.
TRUYỆN NGẮN

Giấc mơ Benzodiazepin

.

Lúc đi ra khỏi nơi đó, mình không nhớ viên thuốc đó tên gì. Bây giờ thấy viên thuốc cũng quen quen. Mỗi lần uống thuốc thấy có gì đó thú vị. Cứ mỗi lần thuốc vừa đặt vào miệng là mình lại có những suy nghĩ sinh ra…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Có lần mình nghĩ, ông trời sanh ra con người, con người lại sanh ra con người. Tính ra, mình cũng con cháu ông trời chứ giỡn sao. Nhưng đôi khi thấy ông trời hơi bất công. Thằng đã giàu lại có người yêu đẹp. Còn thằng đã nghèo rớt mồng tơi thì cố mấy cũng có người yêu không bằng thằng nhà giàu. Nhưng hên một điều, trong mắt, mỗi thằng có một gu đẹp khác nhau. Đôi khi xấu lại là đẹp, đôi khi đẹp lại là xấu. Bù trừ lẫn nhau. Bù qua bù lại như sợi chỉ rối, cứ quấn qua rồi quấn lại. Tháo cách mấy cũng không ra, nên đành siết chặt, bện thành thứ này thứ kia, coi chơi. Thiên hạ gọi thứ coi chơi đó là tình nghĩa.

Ở chỗ này, sống giữa con sông mà không tình nghĩa, chắc chết. Nửa đêm đau ruột thừa bất tử. Kêu ú ớ, ít ra cũng có ông già nào đó chèo xuồng giăng câu ngang, chợt nhớ cái thằng năm nào đó cho ngủ nhờ, nên ghé lại chở đi trạm xá, nằm mấy hôm. Hoặc cái đêm nọ, đã định nhảy sông lặn kiếm Hà Bá, vì buồn. Cái bè nằm trơ trơ giữa sông chà bá vậy, mà lâu lắm mới có người ghé vào. Đến ma cũng làm biếng ghé chọc. Đi tới đi lui có mấy thước vuông, nhìn thấy mấy con cá ngày nào cũng ngớp nước, mặt cũ sì, lại không nói được lời nào. Có bữa đành tưởng tượng ra ông này bà nọ ngồi “tám” chơi cho đỡ thèm. Đêm nào mưa lại là đêm vui. Có khi mưa vậy, mấy ông giăng câu sẽ tấp vô bè cho đỡ lạnh. Ngồi nói chuyện khơi khơi đến sáng. Vậy mà sáng tỉnh rụi. Con người đơn độc khó làm sao. Mỗi ngày không nói chuyện với ai. Riết chịu sao nổi, trời!

Nhưng ông trời có công bằng hay không, giữa những buồn vui lẫn lộn, ông cho mình cái nào nhiều. Đôi khi mỗi tối nằm mơ gặp ma đè, vậy mà sáng ra vui ơi là vui. Tấm thân này cũng có con ma nó chịu đè thì hãnh diện thêm được một vài li bản mặt.

Bữa thấy buồn nên gửi người ta ra chợ mua cho vài tờ báo đọc chơi. Nhưng đọc xong mới tá hỏa. Trời ơi! Xã hội là cái xã nào mà dân ác thấy sợ. Có thằng, nhỏ như con thỏ mà cầm dao khứa cổ ông nội ngọt xớt, khứa xong còn nói bắt chước trong phim Tàu. Còn có thằng mặt như quỷ, vậy mà đòi cua con nhỏ giàu có, nhỏ đó không chịu, có vậy mà giết người ta rồi hiếp. Thằng đó ngu dã man, đời mênh mông như sông như biển, tự dưng tắt nghẹn vì mấy phút điên khùng. Nhưng đọc hết tờ báo này đến tờ báo khác, vẫn thấy xã tên “hội” đó ác quá trời quá đất. Bữa nọ lên bờ mua gạo, đi về cầm cục đá chọi khơi khơi, trúng con gà chết tốt. Lòng nghe như đốt. Chạy chết mồ tổ về bè, ở luôn trong bè mấy tháng. Muốn ăn gì, mua gì toàn ngóng ai đi ngang gửi mua. Không dám ngó mắt về hướng bờ nữa. Trời ơi! Chủ con gà đó mà biết được, chắc ổng đánh mình mềm xương. Trong báo nói, nhìn xéo nhau thôi mà đã bị đánh toi mạng rồi, nói chi giết chết một sinh mạng con… gà. Bởi vậy, ở trên cái bè này, chơi với cá, với… ma, đôi khi nghĩ thấy cũng sướng hơn lên cái xã tên “hội” đó. Đụng cái là chém, đụng cái là đâm. Chưa kể nhìn nhau đó, cười với nhau đó mà lòng đang chất đầy dao búa để sẵn sàng đâm chém nhau, bằng miệng, bằng lưỡi. Ghê! Mình mà lỡ một ngày nào đó chém ai, đâm ai. Thí dụ lỡ như vậy, thì sống sao nỗi trời. Ghê!

Mà nè, sợ ma thì đừng đọc nữa. Vì người ta đồn, trên khúc sông này có ma đó nghen.

Hồi năm một ngàn chín trăm… không nhớ rõ, khúc sông này có hai đứa yêu nhau nhưng gia đình không chấp nhận. Tối, hai đứa trốn nhà, chèo xuồng chở một đống đá ra giữa sông, định neo thân tự tử. Nhưng không biết nhỏ con gái nói gì, mà thằng con trai thả đá xuống sông, mắc vào đá những lời thề thốt rợn người.

Sau đó mấy hôm, người ta thấy mấy cái thây ma nổi trôi bồng bềnh trên sông. Nhưng ngặt nỗi, không ai vớt được mấy cái xác đó, hễ chèo xuồng ra gần tới là nó lặn mất. Mấy ngày ròng không ai vớt được. Cuối cùng có một thằng khùng, bơi ra giữa sông vớt vào được một cái thây của thằng thợ xây. Trên mình không có bất cứ dấu vết nào trừ một chỗ bị mất một cục thịt dư. Lúc đầu cứ tưởng tin đồn khơi khơi, nhưng bữa nọ, lúc mình ngủ dưới bè, nghe một ông già chèo xuồng đi mua sách cũ, mệt quá ghé lại bè xin ngủ ké. Ông già lấy cho mình coi cuốn “Sông Giang Chí” in trên da trâu, nhà xuất bản Lúa Mùa in độc bản một quyển duy nhất năm 1939 mà ông mua được từ ghe thương hồ. Sách có đoạn nhắc đến khúc sông này y như những gì người ta đồn. Sách mà nói thì chắc không sai rồi. Nhưng thây ma thì có sao, thây ma tấp vào bè hoài chứ gì, cũng người ta thôi, cũng đàn bà nằm ngửa, đàn ông nằm sấp, không có gì lạ. Chỉ có mấy cái thây ma hồi xửa hồi xưa là lạ, nó lúc hiện lúc ẩn như mơ, lúc trồi lên lúc lặn xuống như ma vậy. Mà nó là ma chứ gì nữa. Ở đoạn sông này ai mà không nằm mơ thấy nó xin cây viết để viết thư tình cho ghệ. Mình thì chưa bao giờ gặp kể từ trước đến hôm qua. Hôm nay mình lại ngủ dưới bè cá, sóng vỗ lao xao, chợt nhớ con ghệ quá chừng. Giờ này chắc nó ngủ rồi. Hôm qua chèo xuồng đi học ngang bè, mình kêu lại cho con cá còn tươi rói mà chê, nói thôi, má la! Má nào mà la, có cái không dám lấy thì có: “Cứ lấy, lấy đi để nữa nằm mơ cũng nhớ anh…!”.

Đêm hôm, giữa bè cá, nghe trời lành lạnh, mấy tấm lá kêu lạt xạt là biết thằng Phong đến. Thằng coi bè nói:

- Mày đi như ma, đi tới đâu lạnh tới đó.

Thằng Phong bước vào bè, thổi cái khì vào thằng coi bè:

- Tui tên Phong mà, không biết sao, ban đêm lạnh thôi, ban ngày mát rượi.

Nói xong, nó đu đưa trên võng, miệng nó lảm nhảm, nó cứ nói hoài một chuyện không thôi. Nó cho rằng: “Rõ ràng là hồi sáng tui nghe đài kêu, ổng giết người ta bất thành, xém mém chết thôi chứ không có chết, bị bắt rồi, bị bắt hôm qua, hông tin đi hỏi đi…”. Nó càm ràm có mấy câu dai nhách, lúc to lúc nhỏ làm nhức cả lỗ tai. Nhưng thằng coi bè không nói, nó chờ coi thằng Phong nói gì thêm. Phong hơi bực: “Kệ mẹ ổng, mắc mớ gì ông”. Thằng coi bè sắp táng cho thằng Phong bạt tai vì không lo nói tiếp mà lại chuyển chủ đề. Nhưng tự dưng bè im ắng lạ thường khi con dao trên đầu tủ tự dưng rớt, nghe cái “rổn” rõ to. Thằng nhỏ nhìn thằng lớn, thằng lớn nhìn thằng nhỏ. Tóm lại, thằng nào vừa phang cây dao. Không biết!

Đến khi tờ mờ sáng, báo đăng tin bán khắp nơi. Ở bên sông có mấy người đọc được, la dậy lên cái tin nóng hổi với dân địa phương, trước trờ không hề có vụ ám hại ai kỳ khôi vậy. Lúc ngồi trong bè, nghe mấy bà đi chợ về râm ran, thằng coi bè và thằng Phong nhìn nhau:

- Mày biết làm gì mà nói. – Thằng coi bè nổi quạu, cầm dao khứa khứa mấy tấm ván. Thằng Phong quay lưng, gió thổi cái vù vào tốc tấm nilon bay lên:

- Ủa, tui không biết thì sao ông đi hỏi tui chi.

- Nó bị ai giết kệ nó.

- Vậy ông hỏi tui chi. Tui đâu có quan tâm.

- Vậy mày kể tao nghe chi.

- Tại ông hỏi.

Tự dưng hai thằng thấy nhau sao lãng nhách. Nên sau mấy câu lãng ấy, chúng im ru. Không ai nói nữa từ đó đến hôm thứ ba. Thằng Phong giận, đùng đùng bỏ đi. Căn chòi trên bè nắng lên rọi vào thành bóng lổm chổm. Không thấy một cơn gió nào, nóng như muốn thiêu đốt cả con sông…

Ở trên bờ, bữa trước hôm đó mấy ngày. Bà chị kêu nhỏ em lại: “Hay là em hẹn thằng bồ em ra nói chuyện đi, để thôi bất ngờ quá, nó nhảy sông tự tử”. “Dễ gì chế ơi, ảnh mạnh mẽ lắm”. “Nhưng chế vẫn cứ nghi nghi sao sao đó, em nói với nó một tiếng đi, dù gì cho nó nguội dần đến bữa người ta qua hỏi”. Nhỏ em như ưng bụng, nhưng mặt không vui. Đến chiều, khi bà chị chèo xuồng đưa em qua sông, chị còn níu tay lại dặn:

- Nè, nếu nó có nhảy xuống sông tự tử, thì em la lên: “Còn con anh ơi, đừng bỏ con anh ơi!” là nó trồi đầu lên, dù gì cứu nó được lúc nào hay lúc nấy.

Kế hoạch y như dự định, thằng coi bè (cũng là thằng bồ) lấy xuồng chở con ghệ ra sông, đâu hay nó đã là ghệ cũ. Xuồng ra gần giữa sông, sóng nhẹ như không có, gió đứng im, trăng tròn như ngó đi chỗ khác, chừa chỗ cho người ta. Ai đời đi dòm ngó thiên hạ hẹn hò. Cũng y như bao lần trước. Xuồng tấp vô bè cá, hai đứa bước lên bè, tay này nắm tay kia, tình tứ. Nhỏ ngồi xuống mé bè, đưa chân xuống nước. Thằng bồ ngồi kế bên, nghe mùi rượu nực nồng từ trong áo ghệ phát ra. Hình như nó mới uống rượu:

- Em uống rượu hả?

- Anh đừng hỏi. Anh thương em hông?

- Thương sao hông?

- Nhưng em hông thương anh thì sao.

- Giỡn hoài.

- Thiệt, vài bữa đám nói em rồi. Với thằng… anh biết mà.

- Ừ, thôi không giỡn nữa.

- Thiệt, dóc chết liền.

Thằng bồ nhìn con ghệ trăng trối, nó đứng dậy nhìn chằm chằm một hồi lâu. Con ghệ đứng dậy, thằng bồ ôm chầm nó rồi nhảy xuống sông. Khi con nhỏ ngóc đầu lên khỏi mặt nước, nó kêu: “Anh cứu em, cứu em, còn con anh, còn con anh!”. Thằng bồ hết hồn, lôi con nhỏ lên bè. Hai đứa ngồi nhìn nhau không nói. Đến lúc trăng buồn ngủ, thằng bồ hỏi:

- Con anh thiệt hả?

Lâu lâu sau tiếng khóc mới là tiếng nói:

- Ai biết.

- Sao không biết.

- Tại có thằng Hiếu nữa.

- Má, cái thằng…

Hai đứa chèo xuồng vào, chỉ có thằng bồ là không về nhà, nó đi kiếm thằng Hiếu. Con nhỏ biết vậy, rùng mình. Về kể với chị. Nhưng chị ước lượng rằng thằng bồ nhỏ em sẽ kiếm thằng Hiếu để giết. Thôi, mình cũng không xúi nó, nó có giết thằng Hiếu thì nó tự mà tìm đến chỗ chết. Không can gián đến mình. Nghĩ đến ngày đám nói tưng bừng còn biết bao nhiêu là việc, hơi đâu đi lo chuyện xàm xàm.

Nhưng cái bản tin sáng nay trên báo, trên đài, họ nói rằng, thằng nhỏ coi bè cá giữa sông đã đâm thằng Hiếu trọng thương, sau đó trốn mất. Cơ quan chức năng đang truy tìm tung tích thằng nhỏ coi bè.

Cái tin sáng nay rõ ràng như vậy mà thằng coi bè cứ hỏi thằng Phong hoài, sao kỳ vậy, sao vậy mậy. Trời ơi! thằng Phong tức phát quạu, ông đi hỏi nhà báo chứ hỏi tui sao tui biết. “Nhưng tao có giết nó thiệt đâu, tao chỉ tưởng tượng ra là tao sẽ giết nó thôi”.

Thằng Phong nhìn thằng coi bè, cười khinh khỉnh:

- Giết thì nói giết, mắc gì né tránh, báo đăng rành rành đây mà.

Thằng Phong hơi hoang mang. Thằng coi bè vớ tay lấy cây đố định rượt đánh thằng Phong, nhưng không kịp, thằng Phong đã bỏ chạy nhanh hơn, cơn gió bay vù ra những đám lục bình trôi thành dề, phất phơ tấm lá như vẫy tay thách đố. Thằng coi bè giận rung mình, bạn bè gì đâu kỳ khôi, không tin tưởng nhau, sau lần này nó sẽ nghỉ chơi với thằng Phong, không thèm chơi với thằng ôn dịch đó nữa. Nhưng nỗi lo giết người trong mơ của nó vẫn ám ảnh. Hông lẽ người ta đọc được ý nghĩ của mình sao cà? Thôi chết, bây giờ cái xã tên “hội” đó tiến bộ lắm rồi. Tên trộm chuẩn bị mấy năm trời đi cướp trót lọt vậy mà có nửa tiếng sau đã bị bắt. Mình mơ giết người ta dễ ợt vậy, thì chắc mấy ông xã hội đó biết rồi. Thôi chết!

Cái đời khùng điên sinh ra những chuyện khùng điên. Rõ ràng mình nằm mơ hôm qua mà hôm nay xảy ra y chang vậy, còn in trên báo nữa chứ. Mình chống xuồng qua nhà con nhỏ ghệ, thấy ghệ ngồi bên cái khạp da bò rửa chén, gặp mình, mình hỏi nào đám hỏi, ghệ cười, chửi mình: “Điên hả? em mới 17 thôi”.

“Ủa vậy sao anh giết thằng Hiếu?”.

“Thằng Hiếu nào? À, thằng Hiếu nào đó bữa anh nằm mơ gặp nó chọc em nên anh vẽ hình nó trên cục đá rồi thả xuống sông đó phải hông, bữa đó anh nói anh nhận nước nó mà!”.

Lúc đó ở giữa sông, gió thổi mạnh làm lắc lư cái bè. Gió lòn kẽ hở vào giật tay mình, khi tỉnh lại mới biết mình vừa tự táng vào mặt. Viên thuốc Benzodiazepin(*) rơi trên mặt đất mình nhìn thấy rõ, chỉ cúi xuống là lượm được ngay chứ không phải bay bay như trong mơ. Lần này thì mình đã đọc đúng tên thuốc: Benzodiazepin! Benzodiazepin! Benzodiazepin!

LÊ QUANG TRẠNG


(*) Tên của một loại thuốc an thần.

;
.
.
.
.
.