“Bóng cây Kơ nia” là bài hát nổi tiếng do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ lời thơ Ngọc Anh. Có thể nói chính nhờ ca khúc của hai tác giả quê Đà Nẵng, Quảng Nam mà cây Kơ nia đã trở nên nổi tiếng trong cả nước, trở thành loài cây biểu tượng của Tây Nguyên.
Một cây Kơ nia cổ thụ dáng rất đẹp tại thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.Ảnh: P.C.T |
Một lần đọc Báo Đà Nẵng cuối tuần, tôi được biết cây Kơ nia có mọc ở Quảng Nam và Đà Nẵng và có tên địa phương là cây Cốc. Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới) ghi nhận cây Kơ nia còn gọi cây Cầy và có phân bố ở Đà Nẵng. Trong đợt điều tra thực địa vừa qua, đoàn điều tra cây thuốc thành phố Đà Nẵng đã chú ý tìm kiếm nhưng chưa thấy.
Lần theo một số thông tin do các vị bô lão cung cấp, sáng thứ bảy, ngày 10-9-2016 vừa qua, tôi đã đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phong (tại Gò Cốc, thôn Cẩm Toại Trung) và phát hiện một quần thể có 7 cây Kơ nia cổ thụ tại đây. Đáng chú ý, có một cây đã bị đốn hạ vì có nguy cơ ngã đổ sau một trận hỏa hoạn làm cháy bộng cây.
Trên đường về nhà, niềm vui nhân đôi khi tôi tiếp tục phát hiện 2 cây Kơ nia cổ thụ khác mọc đơn lẻ tại ngôi miếu âm linh sau nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn và gần ngôi mộ tiền hiền làng Cẩm Hòa - Cẩm Nê thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi, Cầy hay Kơ nia có tên khoa học Irvingia malayana Oliv. ex Benn., thuộc họ Cầy - Irvingiaceae.
Đây là loài cây gỗ lớn thường xanh, cao 15-30m; gốc thường có khía. Lá đơn, mọc chụm ở đầu cành, mặt trên xanh bóng, mặt dưới xanh nhạt, phiến lá hình trái xoan dài 9-11cm, rộng 4-5cm, gân bên 11 đôi, khi non lá có màu tím nhạt; cuống dài 1cm; lá kèm hình dùi dài 2-3,5cm. Cụm hoa chùm, mọc ở nách lá. Hoa nhỏ màu trắng; 4-5 cánh hoa; nhị 10; đĩa mật bao quanh nhuỵ; bầu 2 ô. Quả hình trái xoan dài 3-4cm, rộng 2,7cm, chứa 1 hạt. Khi chín, quả có màu vàng nhạt. Cây mọc rải rác trong rừng thường xanh, rừng thứ sinh. Khi bị chặt cây nảy chồi mạnh. Ra hoa tháng 5-6, có quả chín tháng 9-11.
Kơ nia có phân bố ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang. Ngoài ra còn có ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Để làm thuốc, người ta thu hái vỏ cây và vỏ rễ quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, dùng tươi hay phơi khô dùng dần. Hạt có chất dầu màu trắng hay vàng, mùi dễ chịu, có thể ăn được, thơm bùi không khác hạt điều đã qua chế biến. Ở xứ Quảng có phương ngữ “Ăn cốc cộc tay”, vì để ăn được nhân hạt này, phải dùng gạch đá hay dao búa đập vỏ hạt rất cứng, nhiều khi sơ ý dập cả ngón tay.
Theo Đông y, Kơ nia có vị chua thơm, tính mát, không độc; có tác dụng tiêu phù, trừ đờm, trục u bướu và tiêu thức ăn. Dùng làm thuốc chữa no hơi đầy bụng, trừ sốt rét rừng, ngã nước. Ở Campuchia, vỏ cây được sử dụng trong toa thuốc bổ, dùng cho phụ nữ mới sinh đẻ uống cho khỏe. Dầu hạt dùng làm xà phòng và thắp đèn.
Xin được nói thêm, cây Kơ nia hiện nay đã có tên trong Sách Đỏ bởi ngay tại Tây Nguyên thì loài cây này cũng đã trở thành của hiếm. Nhiều người ở Pleiku mấy chục năm mà chưa một lần thấy “bóng cây Kơ nia” mặc dù họ vẫn thường nghe bài hát này. Một thành phố Buôn Ma Thuột to lớn, thủ phủ Tây Nguyên mà cũng chỉ còn sót lại mỗi một cây ở cạnh Nhà Văn hóa Trung tâm! Ở Kon Tum phải đi trên 30 cây số về làng Kon Hring xã Diên , huyện Đăk Tô mới được chiêm ngưỡng một cây Kơ nia thuộc hạng “già làng” hùng vĩ!
Bởi vậy, với những cá thể và quần thể cây Kơ nia chúng tôi vừa phát hiện, chỉ ở cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chưa đầy 20 cây số, nếu biết đầu tư và khai thác, chắc chắn sẽ trở thành những địa chỉ du lịch sinh thái - văn hóa và về nguồn rất lý tưởng để thu hút du khách gần xa (có thể đặt tên tuyến du lịch “Dưới bóng cây Kơ nia”).
Nhưng điều quan trọng trước mắt là phải gấp rút có kế hoạch thống kê, bảo vệ, quản lý nghiêm ngặt, có thể lập hồ sơ công nhận cây di sản đối với loài cây quý hiếm này, tránh để thất thoát như một trường hợp đã nêu ở trên.
PHAN CÔNG TUẤN