Nghe tôi hỏi, ông Trí, Đinh Văn Trí, trong nhà bước ra chào. Mái tóc ông giờ đã bạc màu, dáng đi không còn cứng cáp như cái cây giữa rừng nhưng nụ cười vẫn pha chút nắng gió miền sơn cước như ngày nào. Ngày trước ông ở thôn Ô Rây, xã Ba, huyện Hiên (nay là Đông Giang), cách thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, khoảng hơn một giờ đi bộ. Trong số bà con Cơtu ở Hòa Phú hiện nay, ông là người “có chữ” nhất, cả cái chữ người Kinh lẫn cái chữ người Cơtu. Ngày còn bé cùng bạn bè kéo nhau băng rừng lội suối theo học thầy Quách Xân, ông mới biết được cái chữ của dân tộc mình được ghi chép ra sao.
Hai già làng Nguyễn Văn Cần thổi kèn Cabluôc (trái) và Đinh Văn Lương kéo đàn Joo. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ |
Thầy Quách Xân, bà con Cơtu thường gọi là Conh Axơớp, là một cán bộ người Kinh ở Đại Lộc lên công tác các huyện miền núi Quảng Nam. Thầy tự học tiếng Cơtu, mày mò nghiên cứu phiên âm tiếng Cơtu thành chữ viết theo mẫu tự La tinh rồi mở lớp dạy học chữ Cơtu cho... bà con Cơtu các huyện Hiên, Giằng (nay là Nam Giang). Đến chừ ông Trí vẫn còn nhớ lời dặn chí tình của thầy Xân lúc đó: “Người Cơtu phải biết viết chữ Cơtu”.
Học trò thì nhiều, nhưng không phải ai cũng viết được chữ Cơtu. Ông Trí nhờ chăm chỉ như con chim sơn ca sớm chiều tập hót nên không chỉ biết chữ Cơtu mà sau còn trở thành giáo viên dạy tiếng phổ thông (tiếng người Kinh) cho đồng bào mình. Gần 10 năm trước, lúc lần đầu tiên tôi gặp ông, ông là Chi hội trưởng Nông dân thôn Phú Túc, còn vô rừng làm rẫy, bứt mây, đốn củi... Thỉnh thoảng lại gặp ông trong những lần giao lưu, liên hoan văn hóa - thể thao dân tộc Cơtu ở Đà Nẵng.
Ông nhìn ra khung cửa tràn ánh nắng mai, nơi đám cháu nội ngoại của ông đang chơi đùa trong vuông sân nhỏ. Ông chừng như trẻ lại trong chiếc áo sơ-mi sọc trắng đứng, ánh mắt chìm vào khúc hát xưa có tựa bằng tiếng Cơtu là “Dưm cây”, nghĩa là Đêm chia tay, được thầy Xân dạy ngày xưa. Đó là bài hát viết lời mới dựa trên giai điệu một khúc dân ca nước ngoài được người Pháp du nhập vào Việt Nam và trở nên khá quen thuộc, thường được cất lên mỗi khi chia tay trong sinh hoạt cộng đồng. Ông khẽ hát bằng tiếng mẹ đẻ rồi giải nghĩa: Đêm nay chúng ta gặp nhau. Mai sẽ đi mỗi người mỗi ngả. Sẽ nhớ nhau. Tất cả anh em hãy bắt tay nhau vui vẻ hát hò. Ngày mai tôi về quê tôi, anh về quê anh. Mặc dù khác quê hương nhưng lòng chúng ta là một…
Cổng nhà Gươl thôn Phú Túc có ghi chữ Cơtu. Ảnh: V.T.L |
Ông được xem là “cái chữ” của người Cơtu Phú Túc. Ngày khánh thành nhà Gươl thôn, ông phụ trách viết biểu ngữ, phía trên là quốc ngữ, phía dưới là chữ Cơtu. Dấu ấn để lại là tấm biển trước cổng, chính tay ông viết cho thợ chạm: Gươl cr-noon Phú Túc (Gươl thôn Phú Túc).
Biết chữ, chính ông là người làm “phiên dịch” khi tôi tìm hiểu về tên gọi những nhạc cụ của người Cơtu do hai già làng Nguyễn Văn Cần và Đinh Văn Lương ở khu tái định cư Hố Chình nắm giữ.
Tôi chạy xe đưa ông đi Hố Chình, vừa tới ngã ba đường nối đường 14G (đường ĐT 604 cũ), đã thấy già Lương lững thững từ xóm trên đi xuống. Chúng tôi kéo nhau về nhà già Cần gần đó. Sau từng ấy năm, sương gió núi rừng đã để lại dấu ấn thời gian trên gương mặt, vóc dáng của những già làng. Nếu ông Trí giữ cái chữ người Cơtu thì già Cần nắm bí quyết làm các nhạc cụ của đồng bào mình.
Nghe tôi hỏi già rồi có còn chơi nhạc nữa không, già Cần mang ra cái kèn Cabluôc, thử lại cái lưỡi gà rồi đưa lên thổi lấy giọng. Tôi lần đầu biết đến cái kèn làm bằng sừng trâu được cắt phần nhọn rồi mài mỏng ra này 12 năm trước, khi đó ông đăng ký tên Alăng Cần, dự thi và đoạt Huy chương vàng Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và Gặp gỡ cụ ông, cụ bà đẹp lão thành phố Đà Nẵng lần thứ ba năm 2004.
Già Lương về nhà mang tới cây đàn Joo (có nơi gọi là Abel), giống như đàn cò của người Kinh, thân là một đoạn tre lồ ô dài khoảng 2 gang tay, có sợi chỉ một đầu buộc vào đàn, một đầu buộc vào một vẩy trút. Khi đàn phải ngậm vẩy trút vào miệng, giữ sợi chỉ căng ra, vừa đàn vừa hát. Ông Trí bảo, khi muốn thổ lộ tình yêu của mình với người con gái mà không nói nên lời thì con trai Cơtu mượn cây đàn Joo để tâm sự. Vì thế, người Cơtu nó là “cây đàn tình yêu”.
Ngày trước, cha của già Cần vẫn thường dặn, miệng muốn nói cái chi, bụng ưng cái chi thì lấy kèn, lấy sáo mà thổi, lấy đàn mà khảy. Trai gái Cơtu ngày trước phải lòng nhau không phải vì giữa nhà có nhiều kèo, nhiều cột, trong nhà có nhiều chiêng, nhiều ché mà bởi tiếng sáo, tiếng kèn. Nói rồi, già Cần mang ra cái Rahem, một loại sáo thổi dọc, được làm bằng ống nứa, cũng là một loại nhạc cụ để bày tỏ tình yêu đôi lứa.
Con trai, con gái buổi sáng lên nương lên rẫy làm mùa, buổi tối rủ nhau về nhà Gươl hát lý, hát giao duyên. Những đàn, những sáo hòa với tiếng lòng của lứa đôi làm ấm những con tim bên bếp lửa. Ông Trí đưa cái Rahem lên thổi một điệu sáo rồi hát một khúc giao duyên: “Kìa cô gái xinh xinh ơi. Em ngồi bên suối, anh ngắm nhìn mãi mà lòng không chán. Đôi chân em đẹp lắm. Em như lá dong rừng. Bắp chân em như đẹp như quả chuối vàng. Hỡi người thương ơi. Bàn tay em đẹp lắm, đẹp tựa búp măng rừng, làm lòng anh say đắm”.
Buổi trưa đầy nắng. Tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng kèn tràn ngập sân nhà già Cần. Con trai, con gái Cơtu đi ngang qua, nhoẻn miệng cười. Chợt nhớ tiếng kèn Cabluôc ma mị của ông Trần Văn Khiêm ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, hôm nào. Làn hơi khỏe khoắn trải đều lên lưỡi gà, phát ra tiếng trầm đục âm vang cả núi rừng. 7 giờ sáng gọi mọi người lên rẫy; 3 giờ chiều vừa báo mọi người về, vừa cho ở nhà biết tin lo cơm nước. Ngày trước, ông Khiêm bảo, mỗi khi đi săn được heo rừng cũng “hú” bằng kèn để báo tin vui cho cả làng.
Cách Giàn Bí một con sông là thôn Tà Lang, có bà Trương Thị Ríp. Lúc bà còn sống, tôi thường ghé lại thăm, không quên hỏi thăm về hai người cháu của bà từng biểu diễn nhiều nơi đàn Tămbet Alui và đàn Tămbet T’rươl, hai loại đàn truyền thống của người Cơtu.
Các loại kèn, sáo, đàn, trống, tạ, toỏng... làm nên hồn vía trong đời sống tinh thần dân tộc Cơtu ở Đà Nẵng đang dần đi vào quá khứ. Già Cần hồi ở thôn Tống Cói, xã Ba, từng dạy tiếng phổ thông cho đồng bào mình. Giờ đây, vào tuổi ngót nghét chín mươi, có lúc già dành tâm huyết vào việc truyền thụ các ngón nghề kỹ thuật làm các loại nhạc cụ cho lớp trẻ, nhưng lực bất tòng tâm.
Ông Trí đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, trên đường về, ông bảo sau ông không còn ai giữ cái chữ của người Cơtu nữa. Bên nhà hàng xóm vọng lại bài hát Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây với cách hòa âm, phối khí rất hiện đại. Ông đẩy ly trà ướp sen lại phía tôi, giọng đượm buồn: Phải chi tụi trẻ chừ mê một phần mười cái vốn cổ của ông cha mình thì hay biết mấy!...
Dân tộc Cơtu Đồng bào dân tộc Cơtu (còn gọi Ca Tu, Ka Tu) là một bộ phận trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, chủ yếu sống tập trung ở vùng núi phía tây tỉnh Quảng Nam, tây nam tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng; một số ít sinh sống ở vùng Tây Trường Sơn thuộc nước bạn Lào. Theo kết quả điều tra dân số năm 2009 của Tổng cục Thống kê, dân số Cơtu có 61.588 người. Thành phố Đà Nẵng, tính đến thời điểm 31-3-2016, có 1.167 người Cơtu sống ở hai xã Hòa Phú (thôn Phú Túc) và Hòa Bắc (thôn Tà Lang, thôn Giàn Bí). Đồng bào Cơtu có tiếng nói thuộc ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với tiếng Tà Ôi, Bru - Vân Kiều. Chữ viết ra đời từ thời kỳ trước năm 1975, trên cơ sở dùng chữ La-tinh để phiên âm, nhưng nay ít người sử dụng. Người Cơtu có nhiều truyện cổ kể về sự tích, về xã hội con người, về sự phát sinh các dòng họ... Trong lễ hội thường trình diễn múa tập thể: nữ múa Ya ya, nam múa Ting tung. Nhạc cụ thường thấy là bộ chiêng 3 chiếc, cồng 1 chiếc, trống, sáo, kèn, đàn. Trong suốt thời gian qua, cộng đồng người Cơtu đã sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của dân tộc mình về mặt trang phục, âm nhạc, lễ hội, phong tục tập quán. Những nét văn hóa ấy đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam. P.V (tổng hợp) |
VĂN THÀNH LÊ