.

Nguyễn Văn Tuyên họa sĩ của vườn quê

.

Họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên không có xưởng vẽ, không treo tranh quanh nhà như nhiều họa sĩ khác. Bước vào ngôi nhà nhỏ cạnh dòng sông Hương ở vùng ngoại ô hẻo lánh thuộc thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế, không ai nhận ra đó là ngôi nhà của một họa sĩ. Anh đã sống và vẽ tranh như thế gần nửa thế kỷ này. Âm thầm vẽ và lặng lẽ với nỗi buồn khi có nhà sưu tập đến đem tranh đi, như đem từng đứa con tinh thần được ra đời bởi những trăn trở, những sớm hôm, những mịt mùng mưa bão. Những đứa con tinh thần ấy rời xa không có ngày trở về đã xô đẩy anh đối diện với nỗi cô đơn khi màn đêm bao phủ.

Chất thơ mộng bàng bạc trong nhiều tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên.
Chất thơ mộng bàng bạc trong nhiều tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên.

Từ galarry Lã Vọng ở Hồng Kông, những du khách nước ngoài cho đến những nhà sưu tập trong nước họ cứ đến và đi mà không chú ý đến nỗi buồn trong ánh mắt người họa sĩ. Anh tâm sự, do gia cảnh khó khăn, sống đời lênh đênh trên con đò cùng gia đình, nhưng do đam mê hội họa, anh đã trốn gia đình đi học vẽ từ 10 tuổi với người thầy đầu tiên là họa sĩ Vị Ý, không gian để người thầy đặc biệt truyền thụ kỹ thuật cho người học trò duy nhất là trong trại nhà binh. Bây giờ ở tuổi thất thập anh nhớ lại những kỷ niệm của thời học Cao đẳng Mỹ thuật Huế vào năm 1968 cùng với những vui buồn thế cuộc. Anh đã kinh qua nhà tù Côn Đảo vì có tranh phản chiến trong tạp chí Mặt trận Tranh thủ Hòa bình. Sau năm 1975, anh phải sinh nhai bằng nhiều công việc. Nhưng dòng máu đam mê hội họa luôn nóng bỏng trong trái tim anh, để cho ra đời hàng trăm bức tranh rất thơ mộng khiến người thưởng ngoạn ngẩn ngơ.

Huế vốn được mệnh danh là xứ sở của thi ca, của rêu phong hữu tình. Có lẽ vì thế mà chất thơ mộng bàng bạc trong nhiều tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên.

Những ngôi nhà ẩn hiện trong màn sương sớm, những lối đi dẫn dắt người xem bước vào khu vườn của tuổi thơ; nơi đó là thế giới của thảm cỏ xanh và những lùm hoa dại, những xóm chợ ban mai yên bình với những dáng người tần tảo, cùng lời thì thầm của dòng sông nhấp nhô theo nhịp điệu của bốn mùa,… tất cả cảnh vật như được bao phủ bởi bầu trời trong xanh cùng những khóm cây màu lục non mượt mà, óng ánh dưới ban mai vàng nắng. Có thể gọi đó là những bức tranh phong cảnh trữ tình được thể hiện bằng bút pháp tinh tế, với những sắc màu quyện vào hồn người của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên. Anh được mệnh danh là “họa sĩ của vườn quê”.

Hàng trăm bức tranh đò trên sông Hương đã ra đời và được sưu tập, anh vẽ như thể những chiếc đò cứ trôi dần trong ký ức ra khung toang một cách thư thái. Bởi ký ức miền sống nước từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành đã trở thành tiềm thức trong anh. Cho đến bây giờ, để tìm lại những chiếc đò trên sông Hương từ thế kỷ trước, chỉ còn cách tìm đến tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên. Anh được mệnh danh là họa sĩ “vạn đò” độc nhất.

Sắc màu trong tĩnh vật của Nguyễn Văn Tuyên khởi lên từ những hình ảnh và màu sắc ảm đạm của giai đoạn xã hội ở thời kỳ bao cấp, qua những chuyến biến trong tranh tĩnh vật của họa sĩ, người xem có thể nhận ra chuyển biến về lượng của xã hội, tranh tĩnh vật nói riêng và các thể loại khác của họa sĩ đều đi theo quy luật này. Sự tươi mới, thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng vẫn bàng bạc những trăn trở ẩn phía đằng sau những lớp màu.

Thiếu nữ trong tranh Nguyễn Văn Tuyên cũng hư ảo sương khói như người con gái của xứ sở mộng mơ vào những thập niên 60, 70. Có thể đó là hình bóng của những người mẹ, những thôn nữ ngày ngày tảo tần công việc nhưng vẫn đậm chất sang quý trong chiếc áo dài truyền thống. Bên cạnh các thiếu nữ là những đóa sen lung linh tỏa hương rất ấn tượng. Tất cả được thể hiện trong màu vàng tinh khiết và màu lục dặt dìu.

Trải qua các giai đoạn sáng tác, tâm hồn người họa sĩ như tấm gương phản chiếu ngoại cảnh. Mỗi thời kỳ được thể hiện bởi một gam màu chính, màu nâu của sự cũ kỹ khoác vào sự vật, màu của thời khắc xã hội đang đóng khung bởi hai từ bao cấp, màu lục của vườn tược sum xuê cây trái, màu lam của cảnh vật dưới cơn mưa mùa đông xứ Huế, màu vàng lung linh của nắng, của ánh trăng và ruộng lúa trổ đồng và các sắc độ chuyển động trên dòng sông Hương mơ mộng,... qua bao nhiêu năm tháng, các sắc màu đó cùng cảnh vật và cả nền văn hóa đã âm thầm đi vào tâm hồn người họa sĩ đến khi Nguyễn Văn Tuyên đối diện trước nền toan trắng, những hình thể, những đường nét cứ thế được thể hiện, còn màu sắc tùy theo trạng thái cảm xúc để tác phẩm được lung linh, tươi mới, buồn và cao sang, gần gũi nhưng mịt mùng vô định...

LÊ HUỲNH LÂM

;
.
.
.
.
.