Đoạn đường Trần Cao Vân bỗng nhiên dồn ứ, hai chiếc xe buýt đứng đối đầu không nhúc nhích, đám xe máy cũng… không chịu nhích, nhao nhao: “chuyện chi, chuyện chi rứa?” mặc cho giờ làm buổi sáng có lẽ đã muộn lắm rồi, chỉ có chiếc cứu thương đang muốn chạy nhưng còi hú mà xe không thể tiến được bao nhiêu. Thay vì quay đầu cái rẹt đưa người đang nằm trên xe đến ngay bệnh viện cách đó vài trăm mét, chiếc cứu thương phải chầm chậm chạy thẳng thêm một đoạn, đến chỗ tạm thưa người mới có thể quay đầu.
Cảnh này quen quá rồi. Lại một vụ tai nạn giao thông. Lần này là xe buýt va chạm xe máy. Người phụ nữ vừa từ tiệm bánh mì chạy xe ra, chắc là mua ổ mì lót dạ buổi sáng thì gặp phải xe buýt lao tới… Tài xế xe buýt bình an vô sự, còn người phụ nữ chưa kịp ăn ổ mì kia thì phải lên xe cứu thương với cái mũ bảo hiểm nát tan.
Chưa biết đúng sai ra sao nhưng ai thường xuyên đi trên những đoạn đường có các tuyến xe buýt chạy qua chắc không dưới vài lần thót tim. Xe ben vốn bị dành cho cái tên rất tệ: “hung thần”, còn những chiếc xe buýt vàng vàng, cũ cũ kia không biết phải gọi là “hung” gì vì hung chẳng kém mấy “ông thần”.
Những người thường chạy xe trên đường Trần Cao Vân, con đường ngày càng quá tải với mật độ lưu thông tăng chóng mặt chắc từng đôi lần đi đến nơi về đến chốn mà thầm “cảm ơn Thượng đế đã cho con bình an”. Người đông chừng nào, đường bị “bóp” đến thê thảm chừng nấy khi lề đường bị “tước đoạt” còn lòng đường thì “lẹm” đến 1/3 bởi hai dòng xe con đậu đỗ hàng dài. Đã thế, mỗi sáng, cùng với người người vội vã lao ra đường là những “ông thần” xe buýt “bay” tới, bất chấp sự nhỏ bé, yếu đuối của những phương tiện khác.
Sống trên con đường này, đi riết cũng muốn quen mà quen không nổi. Cái cảm giác sợ hãi, lo lắng vẫn choáng ngợp mỗi buổi sáng bước ra khỏi nhà. Ở trong một đất nước có Chỉ số hạnh phúc cao ngất ngưỡng, đứng nhóm đầu trên hành tinh mà sao mỗi buổi sáng chẳng thể tìm nổi sự bình an!
Thấy đường sá và xe buýt như vậy nên không ít người chưa từng đi xe buýt lại dặn lòng tốt nhất không nên “trải nghiệm” phương tiện này, cũng không ít người đi xe buýt một lần rồi “cạch” luôn vì sợ. Hình ảnh thân thiện của xe buýt cứ hao mòn dần theo những chuyến xe nghênh ngang trên đường.
Phát triển phương tiện công cộng, đặc biệt phát triển hệ thống xe buýt an toàn, thân thiện, hạn chế xe cá nhân là xu hướng của tất cả đô thị hiện đại. Thành phố Đà Nẵng không là ngoại lệ. Đà Nẵng đang triển khai “Dự án xe buýt nhanh - BRT” và 5 tuyến xe buýt có trợ giá khu vực nội thành. Dự kiến, dự án có kinh phí hàng triệu USD và sẽ có mạng lưới hàng trăm trạm rải dọc thành phố. Việc chấp nhận bù lỗ, trợ giá vé trong thời gian đầu được xem là giải pháp khuyến khích người dân đi xe buýt, thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân mọi lúc, mọi nơi.
Vẫn biết “nói không” với phương tiện công cộng là vô tình hoặc cố ý góp phần làm ô nhiễm môi trường. Vẫn biết phát triển hệ thống xe buýt là nỗ lực rất lớn trong việc thay đổi diện mạo về một thành phố hiện đại, văn minh. Nhưng bản thân xe buýt phải thân thiện mới là yếu tố quyết định tạo nên thiện cảm cho người sử dụng. Xe buýt trước hết phải bảo đảm sự an toàn, thậm chí an toàn hơn phương tiện cá nhân thì người dân mới yên tâm bước lên xe buýt. Trợ giá, thậm chí miễn phí mà không an toàn thì không ai dại gì đánh cược tính mạng của mình vì vài đồng tiền vé.
CHÍCH BÔNG