Việc đến các lớp thể dục 2 tiếng mỗi tuần ở trường cũng sẽ không hiệu quả nếu gặp phải môn học không đúng sở thích, khả năng của các em. Đà Nẵng đang thí điểm việc dạy môn thể dục theo chuyên đề và tiến tới triển khai đại trà ở nhiều cấp học đã và đang tạo một cách nhìn mới, một nền tảng mới giúp nâng cao thể lực cho học sinh, sinh viên.
Sinh viên Đại học Đà Nẵng tham gia giải bóng chuyền năm 2015. (Ảnh Đại học Đà Nẵng cung cấp) |
Hai trường THPT ở Đà Nẵng là chuyên Lê Quý Đôn và Ngô Quyền đã áp dụng việc dạy môn thể dục theo chuyên đề nhằm giúp học sinh (HS) chọn học theo năng khiếu, sở thích của các em, nâng cao hiệu quả của giờ học thể dục, và môn học không còn là “môn phụ”, các em học một cách đối phó. Trong năm học mới này, một số trường THCS cũng được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích dạy thể dục theo chuyên đề, tùy vào khả năng của từng trường. Riêng quận Hải Châu vào năm học mới này có 3 trường THCS dạy thể dục theo chuyên đề là: Lý Thường Kiệt, Tây Sơn và Nguyễn Huệ.
Minh Anh, cựu học sinh Trường THPT Ngô Quyền thừa nhận, thời đi học, môn thể dục là một trong những môn em học rất yếu. Thậm chí hồi năm lớp 8, em và một nhóm bạn trong lớp nhờ thầy dạy thể dục phụ đạo thêm môn thể dục ngoài giờ học mới vượt qua được kỳ thi cuối năm, nhưng mà điểm vẫn “lẹt đẹt”. Lên THPT, môn thể dục của Minh Anh cũng không khá lên bao nhiêu. Sau đó vào học Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), trường có sân đa năng, em được học môn bóng rổ và thấy mình “cũng không đến nỗi, trước đây điểm môn thể dục kém là do học mấy môn không hợp với khả năng”. Biết được ngôi trường mình học ngày xưa giờ các em HS được chọn môn thể dục, Minh Anh cứ tiếc sao hồi mình học không được chọn như thế, nếu không thì chiều cao, sức khỏe của cô sinh viên (SV) năm 3 này đã khá hơn bây giờ nhiều.
Cách đây 2 tháng, Nguyễn Thuận Hoàng Dung, SV năm hai Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cười tươi rói, khoe với bạn bè điểm A môn thể dục lần đầu tiên bạn đạt được. “Giảng viên thể dục của em rất nghiêm khắc, cô ấy bắt cả lớp vận động thường xuyên trong hai giờ học, chấn chỉnh từng động tác thể dục nhịp điệu, nhờ đó em mới có kết quả này. Sang năm thứ hai được chọn môn thể dục, em chọn bóng rổ vì thấy khá phù hợp. Hồi học phổ thông em sợ nhất là môn thể dục với nhảy xa, nhảy cao, chạy, giờ học theo môn tự chọn nên em thấy thoải mái hơn”.
Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, 2 năm qua, việc tổ chức cho HS đăng ký học thể dục theo năng khiếu, sở thích, thể lực từng em, chọn một trong 9 môn như bơi, đá cầu, bóng rổ, cầu lông… giúp chất lượng giờ dạy tốt hơn, hiệu quả cao hơn; phát huy được năng khiếu từng em, giáo viên cũng đầu tư hơn trong quá trình dạy. “Nhờ học theo chuyên đề, chất lượng dạy và học môn thể dục của nhà trường được nâng lên, kỹ thuật của các em tốt hơn, thành tích cao hơn; và đặc biệt là tạo được sự hứng thú của thầy và trò trong giờ học”, thầy Lê Vinh khẳng định.
Việc dạy thể dục theo chuyên đề đã thực sự tạo sự hứng khởi cho HS, SV. Khi đề cập đến vấn đề này, hầu như giáo viên, nhà quản lý nào cũng cho rằng việc cho người học tự chọn môn học đã giải tỏa phần tâm lý, vượt qua bản thân để có thành tích học tập tốt, điều này đặc biệt cần trong các môn cần đến năng khiếu như thể dục-thể thao.
Th.S Võ Đình Hợp, Trưởng khoa Giáo dục thể chất, ĐH Đà Nẵng cho biết ĐH Đà Nẵng đang áp dụng 5 học phần môn giáo dục thể chất, sắp tới sẽ rút lại 4 và đẩy mạnh tính tự chọn giúp SV chọn được môn học phù hợp với khả năng. Với SV năm thứ nhất, những môn điền kinh, thể dục là bắt buộc theo chương trình của Bộ Giáo dục nhưng những môn thể dục như xà đơn, xà kép, xà lệch hiện không an toàn cho việc học vì nhiều SV quá cao, quá to so với trước nên phải ngừng dạy; mà tập trung vào những môn thể dục tự do như ngã, nhào lộn… vì đây cũng là những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Những SV năm thứ hai sẽ có 2 học phần tự chọn, với những môn như cầu lông, bóng bàn, thể dục nhịp điệu, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, võ thuật… các em có thể đăng ký học liên tục giúp hình thành kỹ năng.
Ngoài chương trình chung, những SV giỏi sẽ được học ở lớp nâng cao, là nòng cốt cho đội tuyển các trường và một lớp dành cho SV yếu bị bệnh hoặc dị tật bẩm sinh. Th.S Hợp còn cho biết thêm là vào tháng 5-2017, ĐH Đà Nẵng dự kiến tổ chức một hội thảo chuyên đề về việc dạy và học môn thể dục, để tiến tới hình thành những câu lạc bộ, đội tuyển thể thao cho các trường thành viên. Đây là cơ sở để SV được luyện tập thể dục-thể thao thường xuyên, tránh việc SV từ năm thứ nhất đến thứ ba có thể lực khá, nhưng qua năm cuối, thể lực các em đi xuống do không còn học môn thể dục, không luyện tập thường xuyên như khảo sát mà khoa Giáo dục thể chất đã từng tiến hành.
Cộng với việc dạy môn thể dục theo chuyên đề, lấy sự yêu thích và khả năng của người học làm điều kiện, Đà Nẵng hy vọng sẽ giúp cải thiện tầm vóc của thế hệ tiếp nối, trong điều kiện có thể làm được. Ông Hồ Anh Dũng, Trưởng phòng THCS, phụ trách bộ môn thể dục - thể thao của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cho rằng thể dục là môn khoa học dạy theo năng khiếu của HS. Việc cho HS học ít môn, trong suốt năm học sẽ giúp các em hình thành kỹ năng, giúp các em có thể chơi thuần thục 1-2 môn thể thao. Từ đó phát triển phong trào, thành phố có thể chọn được vận động viên đỉnh cao, cải thiện thể trạng của HS. Sở GD&ĐT cũng đang lập đề án trình UBND thành phố, xin xây dựng một nhà thi đấu đa năng, các trường nào có quỹ đất nhưng chưa có sân chơi, bãi tập sẽ được xây dựng. Tổng kinh phí dự kiến vào khoảng 350 tỷ đồng. Và nhanh nhất là trong 3 năm nữa, chương trình thể dục dạy theo chuyên đề sẽ được điều hòa khắp các trường, lúc đó câu chuyện cải thiện thể lực có thể nằm trong tầm tay.
Năm 2008, với 11 bể bơi di động, Tổ chức Liên minh vì sự an toàn của trẻ em Hoa Kỳ (gọi tắt chương trình TASC) đã giúp Đà Nẵng huấn luyện cho 21.000 học sinh tiểu học hoàn thiện kỹ năng bơi an toàn. Đến thời điểm hiện tại, toàn ngành đã có 44 hồ bơi đang hoạt động để dạy bơi cho học sinh với số lượng khoảng 14.000 học sinh theo học. Môn bơi cũng được phụ huynh và HS quan tâm, đầu tư hơn trước trong điều kiện thành phố có nhiều hồ, sông và biển. |
HOÀNG NHUNG