.

Ngày nhỏ học bơi

.

Chiều chiều bảo thằng con lớn dắt mấy đứa em ra bể tắm tập bơi. Dặn đi dặn lại: nhớ mang theo đầy đủ, cột kỹ càng áo phao; nhớ theo sát, trông chừng em; nhớ có gì gọi bảo vệ… Biết, biết rồi; cái bể bơi tí tẹo, người đông như kiến mà ba cứ làm như tụi con một mình ra giữa… đại dương không bằng! Thằng con xua tay lia lịa, mặt nhăn nhăn…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nghĩ lại mới thấy… mắc cười. Con nói có lý; quả mình lo cũng có hơi quá. Lãng đãng ngược dòng một thuở ấu thơ, thế hệ chúng tôi, có người lớn nào kịp nghĩ ra chuyện cần đem lũ nhỏ xuống nước tập bơi để phòng xa chuyện đuối nước đâu? Ấy vậy mà ngày nào đám con nít ấy cũng phải lang thang đồng bãi, đu đuôi bò vượt suối vượt sông. Được cái, “bản năng tồn tại” khiến lũ nhỏ ngày ấy mười đứa hết chín đều có ý thức mày mò tự học bơi. Mà khổ, tự học trong điều kiện không ai khuyến khích đã chớ, lại còn bị… cấm đoán. Sông nước nào phải chuyện đùa, lơ mơ bỏ mạng như chơi. Vậy nên, cẩn tắc vô áy náy, người lớn quan điểm cứ… cấm tiệt lũ nhỏ toan lớ xớ mon men ba cái trò bơi lội cho chắc ăn! Nhưng sao cấm được; con nít khi đã muốn chuyện gì thì cứ chăm bẳm, đêm ngủ cũng nằm mơ. Và ban ngày, đương nhiên tìm đủ cách “qua mặt” mẹ cha, lén trốn nhà tập bơi cho được...

Vỡ lòng cho “bài học bơi lội” là đi… tắm mương. Làng tôi có con mương cái chảy ngang cấp nước tưới cho đồng, nước sâu đến ngực. Tập bơi ở mương tương đối an toàn nhưng nước mương bẩn lắm, lại còn ở gần nhà, dễ bị mẹ phát hiện! Biết làm sao; cũng đành chấp nhận nguy cơ ăn roi, ráng ngoi dưới mương năm mười bữa cho biết bơi “chập chạ”(*) rồi mới dám rủ nhau ra sông. Nói “ra sông” tức đã phải bắt đầu đối mặt với hiểm nguy: đáy sông không bằng phẳng như đáy mương, địa hình lồi lõm bất thường tạo nên những “rãnh cày”, những “búng” (lòng chảo nhỏ) sâu đến lút đầu; biết bơi “chập chạ” mà không phao sụp xuống cũng chỉ có đường… bỏ mạng! Vậy là phải lo trang bị phao bơi để có gì còn “tự cứu”. Thời khốn khó đào đâu ra áo phao; đứa nào kiếm được cái ruột (săm) xe phế thải còn bơm hơi được để làm phao đã tuyệt cú mèo. Nhưng số “đại gia” ấy đếm trên đầu ngón tay; đại bộ phận trẻ làng phải bằng lòng với một thứ phao “cây nhà lá vườn” hơn: cây chuối! Chặt và vác theo cây chuối. xuống nước chuối nổi, người cứ tay đu, ôm “phao” chuối mà bì bõm tập bơi. Giữ nổi được rồi thì thi thoảng buông chuối tự bơi; mệt lại đu cây chuối mà nghỉ. “Lính mới” học bơi luôn được các “đàn anh” dặn lại dặn đi: có chuyện gì nhớ ôm chặt cây chuối kêu tao ra cứu, đừng buông. Mày buông chết ráng chịu… bài học xanh rờn ấy không hề thừa: không ít đứa - khi gặp sự cố, do tâm lý hoảng hốt - đã quên mất chuyện cần ôm chặt cái “phao cứu sinh”, và dẫn đến hậu quả thương tâm…

Ơn trời, “liều mạng” vậy mà rồi cũng dần dần sắp lượt biết bơi. Tai nạn? Lâu lâu có xảy ra, nhưng không nhiều. Nói thật, một nghịch lý đau lòng mãi sau này tôi mới nhận ra: đa phần những tai nạn đuối nước thương tâm đều rơi vào số trẻ em ngoan, hiền, ngày thường răm rắp nghe lời mẹ cha không dám bén mảng đến gần sông nước! Không biết bơi đã đành; còn không kinh nghiệm ứng phó khi gặp sự cố; vậy là đôi khi thay vì “chết lẻ” lại bị “chết chùm”! Những cái chết tức tưởi, vô duyên mà người lớn chúng ta không phải không có phần trách nhiệm…

Ôn chuyện xưa biết chuyện nay. Mong sao tuổi thơ thế hệ tương lai được gia đình, xã hội quan tâm, trang bị sớm giùm cho các em kỹ năng bơi lội. Sẽ không khó, không mất nhiều thời gian khi tất cả mọi bên đều ý thức, vào cuộc. Vậy nhưng, với các em, đó lại là một trong những kỹ năng sinh tử giúp các em an toàn, tự tin hơn rất nhiều khi bước vào đời…

Y NGUYÊN


(*) Mới biết bơi ở mức độ giữ nổi và bơi được một quãng ngắn.
 

;
.
.
.
.
.