Vài năm trở lại đây, tầm 5 giờ sáng, trên các cung đường đẹp của thành phố Đà Nẵng như Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng, Lê Văn Hiến, Võ Chí Công hoặc tại khu vực Bán đảo Sơn Trà thường xuyên có những nhóm người đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi đi xe đạp thể thao như một hình thức tập thể dục, giải trí lành mạnh và có lợi cho sức khỏe.
Các tay đua đổ dốc trong giải đua Chinh phục đỉnh núi Sơn Trà lần thứ 6. Ảnh: MINH PHƯƠNG |
Những “a zành” mê xe đạp
Bắt đầu bằng việc rèn luyện sức khỏe, đến nay ông Nguyễn Văn Xuân (87 tuổi), phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê có gần 20 năm rong ruổi cùng xe đạp. Đều đặn mỗi ngày, trừ thời điểm mưa gió, từ 5 giờ sáng ông đã ra khỏi nhà cùng chiếc xe đạp mà mình yêu quý. Theo lịch trình, mỗi thứ hai, tư và sáu, ông Xuân đi từ đường Nguyễn Hoàng đến điểm tập kết tại cầu Thuận Phước (hoặc cầu Rồng) rồi cùng nhóm bạn xuôi theo đường Nguyễn Tất Thành lên hướng Xuân Thiều, thẳng tiến Nam Ô, sau đó ngược về phố. Để tránh nhàm chán bởi những lối mòn quen thuộc, các ngày còn lại trong tuần, nhóm ông Xuân chọn lịch trình men theo dòng sông Hàn về hướng Cổ Cò; riêng ngày chủ nhật chọn tuyến đường Hoàng Văn Thái lên Bà Nà. Mỗi ngày như thế ông Xuân đạp chừng 30 cây số rồi kết thúc bằng một ly cà-phê cùng nhóm bạn trước khi về lại nhà.
Ở thời điểm hiện tại, ông Xuân là cua-rơ lớn tuổi nhất trong giới đi xe đạp phong trào ở Đà Nẵng. Trong bộ đồ chuyên dụng dành cho cua-rơ chuyên nghiệp, trông ông vẫn tráng kiệt với bộ râu dài, lưng thẳng và đôi chân vững chắc. Ông kể, từ năm 1997, khi thành phố bắt đầu rục rịch với vô vàn dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, ông đã thích đạp xe ra khỏi nhà mỗi sớm để quan sát, nhìn ngắm phố phường. Khi ấy, vòng xe của ông chỉ dừng lại trên các con đường ở bờ tây sông Hàn. Ngày cầu Sông Hàn khánh thành, ông là một trong số ít người đầu tiên chọn cách thưởng thức cái ban mai nắng sớm khi chậm rãi đạp xe qua cầu, đi về biển Mỹ Khê với niềm vui căng tràn trong ngực. Ở tuổi “xưa nay hiếm” trong giới mê xe đạp thể thao, ông Xuân hóm hỉnh bảo rằng người bạn thân thiết nhất của ông là 2 chiếc xe đạp: một để leo núi, một đi đường trường. Và cùng với nó, ông rong ruổi khắp các con đường ở thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam hay xa hơn là tham gia nhiều cuộc đua xe đạp phong trào, không chuyên khác được tổ chức ở Nghệ An, An Giang…
Khoảng năm 1998, Đà Nẵng hình thành trào lưu đạp xe phong trào, cùng nhau về sinh hoạt tại mái nhà chung mang tên: CLB Xe đạp thể dục thành phố Đà Nẵng. Hội viên của CLB đa phần ở độ tuổi trên 50 và mỗi con đường ở Đà Nẵng trở thành đường đua giúp họ rèn luyện thể lực, sự dẻo dai và tinh thần chịu đựng để vượt qua chính rào cản của bản thân. Để phù hợp với sức khỏe và phương pháp luyện tập, từ CLB này đã hình thành nên 16 nhóm mang những cái tên cũng rất phong trào: nhóm A Zành (được dịch là Anh Già), nhóm VCL (Vui Cả Làng), nhóm Bãi Bụt (chuyên đạp xe ở Bán đảo Sơn Trà), nhóm NBH (ngã ba Huế)…
Mỗi nhóm mang một hình ảnh, màu sắc khác nhau trên hành trình chinh phục chính mình. Đơn cử, ngoài ông Xuân, nhóm A Zành còn có khoảng 30 hội viên khác, đa phần ở độ tuổi từ 65 đến 75. Dù không đủ sức để đẩy tốc độ lên 40, 50km/giờ nhưng nhóm A Zành vẫn kiên trì ở mức 30-35km/giờ. Ngoài tình bạn thân thiết thì sức khỏe là điều mà những A Zành nhận được kể từ khi đồng hành cùng xe đạp.
Sau vài năm chăm chỉ đạp xe, ông Trần Quang Trường (65 tuổi), thành viên nhóm A Zành thấy rõ sức khỏe bản thân ngày càng cải thiện nên không ngần ngại bảo con trai – anh Trần Tất Đạt (27 tuổi) – cùng tham gia. Ngày trước, ngoài hạn chế về sức khỏe, chiều cao, anh Đạt còn khổ sở với cân nặng 70kg khiến cơ thể nặng nề, bệ rạc. Sau thời gian đồng hành cùng cha, Đạt giảm xuống còn 65kg và quyết định gắn bó dài lâu với bộ môn này.
Chinh phục đỉnh Sơn Trà
Xe đạp được liệt vào nhóm môn thể thao mạo hiểm, đặc biệt với ai chọn bộ môn xe đạp địa hình. Do đó, đa phần những cua-rơ đến với xe đạp vì đam mê hay vì sức khỏe thì với họ, Bán đảo Sơn Trà vẫn luôn là điểm đến ưa thích bởi phong cảnh hữu tình cũng như độ khó ở mỗi con dốc, mỗi khúc cua lên núi.
Anh Đinh Hùng, Chủ nhiệm CLB Bãi Bụt MTB gồm 30 hội viên chia sẻ sau một thời gian làm quen với môn xe đạp, khi cảm thấy mình “thừa sức” ở các cung đường bằng phẳng, các cua-rơ sẽ nghĩ ngay đến Bán đảo Sơn Trà để tiếp tục chặng đường rèn luyện và thử thách chính mình. Đường lên Bán đảo Sơn Trà là những con dốc dài, liên tiếp nhau hàng trăm mét, thậm chí có những con dốc độ cao gần 700m so với mực nước biển. Những ngày đầu làm quen, không ít cua-rơ phải bỏ cuộc giữa chừng vì sức khỏe và thể lực không cho phép.
Bắt đầu đạp xe từ năm 2000 và nhanh chóng chinh phục Bán đảo Sơn Trà ở thời điểm đó, anh Hùng trở thành một trong số ít người hiếm hoi “dám” một thân một mình đạp xe lên núi Sơn Trà. Mỗi tuần, anh bỏ nguyên 1 ngày chủ nhật để lên núi. Vừa đạp, vừa dắt, vừa dừng nghỉ để ngắm cảnh và quan sát thiên nhiên, muông thú. Nhận thấy sức khỏe cải thiện, đặc biệt là căn bệnh khớp giảm rõ rệt, anh càng chăm chỉ luyện tập và Bán đảo Sơn Trà luôn là bài toán khó để anh vượt qua.
Với người đi xe đạp địa hình, đường càng khó càng mê bởi nó rèn luyện độ dẻo dai và sức bền cơ thể. Và, chuyến đi nào càng bầm dập lại càng thú vị. Mới đây nhất, ngày 18-9, CLB Bãi Bụt MTB tiếp tục tổ chức giải đua Chinh phục đỉnh núi Sơn Trà lần thứ 6 với sự tham gia của hơn 100 cua-rơ đến từ các CLB thuộc Hội Xe đạp thể thao thành phố Đà Nẵng. Dù trong suốt các chặng đua chinh phục đỉnh Bàn Cờ, trạm Ra-đa… không ít tay đua phải chấp nhận dắt bộ để vượt dốc, căng cơ phải nhờ đến sự hỗ trợ của đồng đội. Tuy nhiên, vượt qua nhiều trở ngại, sự thành công của giải đấu phần nào thể hiện sức hấp dẫn của Bán đảo Sơn Trà và niềm vui sướng của mỗi cua-rơ khi chinh phục được địa danh này.
Ở tuổi 87, ông Xuân (thứ 2 từ phải qua) hằng ngày vẫn chinh phục khoảng 30km đường trường bằng xe đạp. Ảnh: TY |
Phát triển từ phong trào rèn luyện cơ thể
Trái ngược với suy nghĩ chỉ người nghèo mới đi xe đạp, hiện nay, phong trào chơi xe đạp thể thao đang phát triển khá rầm rộ tại Đà Nẵng. Anh Trần Hữu Dũng, nguyên Chủ tịch CLB Xe đạp thể dục thành phố Đà Nẵng cho biết rất nhiều thành viên trong CLB đang sở hữu những con xe hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn USD. Chiếc xe ngon không chỉ ở sự “nguyên đai nguyên kiện”, mà còn ở những phụ tùng thay thế để “bốc” hơn, lạ hơn. Kèm với xe đạp là quần, áo, tất, găng tay, mũ bảo hiểm cũng được mua ở những thương hiệu lớn. Trung bình một bộ đồ có giá vài triệu đồng.
Với môn thể thao cần sự vận động như xe đạp, thì những bộ đồ cao cấp không chỉ thể hiện đẳng cấp mà còn giúp giữ ấm cơ thể, thấm mồ hôi và thoát nhiệt nhanh chóng. Vì lẽ đó, vào những ngày đông lạnh lẽo, những tay đi xe đạp vẫn quần soọc, áo cộc tay nhẹ nhàng đạp xe lướt qua giữa bao người. Anh Nguyễn Thanh Bình, hội viên CLB VCL cho biết bản thân trước đây nặng 85kg, cộng thêm bệnh đau cột sống nên việc đi lại khá khó khăn. Anh từng thử các môn bơi lội, chạy bộ, đi bộ thể dục nhưng vẫn không hiệu quả. Rồi anh đến với bộ môn xe đạp như một cách để cải thiện sức khỏe. Từ cột mốc này, anh Bình giảm gần 20kg, thường xuyên chinh phục tốc độ 40 - 50km/giờ. Với thành tích này, anh Bình giành được nhiều giải thưởng trong các giải đua xe đạp phong trào như giải nhất Giải Chinh phục Ông Tiên Đà Nẵng mở rộng năm 2015 và giải nhất Giải Xe đạp đường trường Huế mở rộng năm 2016…
Anh Phạm Đức Cường, người khởi xướng CLB VCL (một CLB thiên về tốc độ) cho biết hầu hết các thành viên của CLB đều đạt tốc độ trên 41 trong quá trình luyện tập và tốc độ quyết định khi cán đích đạt trên 60km/giờ. Mỗi ngày, nhóm này chạy gần 50km chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. Càng ngày, tốc độ của nhóm càng được đẩy lên cao. Anh cho biết, những ai không có sự chuẩn bị tốt thì dễ bị đồng đội bỏ lại phía sau. Ngoài ra, với những ai đam mê đạp xe tốc độ, thì quá trình đua, rút phải có chiến lược cụ thể. Chưa tính đến chuyện chỉ cần một chút sơ sẩy là dễ dàng xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.
Để tiếp tục khuyến khích loại hình thể dục – thể thao này phát triển, mới đây, UBND thành phố quyết định cho phép thành lập Hội Xe đạp thể thao thành phố Đà Nẵng. Chị Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội, cho biết mục tiêu của Hội là cùng nhau xây dựng và phát triển phong trào đạp xe thể thao của thành phố nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, có lợi cho sức khỏe, môi trường. Ngoài vấn đề chuyên môn, thời gian qua Hội cũng tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, đạp xe đồng hành… Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần các hội viên bị bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn thường xuyên đạp xe rèn luyện sức khỏe để vượt qua bệnh tật.
Dù chỉ là đạp xe thể thao theo phong trào, nhưng đã có rất nhiều giải đua chất lượng được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm cua-rơ như Chinh phục đỉnh đèo Hải Vân, Chinh phục Thiên hạ đệ nhất hùng quan, giải xe đạp tranh Cúp Bà Nà Hills… Cùng với chất lượng ngày càng chuyên nghiệp, con số hội viên cũng phát triển lên gần 500 người. Đây được xem là tiền đề tốt để trong tương lai, Đà Nẵng mạnh dạn bứt phá, đầu tư nhằm hình thành nên một đội xe đạp đua chuyên nghiệp đủ tài và lực tham dự những giải đua lớn trong nước và quốc tế.
TIỂU YẾN