Sống ở bìa rừng, góc núi, nhưng vẫn còn trên 100 hộ dân đồng bào dân tộc Cơtu thiếu đất rừng để sản xuất phát triển kinh tế gia đình.
Chăn nuôi trâu, bò mang lại nguồn thu nhập cho bà con dân tộc Cơtu. Ảnh: T.Y |
Người đẻ nhưng đất không đẻ
Ngồi giữa căn nhà ngói tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, Trưởng thôn Đinh Văn Nhôm đưa bàn tay xù xì, gai góc lên nhẩm tính, toàn thôn có 137 hộ gồm 547 khẩu nhưng chỉ còn 8 hộ nghèo. Nghe thì oai lắm, nhưng thực chất có khoảng 50% hộ đang sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn vì kinh tế rừng ngày càng kém hiệu quả. Ngoài cây lúa mỗi năm trồng được vụ Đông Xuân với năng suất khi trồi, khi sụt, thì đất phải bỏ hoang vì thiếu nước, không cây hoa màu nào sống nổi. Trong khi đó, đất rừng chỉ trồng được keo lai, dự án trồng cây mây nước đã chết yểu. Ông buồn bã nói, việc thoát nghèo của thôn nằm trong chỉ tiêu do xã đặt ra chứ thực chất, đời sống của người dân vẫn còn cực lắm.
Để chứng minh điều mình vừa nói, ông Đinh Văn Nhôm dẫn chúng tôi đến nhà vợ chồng anh Đặng Thà (1984) và chị Đinh Thị Nghiêu (1982) ở cách đó không xa. Bấy giờ đồng hồ đã chỉ đến con số 10, nhưng nhà anh chị Thà - Nghiêu cửa vẫn im ỉm đóng. Sau một hồi gõ cửa, anh Thà ra mở cửa đón chúng tôi trong trạng thái còn đang ngái ngủ. Anh gật đầu chào trưởng thôn rồi mời chúng tôi vào nhà, gãi đầu phân trần “hôm nay chẳng có ai kêu làm việc gì nên ở nhà ngủ thôi”. Theo lời trưởng thôn Nhôm, thì hộ anh chị Thà và Nghiêu là 1 trong 40 hộ dân thôn Phú Túc hiện không có đất rừng, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào việc làm thuê hay vào rừng đốn mây, chặt củi. Mỗi bó củi giá chừng 2.000 đồng. Tiền bán mây thì khá hơn chút đỉnh, giá chừng 4.000 đồng/ký, hai vợ chồng đi từ sáng sớm đến chiều tối chặt được khoảng 40 ký mây. Nhưng mây đâu phải lúc nào cũng ở đó chờ vợ chồng Thà, làng Phú Túc có đến 20, 30 người thường xuyên vào rừng chặt mây như thế.
Gia đình Thà - Nghiêu thuộc diện cận nghèo, công việc không ổn định nhưng đang nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ nhất tuổi cũng vừa lên 4. Hai đứa đầu, tiền ăn học đã có Nhà nước trợ cấp. Đứa nhỏ đi học bán trú chừng 400.000 đồng mỗi tháng nhưng tháng đầu dẫn con đi học, cô giáo báo phải nộp 1,2 triệu đồng mua vật dụng đầu năm, hai vợ chồng không có tiền, đành đăng ký cho con học thường, buổi trưa cứ canh giờ con sắp ăn để đến trường đón con về, tầm 14 giờ mang con qua trường tiếp tục gửi cô.
Nhìn thằng bé gầy đét, về về đi đi dưới cái nắng hầm hập, Nghiêu cũng xót con lắm, nhưng ở lại thì tiền đâu trả cho trường. Ngay cả căn nhà Thà và Nghiêu đang ở, Nhà nước cũng cho tiền xây. Đợt đầu 20 triệu đồng vào năm 2009, họ xây vội căn nhà nhỏ chừng 30 mét vuông, không cửa nẻo, tận dụng ngói cũ người ta cho để lợp mái. Đợt 2 cũng 20 triệu đồng hồi năm 2015, có tiền, Thà sửa sang lại căn nhà, thay mái ngói mới, làm cửa, lót gạch hoa, nhà cửa nhìn ổn hơn trước nhiều, nhưng hai vợ chồng vẫn nghèo khi việc làm chẳng mấy ổn định.
Ông Nhôm lắc đầu quay sang tôi bảo: Đấy, vợ chồng chúng nó mới chỉ là diện cận nghèo mà có lúc chạy sang tôi báo bữa ni không có tiền đong gạo. Thế thì cô thử nghĩ, mấy cái hộ nghèo trong thôn tôi, cuộc sống của họ thế nào?!
Cũng theo ông Nhôm, cái bất hợp lý trong việc xét thoát nghèo hiện nay tại các xã miền núi là người ta lấy thu nhập (ước chừng – P.V) từ cây keo để chia bình quân đầu người trong hộ gia đình, nếu đạt chuẩn thì thoát nghèo. Nhưng họ không nghĩ, tuổi đời của cây keo là 5 năm. Trong 5 năm ròng đó, người Cơtu ăn tiêu bằng gì, chưa kể mưa to gió lớn có thể làm keo gãy đổ bất cứ lúc nào. Khó khăn thường nhật và rủi ro đó không ai tính.
Tương tự với câu chuyện ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú là chuyện ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc… Ví dụ thôn Giàn Bí có 147 hộ (trong đó có 145 hộ đồng bào Cơtu) thì có hơn 50 hộ dân không có đất sản xuất. Thanh niên đến tuổi lập gia đình, tách hộ ra ở riêng không có đất trồng rừng, cuộc sống người nào người nấy cũng khó khăn.
Anh Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí khẳng định, nếu có đất rừng, đời sống người dân địa phương chắc chắn sẽ ổn định. Anh đơn cử hộ ông Phan Văn Cập (sinh năm 1975) từng rơi vào hộ nghèo vì 4 đứa con lần lượt ra đời. May mắn thay, Dự án 661 (trồng mới 5 triệu ha rừng trên toàn quốc) đến với bà con Cơtu, Cập được cấp 3ha rừng để tự trồng và khai thác. Nhờ chăm chỉ trồng rừng, chăm bón, kết hợp với nuôi thêm con bò, con trâu, Cập dần trở thành hộ có kinh tế khá trong thôn. Cách đây 5 năm, Cập thoát nghèo bền vững. Nay, ở tuổi 41, Cập có căn nhà xây gần 300 triệu đồng, 3ha cây keo lai, có đàn trâu gần 10 con, con cái đứa nào cũng được đến trường.
Trưởng thôn Phú Túc Đinh Văn Nhôm đang trẩy mấy nhánh tre để tạo lực cho măng non phát triển. |
“Của để dành” của người Cơtu
Trước thực trạng người dân không có đất trồng rừng phát triển kinh tế, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa VIII (năm 2015), cử tri xã Hòa Phú đề nghị thành phố có chủ trương giao đất rừng lau lách ở các tiểu khu 56, 57, 58 để dân trồng rừng nhằm phát triển kinh tế rừng, hạn chế cháy rừng và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, sau đó UBND thành phố đã có văn bản trả lời rằng, diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại 3 tiểu khu nói trên được quy hoạch là rừng sản xuất và rừng phòng hộ sông Lỗ Đông. Diện tích này điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho người dân trồng rừng như xa đường ĐT 604, độ cao tuyệt đối ≥ 400m, độ dốc lớn.
Mặt khác, theo quy định tại Quyết định số 7262/QĐ-UBND ngày 14-10-2014 và Quyết định số 7270/QĐ-UBND ngày 14-10-2014 của UBND thành phố, diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại các tiểu khu 56, 57 và 58 hiện nay do UBND xã Hòa Phú quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, tạm thời UBND thành phố chưa có chủ trương lập Đề án giao rừng và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tập hợp hồ sơ, chuẩn bị nội dung báo cáo về UBND thành phố.
Trên địa bàn xã Hòa Phú và Hòa Bắc, từ sau năm 1980 đến nay có nhiều dự án lâm nghiệp (trồng rừng) như dự án PAM, Chương trình 327, Dự án 661 và các dự án lâm nghiệp khác. Nhìn chung trong khoảng thời gian nhất định các dự án đã đem lại hiệu quả nhất định như tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư của địa phương, góp phần tăng độ che phủ rừng, giảm nhẹ thiên tai và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như bão, lũ, cháy rừng và một số đối tượng đã khai thác và lấn chiếm đất rừng trái phép, diện tích rừng trồng PAM và chương trình 327 hiện nay không còn. Diện tích rừng trồng nguồn vốn Dự án 661 (hỗn giao keo và cây bản địa) trồng từ năm 1999 - 2006, Chi cục Kiểm lâm đã phân giao trách nhiệm quản lý bảo vệ cho Hạt Kiểm lâm Hòa Vang từ năm 2012 đến nay.
Trong khi đó, riêng trên địa bàn xã Hòa Bắc, thành phố hiện đã có quyết định giao khoán đất rừng cho người dân quản lý, sử dụng. Trưởng thôn Tà Lang Đinh Văn Cư cho biết, có khoảng 107 hộ thuộc 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí đã được cấp đất rừng tại 4 tiểu khu 24, 19, 25 và 27, bình quân mỗi hộ từ 2-3ha. Đây là khu vực rừng nghèo, chủ yếu cây bụi. Việc trồng cây keo lai nếu suôn sẻ, mỗi ha bà con thu lợi nhuận từ 30 đến 40 triệu đồng, trở thành “của để dành” gửi ở rừng, ở núi.
Không thể cứ mãi trông chờ vào những cây keo lai đang lớn từ từ, nhiều hộ gia đình Cơtu tập trung vào chăn nuôi trâu, bò, trồng tre lấy măng, vào suối bắt ốc khe… Trung bình mỗi thôn hiện có từ 100 đến 300 con bò và hàng chục con trâu ở tuổi trưởng thành. Được biết, thói quen chăn nuôi của bà con là thả bò vào rừng. Vài ba ngày, thậm chí 1 tuần mới vào rừng trông nom chúng một lần.
Nếu bà con Tà Lang, Giàn Bí thường thả bò ở khu vực sông Bắc, vườn Mít xa nơi sinh sống hơn 20km thì bà con Phú Túc lại chọn khu vực đồi Nắp Vung, Hòa Phú Thành, núi Hàng Dồng cách nhà non chục cây số… Mỗi khu vực thường tập trung vài chục con kiếm ăn theo từng nhóm. Cách chăn thả này tiết kiệm sức lao động, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Ông Đinh Văn Nhôm chia sẻ, khoảng 10 năm chăn thả theo cách đó, ông mất hơn 10 con bò do đi lạc hoặc rớt hầm, rớt hố, kẹp chân vào vách đá…
Trong lúc đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, một hai năm trở lại đây, Công viên suối khoáng nóng Thần Tài nằm ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa xây dựng tại thôn Phú Túc đi vào hoạt động, đã giúp một số thanh niên tìm được việc làm. Với công việc bốc xếp, bảo vệ, tưới cây, dọn cỏ rác…, mỗi ngày họ được trả 200.000 đồng.
Ông Nhôm bảo, không biết đây là tín hiệu vui hay buồn bởi dự án mọc lên nhiều, thì đất rừng cho người dân khai thác ngày càng bị thu hẹp. Có lẽ, câu nói “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” không mới nhưng chẳng bao giờ cũ. Tuy nhiên, có đất rừng vẫn còn có nơi để họ dựa vào mà kiếm cái ăn, cái tiêu. Không rừng, bàn tay người Cơtu trở nên thừa thãi và sự nghèo khó, chắc chắn sẽ còn quẩn quanh nơi chái bếp, dù đã được bê-tông hóa phần nào.
TIỂU YẾN