Bây giờ ra đường, rất dễ bắt gặp nhiều em mặt non choẹt nhưng trang điểm đậm, ăn mặc gợi cảm, cố tình ưỡn ẹo trước ống kính máy ảnh…
Tuổi học trò với áo trắng tinh khôi (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: PHAN NGUYỆT |
Nỗi niềm biết tỏ cùng ai
Một lần, cô bạn dạy cùng trường gọi điện than thở: “Chị ơi, hai đứa con gái em giống ai mà điệu rớt, điệu rơi. Em đến khổ vì chúng nó. Sáng dậy, mất cả tiếng đồng hồ chọn váy, thắt bím, mang giày… Áo này, quần nọ đến rối tung cả nhà. Hôm qua còn không chịu đi nhà trẻ vì em không cho sơn móng tay, móng chân như mấy bạn trên lớp Mầm…”.
Thế đấy, việc làm đẹp bây giờ không còn là đặc quyền của người lớn hay mấy cô con gái tuổi trăng rằm mà lây sang cả trẻ mẫu giáo.
Việc học sinh các cấp, từ mẫu giáo đến bậc phổ thông biết làm đẹp bằng cách trang điểm, sơn móng, uốn/nhuộm/duỗi tóc, nối mi, xăm mày… khi đến trường đã là chuyện xưa như trái đất. Trong cặp của học sinh nữ hôm nay không có ô mai, xí muội hay những tập thơ nồng nàn mực tím mà là gương lược, son phấn, kem chống nắng, nước hoa… Thỉnh thoảng, trong giờ học, các người-đẹp-trẻ-con này thản nhiên lấy son ra dặm lại màu môi, tô lại màu mắt hay lấy điện thoại chụp hình “tự sướng”.
Không chỉ làm đẹp mọi lúc mọi nơi, mà nữ sinh ngày nay còn bắt kịp xu hướng cái đẹp gợi cảm, nóng bỏng, và vô cùng hiện đại. Nếu mốt xuyên thấu làm mưa làm gió trên các sàn diễn thời trang thì đâu đó ở các trường cũng có sự cạnh tranh khốc liệt trong giới kẹp tóc. Thỉnh thoảng, vẫn có những tà áo trắng trong suốt, không mặc thêm áo lót bên trong, phô diễn toàn bộ nội y ren rua, hoa lá… Cá biệt, có nữ sinh cố ý mặc nội y màu xanh đỏ tím vàng rất phản cảm làm hỏng cả vẻ đẹp tinh khôi của tà áo trắng tuổi học trò.
Không chỉ phe kẹp tóc mới săm soi làm dáng mà cả dân húi cua cũng tham gia không kém phần quyết liệt vào cuộc đua thời trang. Những quả đầu ủy mị kiểu tài tử xứ Hàn, hay mạnh mẽ, phóng khoáng của các siêu sao bóng đá như Beckham, Ronaldo, đến kiểu sọc dưa, để chỏm, buộc đuôi của các sao Việt đều được nam sinh “học tập” và trình diễn nhiệt tình ở sân trường, lớp học. Những bộ đồng phục được biến tấu theo các mốt cạp trễ, đáy ngắn, ống tuýp, xắn cao… Áo thì ôm trọn cơ thể đến mức không dám thở mạnh vì sợ... bung nút!
Nhiều thầy cô giáo than phiền rằng mỗi lần lên lớp như đi xem sô diễn thời trang của học sinh. Thay vì tham gia cuộc đua trí tuệ, thì nay học sinh đổ xô cạnh tranh về nhan sắc, độ “chịu chơi”.
Lo lắng… không thừa
Sinh ra một cô con gái đẹp, được nhiều người xuýt xoa khen ngợi thì không ông bố, bà mẹ nào lại không thấy tự hào và hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng trước việc con trẻ có ý thức làm đẹp từ quá sớm như trang điểm quá đậm, ăn mặc gợi cảm, cố tình ưỡn ẹo trước ống kính máy ảnh… là điều khá phổ biến hiện nay.
Nhân tố đầu tiên tạo “cơ hội” cho bé điệu đà phải kể đến sự nuông chiều con của các ông bố, bà mẹ. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc con trẻ chưng diện cũng là một hình thức thể hiện sĩ diện và bộ mặt của gia đình. Nhưng có mấy bậc cha mẹ nào thấy được hậu quả lâu dài tác động đến trẻ. Đã có không ít học sinh sa vào trộm cắp, bán mình chỉ vì một cái túi hàng hiệu, một cái váy thời trang, hay chiếc điện thoại di động đắt tiền…
Có thể thấy rằng, hiện tượng làm đẹp quá đà, không phù hợp với lứa tuổi học trò thường tập trung ở độ từ 13 đến 18, đều là những học sinh các bậc học THCS, THPT. Đây là độ tuổi đang phát triển, trẻ luôn tò mò khám phá và học hỏi những thứ xung quanh. Vì vậy phụ huynh cần hướng dẫn cho con em mình chọn thần tượng đẹp, có tác động đến đời sống, sinh hoạt của con trẻ. Phải cho các em hiểu, việc làm đẹp không có gì sai trái nhưng nếu quá đà, không phù hợp với lứa tuổi, hoàn cảnh sống sẽ đưa đến phản cảm, thậm chí ảnh hưởng đến nhân cách sống.
Mặt khác, cũng không quên nhắc đến vai trò của mạng xã hội. Trước đây nếu Facebook, Zalo… được dùng để chia sẻ các tâm sự, chuyện trò giữa bạn bè với nhau thì ngày nay các “teen girl”, “soái ca” 10X này lại liên tục đăng tải lên mạng những hình ảnh của mình “đẹp lung linh”, “cực dễ thương”, được nhiều người biết tới… Việc này đã kích thích tính ưa chưng diện, trang điểm quá đà để có những bộ ảnh mà giới học trò cho là đẹp.
Trở lại than thở của cô giáo có hai con gái nhỏ đang tập tành chưng diện, có thể thấy rằng, những lo lắng ấy không chỉ mang tính cá nhân mà còn là nỗi niềm chung của các bậc phụ huynh. Nên chăng, các bậc cha mẹ cần nhìn lại việc định hướng giáo dục con cái. Đừng vì sĩ diện hão, quá nuông chiều hay hời hợt trong giáo dục mà vô hình trung tiếp tay cho trẻ đánh mất vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng; thậm chí gián tiếp đẩy trẻ vào con đường lệch lạc về nhân cách…
NHƯ HẠNH