Cà-phê giờ đã trở thành thức uống phổ biến mọi nơi, ngay cả chung cư (CC) mà thiếu chút hương vị hấp dẫn đó vào mỗi sáng thì cuộc sống cũng mất đi ít nhiều ý nghĩa.
Một “buổi họp sáng” ở ki-ốt Nhà E, Chung cư A2 – Nam cầu Cẩm Lệ. Ảnh: V.P.Q |
Sáng sáng, ông Láng, sau khi đi bộ thể dục về, tắm táp và điểm tâm nhẹ là “lên” bộ đồ số 1 (anh em nói đùa như thế) tiếp tục tản bộ từ Nhà A sang Nhà E ở CC A2 – Nam cầu Cẩm Lệ làm ly cà-phê. Toàn CC có 6 block, văn bản hành chính gọi là 6 đơn nguyên, bà con gọi ngắn gọn là “nhà”. Tầng trệt mỗi nhà có một ki-ốt rộng khoảng 20m2 cấp cho nhà trưởng ở để lo bảo đảm an ninh trật tự cho cả nhà.
Nhà trưởng Nhà E là anh Ngô Minh Khoa, được cấp một ki-ốt nhìn ra đường Trần Tử Bình, anh tranh thủ bán lặt vặt các thứ như tạp hóa, card điện thoại... Mỗi sáng kê hai bộ bàn ghế nhựa ra hiên, bán hơn chục ly cà-phê. Chừng đó thì lời lỗ chi, anh nói, mà cho có chỗ để anh em trong CC ngồi lại rôm rả “giao ban” buổi sáng. Thật vậy, cà-phê cốt không phải ngon hay dở mà vui là chính.
Nhìn ông Láng khề khà ly cà-phê, tôi hỏi chú nay bảy mươi mấy rồi. Ông cười nói, tám ba rồi. Thầm nghĩ, có lẽ do ông vui vẻ yêu đời mà trẻ hơn tuổi đến vậy. Nhà A nơi ông ở vẫn có cà-phê, nhưng ông vẫn thích la cà xuống Nhà E hơn, bởi ở đây “vui hơn, mấy anh em trẻ họ nói chuyện có trước có sau, có trên có dưới, rất là tình cảm”. Hơn 20 năm nghỉ hưu nhưng từ khi vô ở CC đến nay, ông Láng gần như chưa bỏ “buổi họp sáng” nào ở ki-ốt Nhà E. “Cà-phê với mấy người trẻ biết nói chuyện như ri làm mình trẻ lại, không có cà-phê thì cuộc sống những người già như tui chắc là buồn lắm”, ông nói.
Một anh tên Thanh, ở Nhà F, cũng “ghiền” cái không khí cà-phê sáng bên Nhà E. Anh bảo, có mấy chỗ cũng bán cà-phê mà toàn thanh niên choai choai ăn không ngồi rồi, hết nói chuyện xe cộ lại bàn nhau chiều ni “đánh” con chi, văng tục không ngượng mồm. Có chỗ lại toàn phụ nữ kiểu “bà tám”, mới sáng bửng mắt mà đã nói toàn chuyện nhậu nhẹt, nghe phát mệt...
Anh Lâm Văn Thành là kiến trúc sư, ở Nhà E, mỗi sáng trước khi đưa con đi học rồi xuống văn phòng của mình trên đường Nguyễn Hữu Thọ, bao giờ cũng tạt qua ki-ốt “họp mặt” anh em để “khơi nguồn cảm hứng” cho những công trình mới với ly cà-phê đá quen thuộc.
CC như một xã hội thu nhỏ và cà-phê CC phản ánh muôn mặt cuộc sống của các cư dân nơi đây.
CC Số 2 khu vực Nại Thịnh Đông 2, đường Vân Đồn, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, nơi có trên 60 hộ sinh sống, cũng có một “quán” cà-phê như thế, ngay cổng vào CC. Nghệ nhân Dân gian Văn Phước Phô (nghệ danh Cẩm Phô) tuổi ngoài 70, cùng gia đình sống trong một căn hộ nơi tầng 2, mỗi khi có bạn bè, đồng nghiệp đến nhà chơi, ông thường đưa khách xuống đó, vừa nhấm nháp hương vị cà-phê, vừa chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề.
CC Hòa Minh bên đường Hồ Tùng Mậu, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, cũng có một “quán”
cà-phê “bỏ túi” dưới một mái che di động gắn vào tường CC. Theo nhận xét của anh Phan Đức Chính, một kỹ sư sống cùng gia đình trên tầng 4, cà-phê CC chủ yếu vui là chính, chứ không hẳn là kinh doanh.
Cũng có một số CC không có cà-phê, nơi đó hầu hết là cán bộ, công chức Nhà nước. Mỗi sáng họ còn phải tất bật một số việc trong ngày và thường chọn cà-phê nơi gần chỗ làm việc.
VIÊN PHÚC QUÂN