.

"Bài ca lưu biệt" của Cụ Huỳnh

.

Bài thơ 17 câu này đã được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân miền Trung thời Pháp thuộc, góp thêm một bông hoa tươi thắm trong vườn thơ ca yêu nước và cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX.

Viếng hương Cụ Huỳnh tại Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước. Ảnh: L.H
Viếng hương Cụ Huỳnh tại Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước. Ảnh: L.H

Huỳnh Thúc Kháng là nhà chí sĩ kiệt xuất của đất Quảng Nam, người làng Thạnh Bình, huyện Tiên Phước, phủ Hà Đông; nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Từ nhỏ, ông nổi tiếng học giỏi, đỗ đầu cả hai kỳ thi Hương năm Canh Tý (1900) và kỳ thi Hội năm Giáp Thìn (1904). Sau khi đỗ Tiến sĩ năm 1904, ông không ra làm quan mà ở nhà cùng các đồng chí như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp… khởi xướng phong trào Duy tân ở Quảng Nam.

Năm 1908, khi phong trào kháng thuế nổ ra ở Quảng Nam, rồi lan sang nhiều tỉnh của miền Trung, ông bị thực dân Pháp bắt kết án khổ sai chung thân, đày đi Côn Đảo.

Giữa năm 1908, khi đang bị giam ở nhà lao Hội An chờ ngày đi đày ông có làm bài thơ “Bài ca lưu biệt” trong đó có hai câu:

“Nọ núi Ấn, này sông Đà,
Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt”

“Núi Ấn” đây là núi Chúa còn gọi là Ấn Sơn, vì có hình giống chiếc ấn của vua, là một dãy núi ở vùng Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Bài viết “Núi Chúa - Huyền thoại và suy ngẫm” của tác giả Hà Văn đăng trên Cổng thông tin điện tử huyện Nông Sơn (nongson.quangnam.gov.vn) dẫn lời các cụ cao niên giải thích về tên gọi này như sau:

“Theo một số bậc cao niên, núi Chúa còn có tên là Hòn Ấn. Tên gọi này là do cụ Huỳnh Thúc Kháng đặt cho núi Chúa khi nhìn thấy ngọn núi này trong lần về tổng Trung Lộc thăm cụ Nguyễn Đình Hiến - lúc đó đã về hưu trí sống tại thôn Lộc Tây tổng Trung Lộc (nay là thôn Lộc Tây 2, xã Quế Lộc). Hướng chính diện ngôi nhà cụ Hiến trông thẳng về núi Chúa. Và không rõ có phải do thấy ngọn núi sừng sững trước mặt nhà cụ Hiến giống như một cái ấn hay do từ truyền thuyết về ấn Cao Biền mà cụ Huỳnh gọi núi Chúa là Hòn Ấn. Hiện tại rất ít người ở địa phương biết đến tên gọi này nên núi Chúa vẫn là tên gọi phổ biến”.

Trở lại với hai câu trong bài thơ của Cụ Huỳnh. “Sông Đà” tức là sông Đà Nẵng (Đà giang), lúc đó dùng để chỉ sông Hàn và sông Cẩm Lệ ngày nay.

Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Cụ Huỳnh đang là Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt), được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đi kinh lý miền Trung Trung Bộ, để kêu gọi toàn dân tham gia kháng chiến chống Pháp. Trên đường đi công tác đến Quảng Ngãi, cụ bị bệnh và mất ở đây.

Do đường sá xa xôi, chiến tranh đang bùng nổ không thể đưa về chôn ở quê nhà nên cụ được an táng trên núi Thiên Ấn, nhìn xuống con sông Trà Khúc thơ mộng của Quảng Ngãi. Mộ cụ vẫn còn ở đấy cho đến ngày nay và được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử, một địa điểm du lịch của Quảng Ngãi.
Nhiều người trẻ hiện nay do không rõ nguồn gốc của hai câu thơ trên, nghĩ rằng núi Ấn phải đi đôi với sông Trà (“Núi Ấn sông Trà” là một cụm từ mô tả một cách tổng quát vùng đất Quảng Ngãi), nên đã “bạo gan” sửa câu thơ của Cụ Huỳnh thành “Nọ núi Ấn, này sông Trà”.

Có người đi xa hơn, còn cho rằng Cụ Huỳnh Thúc Kháng là người thông tuệ, lúc sinh thời đã tiên đoán rằng mình sẽ được an giấc nghìn thu tại Quảng Ngãi để thêu dệt thêm gấm hoa cho non sông “Núi Ấn sông Trà”(!). Đó là “nghi ngẫu” của định mệnh hay là một thứ “định mệnh” đã buộc vào “thần khẩu”?
Nay nhân kỷ niệm 140 năm Ngày sinh của Cụ Huỳnh Thúc Kháng, xin được giới thiệu lại nguyên văn “Bài ca lưu biệt” của Cụ.

Trăng trên trời khi tròn khi khuyết
Người ở đời sao khỏi tiết gian nan.
Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an (1)
Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn (2)
Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn  (3)
Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia (4)
Bấy nhiêu năm ngẫm cũng chưa già
Nọ núi Ấn, này sông Đà
Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt
Kìa tụ tán chẳng qua là tiểu biệt
Ngựa Tái ông họa phúc biết về đâu?(5)
Một mai kia con tạo khéo cơ cầu
Thảy bốn bể cũng trong bầu trời đất cả.
Ư bách niên trung tu hữu ngã (6)
Dẫu đến lúc núi sụp biển lồi, trời nghiêng đất ngả
Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn
Trăng kia khuyết đó lại tròn…

LÊ THÍ - LÊ HUỲNH


(1) Kẻ trượng phu dù gặp hoàn cảnh nào cũng yên tâm chấp nhận.

(2) Gặp hoạn nạn thì xử trí theo hoạn nạn.

(3)Trên đường đi biết chắc trời luôn có mắt.

(4) Đêm khuya còn chiêm bao thấy về lại nhà.

(5) Điển tích “Tái ông thất mã” (Ông họ Tái mất ngựa), rằng mất ngựa chưa chắc đã rủi, đến khi được lại ngựa chưa chắc đã may. Câu thơ này có ý là chuyện chẳng may bây giờ (bị đày ra Côn Đảo) chưa hẳn đã là tuyệt vọng.

(6) Trong khoảng trăm năm cần phải có ta. Ý nói ta sẽ phải sống trong cõi đời này để làm phận sự.

;
.
.
.
.
.