Nhiều năm qua, nhờ sự chung tay của các nhà tài trợ, các giải đấu thể thao có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, công tác kêu gọi tài trợ cho các hoạt động thể dục thể thao gặp khá nhiều khó khăn.
Vận động các doanh nghiệp tự tổ chức các giải đấu không chuyên để mọi người dân được tham gia thi đấu TDTT là hướng đi đúng đắn của ngành TDTT thành phố. Ảnh: Q.T |
Câu chuyện không mới
Thời gian qua, nhiều hoạt động thể dục thể thao (TDTT) đã được “gắn tên” với các doanh nghiệp. Ví như Giải việt dã - chạy vũ trang Báo Đà Nẵng, giải bóng đá tranh cúp DRT, hoặc giải quần vợt cúp Sông Hàn…, trong đó tên cúp chính là tên doanh nghiệp. Đây là sự bắt tay “đôi bên cùng có lợi”. Một khi doanh nghiệp tài trợ cho giải thì hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được quảng bá, gắn tên trên pa-nô, áp-phích, thông tin trên đài, báo trong suốt thời gian diễn ra giải. Còn ban tổ chức sẽ có kinh phí để điều hành, số tiền tài trợ càng cao (đồng nghĩa với giải thưởng lớn) thì giải đấu càng quy mô, uy tín và thu hút được nhiều người tham gia.
Thể thao là sự kiện, mà đã là sự kiện thì phải có kinh phí để tổ chức. Theo ông Nguyễn Trọng Thao, Trưởng phòng Nghiệp vụ thể thao, Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng, thì nếu chỉ có ngân sách Nhà nước sẽ không thể tổ chức được các giải đấu, trong khi nhu cầu của các hoạt động này ngày càng cao. Thế nên, để tổ chức một giải đấu chất lượng, các đơn vị buộc phải đi vận động, tìm kiếm nguồn tài trợ và đây cũng là con đường duy nhất để ngày càng chuyên nghiệp hóa thể thao. “Bản chất của hoạt động doanh nghiệp là phải sinh ra lợi nhuận, do đó, muốn nhà tài trợ đến với mình, ban tổ chức các giải đấu phải chứng tỏ cho họ thấy đây là giải đấu uy tín, chất lượng, thu hút được nhiều vận động viên, người dân tham gia”, ông Thao nói.
Giải Việt dã - chạy vũ trang truyền thống Báo Đà Nẵng có tuổi đời 19 năm. Trong 19 lần tổ chức, dù là đơn vị truyền thông địa phương nhưng ban tổ chức giải cũng gặp không ít khó khăn trong công tác vận động tài trợ của doanh nghiệp. Giải lớn đã vậy, giải nhỏ còn “ngắc ngoải” hơn. Ông Nguyễn Đình Hòa, Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt thành phố cho biết, mấy năm trở lại đây, tất cả các tổ chức xã hội hoạt động về thể thao đều gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có những giải không vận động được tài trợ. Liên đoàn Quần vợt 3 năm nay đều vận động từ chính những anh chị em (là chủ các doanh nghiệp) trong ban chấp hành.
Đánh giá về công tác xã hội hóa trong những năm qua, ông Nguyễn Trọng Thao, cho biết, dù xã hội hóa là con đường duy nhất và là mục tiêu phát triển đường dài của thể thao nhưng hiện tại, các giải pháp xã hội hóa hoạt động TDTT tại Đà Nẵng còn thiếu đồng bộ, chưa có những báo cáo, đánh giá đầy đủ về thực trạng…, đặc biệt chưa lựa chọn được các biện pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa TDTT.
Cần linh động ở cách nghĩ, cách làm
Trong những năm qua, để có được các hoạt động thường xuyên, liên tục, ngành TDTT khuyến khích và đẩy mạnh việc hình thành các CLB TDTT ở xã, phường, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là trong trường học với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người tham gia rèn luyện thân thể và đó cũng chính là mục tiêu của công tác xã hội hóa TDTT. Nói như vậy để thấy, mục đích cuối cùng của xã hội hóa là phải tạo ra nhiều sân chơi, trong đó, người dân là chủ thể hưởng thụ chính. Những năm qua, cách làm xã hội hóa ở ta vẫn là phân công các thành viên đi vận động kinh phí từ các đơn vị, được bao nhiêu mừng bấy nhiêu. Thực tế, khi doanh nghiệp gắn tên với các hoạt động TDTT thì doanh nghiệp được lợi, tuy nhiên, đó chỉ là những giải đấu có quy mô lớn, tầm ảnh hưởng rộng, thu hút sự tham gia của nhiều người. Còn những hoạt động mà lượng người xem ít như võ, điền kinh, cờ tướng, cờ vua... thì việc tìm kiếm nhà tài trợ là điều không đơn giản. Hơn nữa, còn tùy thuộc vào tình hình, thời điểm kinh doanh của từng doanh nghiệp. Có thể năm nay họ “mở rộng” hầu bao tài trợ nhưng năm sau khó khăn họ sẽ từ chối không tham gia.
Ông Lê Nguyễn Tường Lân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông thành phố bày tỏ, xã hội hóa không phải là đi “xin tiền” doanh nghiệp về làm. Nếu như vậy thì hai bên chỉ là đối tác của nhau về mặt quảng cáo và hình ảnh. Xã hội hóa là phải vận động các doanh nghiệp cùng tham gia tổ chức với mình. Một khi doanh nghiệp tham gia, họ sẽ hiểu được công việc của mình, dễ dàng chia sẻ với mình và đặc biệt, họ được quyền quản lý số tiền đã bỏ ra. “Vận động doanh nghiệp tự đứng ra tổ chức các giải đấu có quy mô nhỏ, các tổ chức xã hội như Liên đoàn sẽ đứng đằng sau hỗ trợ về mặt pháp lý, làm sao để huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia tổ chức các giải đấu, người dân ngày càng có nhiều sân chơi để tập luyện TDTT là hướng đi mới của Liên đoàn cầu lông trong thời gian đến”, ông Lân nói.
Nói về hướng đi mở cho công tác xã hội hóa TDTT, ông Nguyễn Trọng Thao cho rằng, thành phố cần công bố rộng rãi quy hoạch, nhu cầu huy động vốn đầu tư cho các cơ sở vật chất về TDTT để có định hướng phát triển và thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần xem xét định suất cho mỗi xã, phường về cán bộ phụ trách TDTT; đồng thời, có những chính sách ưu đãi về thuế, lệ phí cho các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước tài trợ cho các chương trình hoạt động TDTT.
Theo thông tin từ Phòng Nghiệp vụ thể thao, Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng, các tổ chức kinh tế - xã hội tham gia tài trợ tổ chức các giải thể thao của thành phố, quốc gia, quốc tế và xây dựng cơ sở vật chất tập luyện thi đấu hằng năm khoảng 2 tỷ đồng (chưa tính đến việc xã hội hóa bộ môn bóng đá hằng năm tiết kiệm cho nguồn ngân sách Nhà nước trên 40 tỷ đồng). |
QUỲNH TRANG