Trước khi hòa mình vào biển lớn, dòng Cu Đê qua cửa Nam Ô. Sau khi xuôi nguồn Cu Đê, bao người lại muốn thả bước chân mình len vào vùng đất Nam Ô còn lưu bao dấu tích. Xen trong làng nghề nước mắm Nam Ô, tần ngần bên những giếng nước hình vuông cho nước ngọt lành, ngỡ vẫn như thấy những đôi tay rắn chắc, sạm nắng của người xưa thoăn thoắt kéo dây gàu.
Mỗi năm, người làm mắm Nam Ô chỉ giở mắm ra ngửi 2 lần. Ảnh: Q.T |
Trong sách Hòa Vang huyện chí do Tú tài Trần Nhật Tĩnh soạn năm Tự Đức thứ mười ba (1861) đã mô tả: “Làng Hóa Ổ phía đông đảo gành sóng phun trong nắng sớm, phía tây sông Hóa Ổ ngậm dòng nước biếc, phía bắc ráng trời chiều Liên Chiểu rực màu, thật là một thắng cảnh của đất Hòa Vang vậy”. (Làng Hóa Ổ là làng Nam Ô ngày nay).
Ông Đặng Dùng, một “nhà Nam Ô học” kể, năm ngoái, một số nhà khảo cổ về Nam Ô khảo sát di chỉ văn hóa Chăm. Di chỉ này được xác định nằm trên sân bóng của làng khiến công tác định vị gặp nhiều khó khăn. Sau cuộc khảo sát, các nhà khảo cổ chỉ mới tìm được một số gạch đá, không đào được những tượng cần thiết để nói lên một cách hùng hồn rằng: di chỉ tháp Chăm ở đây là có thật. Tuy nhiên, nhiều di tích còn sót lại trên đất Nam Ô ngày nay cho thấy rằng, nơi đây từng là một vùng đất trù phú, là vùng đất có sự hỗn cư, cộng sinh của dân tộc Chăm và Đại Việt. Đó là những giếng nước hình vuông có tuổi đời trên dưới 300 năm. Dù làng nằm cạnh biển nhưng nước giếng luôn ngọt mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Làng Nam Ô rộng chưa tới 1,5km2 nhưng có tới 8 giếng vuông, giếng này cách giếng kia theo đường chim bay khoảng 200 mét. Mỗi giếng đều tọa lạc gần một công trình thờ phượng dân gian: gần lăng thì gọi là giếng lăng, gần đình gọi là giếng đình, rồi giếng thành cung, giếng chùa…
Ngoài những cái giếng vuông thì tín ngưỡng của người Chăm vẫn được tôn thờ song song với tín ngưỡng dân gian. Người dân vẫn lui tới chăm sóc các bài vị trong miếu vọng Huyền Trân. Đặc biệt, Nam Ô sở hữu gần 10 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, đình Nam Ô được xem là một trong số ít các di tích còn lưu giữ những giá trị di sản văn hóa truyền thống ở Liên Chiểu. Theo các cụ cao niên, ban đầu đình được xây ở gành Nam Ô, sau bị mưa bão làm sụp đổ nên dời về địa điểm hiện nay, tổ 38 Nam Ô 2. Do nằm sát bến sông, tiện việc lưu thông, nên đình được nhiều tao nhân mặc khách các nơi ghé thăm. Một số bút tích còn được khắc lại trên vách đình. Ngoài ra, có thể kể đến các di tích
có giá trị khác như Mộ Tiền hiền, Miếu thờ bà Liễu Hạnh, Lăng Ông, Miếu Cô hồn…
Nhắc đến Nam Ô không thể không nhắc đến thương hiệu nước mắm cùng tên. Nghề làm nước mắm của làng có lịch sử hơn 100 năm. Các bô lão ở Nam Ô tự hào kể: ngày xưa, ngư dân Phan Thiết gọi ngư dân Nam Ô là bậc thầy của nghề cá nổi và nghề làm mắm. Người Nam Ô chỉ sử dụng cá cơm than tháng 3 làm nước mắm. Nguồn cá cơm này đi từ phía nam ra, đến Nam Ô là vừa trúng tháng 3. Cá đến thấy vùng nước lặng nên vào ăn phù sa. Lúc đó cá cơm chứa độ đạm cao, muối mắm rất ngon. Nếu không đánh bắt hết, cá lại đi ra phía bắc, đến tháng 7 lại vào thì gặp nguồn nước mưa xuống, xương cá sẽ bị cứng, không còn ngon nữa. Cái ngon của mắm Nam Ô còn ở vật đựng mắm. Đó là những hũ sành xứ Bàu Trúc. Hầu như nhà nào làm mắm ở Nam Ô cũng sở hữu đôi chục hũ sành như vậy. Muối để muối cá phải là muối Đề Gi (mua từ Bình Định), hạn hữu lắm mới sử dụng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).
Nước mắm Nam Ô nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc và trải qua bao giai đoạn thăng trầm. Ngay trong những năm gần đây, nguồn cá cơm đi từ trong Nam ra chưa đến vịnh Nam Ô đã không còn phong phú. Hiện nay, mỗi năm, Nam Ô chỉ đánh bắt được khoảng 10 tấn cá cơm. Người làm mắm phải đi thu mua cá từ khắp nơi, từ Thọ Quang đến Hội An, thậm chí vào đến Phan Thiết.
Nghề làm mắm Nam Ô từ trăm năm nay không chỉ giải quyết việc làm cho quá nửa làng Nam Ô mà còn lưu truyền một nét văn hóa đặc sắc không dễ gì có được. Có lẽ vậy, người dân ở vùng đất cuối dòng Cu Đê này sẽ suốt đời lưu giữ một nghề chưng cất hương vị mặn mòi ngọt ngon của biển vào mảnh đất này, như cha ông đã suốt đời gìn giữ những di tích thấm đẫm bao dấu tích người xưa.
QUỲNH TRANG