi đời. Ông Lê Văn Chính, cán bộ Giao thông, thủy lợi - Nông, lâm, thủy sản, xã Hòa Bắc kể lại, đầu năm 2010, hàng trăm hộ dân thuộc 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí tổ chức đại tiệc ăn mừng tại cây cầu bắc qua dòng sông Cu Đê vừa khánh thành, đưa vào sử dụng. Nhiều ngày liền, cây cầu trở thành nơi tụ tập, vui chơi của người già, người trẻ trong thôn. Sau đó vài tháng, bà con xã bạn cũng rộn ràng niềm vui cùng cây cầu mới Trường Định nối thôn này với huyết mạch giao thông ĐT 610 về trung tâm thành phố Đà Nẵng. Có thể nói, hai cây cầu Tà Lang - Giàn Bí và Trường Định bắc qua sông Cu Đê đã chấm dứt chuỗi ngày vượt sông giữa tròng trành con sóng để sang bờ bên kia của người dân nơi này.
Trưởng thôn Trường Định Võ Văn Thành nói rằng, điều ông mừng nhất là lớp trẻ có thể chạy xe bon bon tới trường giúp câu chuyện học hành thông suốt hơn. Ngày trước, chỉ cần cơn mưa lớn là bà con thấp thỏm giữ con ở nhà, không cho đi học vì sợ nguy hiểm tính mạng mỗi khi lên đò sang sông. Mỗi năm, học sinh phải nghỉ học từ 20 đến 30 ngày. Chưa kể, những khi đò ngang hỏng máy, thay vì qua đò mất 10 phút thì tụi nhỏ phải lội bộ ven núi đến điểm đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan mới vòng ngược xuống trường, quãng đường đầy sỏi đá nhấp nhô này dài chừng 5km.
Cùng với cầu Trường Định, năm 2012, Sở Giao thông vận tải thành phố tiếp tục đưa vào sử dụng các công trình cầu Khe Răm (thôn An Định, xã Hòa Bắc) rộng 6 mét, dài hơn 48 mét bắc qua sông Cu Đê và tuyến đường Bắc Thủy Tú – Phò Nam (còn gọi là đường ADB5) dài 11,32km có điểm đầu là đường Ngô Xuân Thu (phường Hòa Hiệp Bắc) đến thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc) rộng 7,5m, nối mạch giao thông đến cầu Trường Định dài thêm 1,37km nữa. Các công trình tạo nên sự thông suốt trong hành trình đi từ quốc lộ 1A, địa phận phường Hòa Hiệp Bắc đến các xã Hòa Liên, Hòa Bắc, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực bắc sông Cu Đê phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân.
Bà con thôn Trường Định vui mừng vì vụ dưa hấu được mùa. Ảnh: T.Y |
Tạo đà phát triển kinh tế
Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có văn bản công nhận huyện Hòa Vang hoàn thành chương trình nông thôn mới. Cùng với đó, lãnh đạo huyện tiếp tục nâng cao chất lượng bằng việc xây dựng mô hình “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới”, chọn thí điểm 16/119 thôn để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, trong đó có 2 thôn Nam Yên và Trường Định.
Đứng giữa cánh đồng dưa rộng hơn 15ha tại thôn Trường Định, Trưởng thôn Võ Văn Thành nói: “Từ ngày xây dựng cầu cộng với chương trình nông thôn mới, đời sống nhân dân cải thiện hơn rất nhiều. Hệ thống giao thông được nối mạch khiến việc giao thương, buôn bán diễn ra thuận lợi, bà con mạnh dạn đầu tư sản xuất. Việc trồng dưa từ 10 hộ lên 40 hộ trong năm nay. Trung bình 1ha dưa thu nhập 40 triệu đồng, cao gấp 4, 5 lần cây lúa. Cùng với mô hình nuôi tôm nước lợ, bà con kết hợp với nuôi cua để tạo sản phẩm phong phú, mang lại nguồn thu nhập ổn định”.
Nhằm triển khai xây dựng Thôn kiểu mẫu nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 tại thôn Trường Định, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên Huỳnh Tấn Bôn cho biết, xã sẽ bám sát các tiêu chí về điện, giao thông, vườn hộ gia đình, văn hóa, môi trường nhằm xây dựng kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống của bà con nông dân. Đơn cử, xã đã yêu cầu Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên xã phối hợp cùng Chi đoàn PH 41 - Công an thành phố lắp đặt 15 cống bi để thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng đồng, đề xuất UBND huyện xem xét, hỗ trợ đầu tư điện chiếu sáng từ cầu 14 đến miếu Ông Hổ (trên đường ADB5) dài 1,5km. Đoạn đường này chủ yếu phục vụ nhân dân đi lại, làm ăn, tuy nhiên thời gian gần đây thường xuất hiện một số đối tượng phạm tội từ quận Liên Chiểu lên cướp giật gây nguy hiểm cho người dân khi qua lại khu vực này.
Cùng với niềm vui được mùa dưa của bà con thôn Trường Định, xã Hòa Liên, người dân xã Hòa Bắc cũng vừa trải qua những ngày vui vì mía được mùa. Theo ông Lê Minh Tuấn, cán bộ Phòng Nông nghiệp xã Hòa Bắc, vụ mía 2015-2016, toàn xã có khoảng 400 hộ trồng mía, chủ yếu tập trung ở 2 thôn Phò Nam, Nam Yên nằm bên dòng Cu Đê. Vụ mía 2015-2016, bình quân mỗi bó mía bà con bán ra giá từ 55.000 đồng đến 65.000 đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi tầm 4 triệu đồng/sào.
Dòng sông Cu Đê chảy qua địa phận xã Hòa Bắc mang lại nguồn phù sa màu mỡ cũng như nguồn nước tưới thường xuyên cho hoa màu, đặc biệt là cây mía. Cùng với đó, vụ mùa năm nay, bà con nông dân đã có sự đầu tư về giống mía như K vàng, Roc tím, Roc trắng, Roc xù, bỏ công chăm sóc để thân mía thẳng, đẹp hơn mọi năm nên được tiểu thương ưa chuộng, ít bị ép giá. Với thắng lợi này, vụ mía 2016-2017, diện tích trồng mía tại xã đã tăng từ 130ha lên 170ha, hệ thống giếng khoan, dự trữ nước tưới trong mùa khô hanh cũng được bà con tăng cường đầu tư, chăm chút với hy vọng mùa bội thu.
Có thể nói, bên cạnh nguồn phù sa màu mỡ từ dòng Cu Đê bồi đắp cho những cánh đồng ven nó thì những năm gần đây, giao thông xuôi ngược lên hai vùng đất dọc sông Cu Đê đã không còn cách trở như trước. Những cây cầu không chỉ làm nhiệm vụ nối nhịp đôi bờ, mà còn giúp đổi thay một vùng đất, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
TIỂU YẾN