Trong sự nghiệp văn chương của Huỳnh Thúc Kháng (1876 -1947), có một mảng sáng tác để lại cho hậu thế với nhiều tình cảm trân quý, đó là những câu đối, chủ yếu là đề tặng, điếu bạn bè, đồng chí, những người đã hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc, non sông hoặc người thân của bạn bè đã qua đời. Hệ thống câu đối này phần lớn đều do chính Huỳnh Thúc Kháng viết bằng chữ Hán, rồi dịch sang tiếng Việt hoặc có khi viết bằng quốc ngữ.
Chân dung cụ Tập Xuyên Ngô Đức Kế (trái) và Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng (phải), trong cuốn Các bậc tiền bối cách mạng trong thời thuộc Pháp, của Anh Minh xuất bản, 1959. |
Như ta biết, “Câu đối - tiếng Hán - đối liên, một thể văn đặc biệt có quy mô nhỏ, mỗi đơn vị tác phẩm (được gọi là câu) gồm hai vế (thực chất là hai câu) đối xứng với nhau về từ loại, âm thanh và ý nghĩa, dùng để biểu lộ tư tưởng, tình cảm, thái độ trước một con người, một sự việc hoặc một cảnh vật, một đối tượng nào đó mà chủ thể (tác giả) quan tâm chú ý… Sức mạnh của câu đối là tính khái quát cao, súc tích” (Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, HN, 2006, trang 49, 50). Câu đối là một trong những thể loại của văn học Trung Quốc và Việt Nam.
Dương Quảng Hàm trong Văn học Việt Nam chia câu đối thành 10 loại, gồm: Câu đối mừng, Câu đối phúng, Câu đối Tết, Câu đối thờ, Câu đối tự thuật, Câu đối đề tặng, Câu đối tức cảnh, Câu đối chiết tự, Câu đối trào phúng, Câu đối tập cú (Văn học Việt Nam, Bộ Giáo dục - Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1968, trang 52, 53).
Xuất thân từ nền giáo dục Nho học, khoa bảng, đỗ đạt cao, Huỳnh Thúc Kháng hiểu ý nghĩa của loại hình văn học độc đáo này, vận dụng đúng vào từng nhân vật, hoàn cảnh, nói được công trạng, bày tỏ tiếc thương, tình cảm của mình đối với mỗi người.
Trong thơ văn Cụ Huỳnh để lại, có câu đối phúng, câu đối tặng, câu đối mừng,... trong đó, câu đối khóc là chủ yếu.
Trường hợp Trần Quý Cáp là lạ nhất. Trần Quý Cáp (1870 - 1908), tự Dã Hàng, hiệu là Thai Xuyên, sinh ra tại làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nổi tiếng là một trong 6 học trò xuất sắc của Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong, gồm Trần Quý Cáp, Phạm Liệu, Phan Quang, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng.
Tháng 5 năm Bính Ngọ (1906), Trần Quý Cáp nhậm chức giáo thụ phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Cụ Huỳnh có câu đối tặng:
Đồng niên như xuân thụ, cổ thi khỉ đổ hư nguyện tại, Giang Kiều tặng tổng số ngôn, liễu sắc thanh tùy ly khách nhãn,
Loạn thế thức trung thần, kim nhựt thả vi nhứt giải dã, trần lỗ gian lao kỷ tải, tây phong bạch tận cố nhân đầu.
Hồng Liên dịch:
Bạn đồng niên như là cây mùa xuân tươi tốt, thơ xưa há phải hư ngôn, Giang Kiều đưa tặng đôi lời, sắc liễu xanh xanh theo mắt người ly khách,
Đời loạn mới hay người trung liệt hiếm hoi, ngày nay dễ mà giải đáp. Thế lộ éo le mấy lúc, gió tây hiu hắt, bạc đầu bạn cố nhân.
(Trần Quý Cáp, Chí sĩ Duy tân Việt Nam, đầu thế kỷ XX, NXB Đà Nẵng, Phòng Văn hóa - Thông tin Điện Bàn, 1995, trang 22)
Cổ xúy và tham gia phong trào Duy tân, sau đó, vào ngày 17 tháng 5 Mậu Thân (1908), ông chịu án chém ngang lưng (mạc tu hữu). Trong Thai Xuyên Trần Quý Cáp tiên sinh tiểu truyện, Huỳnh Thúc Kháng đau đớn viết: “Tiên sinh lên đoạn đầu đài, thật là thê thảm. Trong lịch sử huyết lệ, Tiên sinh là người thứ nhất!” (Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, Chương Thâu, Phạm Ngô Minh, sưu tầm và biên soạn, NXB Đà Nẵng, 2010, trang 1268). Vậy mà, qua di cảo, sau cái chết: “Thảm thiết! Mà cũng tráng liệt thay!” (Phan Bội Châu, Văn tế Thai Xuyên Trần Quý Cáp), ta không tìm thấy câu đối nào của Huỳnh Thúc Kháng khóc cụ Trần.
Phải chăng câu đối tặng năm 1906 là một sấm ngữ của Cụ Huỳnh khi tiễn bạn, đã nghĩ đến một lần ra đi, rồi không bao giờ gặp lại, như sắc liễu xanh xanh, hiu hắt nơi bến Giang Kiều.
Bù vào đó, Huỳnh Thúc Kháng có bài Đường thi, Điếu Trần Quý Cáp thật cảm động, nêu được không khí của thời đại, nói được tiếc thương của đồng chí, đồng bào, viết khi đang bị giam tại nhà lao Hội An - Quảng Nam, 1908, nghe tin bạn bị án tử hình:
Thư kiếm tiêu nhiên độc xuất môn
Nhứt quan thác lại vị thân tồn
Trực tương tân học khai nô lũy
Thùy tín dân quyền chủng họa côn.
Bồng Đảo xuân phong huyền
viễn mộng,
Nha Trang thu thảo khấp anh hồn
Khả liên nhứt biệt thành thiên cổ
Ðà Nẵng phân khâm tửu thượng ôn.
Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Gươm sách xăm xăm tếch dặm miền
Làm quan vì mẹ há vì tiền
Quyết đem học mới thay nô kiếp
Ai biết quyền dân nảy họa nguyên.
Bồng Đảo gió chưa đưa giấc mộng,
Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng,
Chia tay chén rượu còn đương nóng
Đà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền.
(Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Quyển II, NXB Văn học, Hà Nội, 1985, trang 174, 175)
Châu Thượng Văn (1845 - 1908), người Minh Hương, sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, bị bắt tại quê nhà khi phong trào chống thuế bùng nổ. Bị kết án khổ sai chung thân, đày ra Lao Bảo, nhưng ông tuyệt thực, rồi chết trong lao Thừa Phủ, năm 1908. Đây là cái chết sớm nhất của những người tham gia phong trào Duy tân. Vì thế, Huỳnh Thúc Kháng có lời điếu:
Nhân giai úy tử, quân độc bất tham sanh! Bát xích tu mi, tu dữ hà sơn dinh nhứt bảo;
Thùy vi kỳ nan, quân nãi vy kỳ dị, nhứt phần trách nhiệm, các tương tâm huyết cáo đồng bào.
Dịch:
Cái chết ai không sợ, người lại không tham cái sống suông, tám thước mày râu, thẹn với non sông giành bữa gạo;
Phần khó để ai đương, người bỗng lãnh ngay phần dễ, một phần gánh vác, đều đem tâm huyết cáo bà con.
Dương Thạc (... - 1909), quê làng An Mỹ, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, bạn đồng huyện và đồng học với Huỳnh Thúc Kháng, tham gia phong trào xin xâu chống thuế, bị bắt năm 1908, đày ra Côn Đảo và mất năm 1909. Cái chết của ông gây xúc động mạnh trong tù, hơn 40 câu liễn điếu. Huỳnh Thúc Kháng có câu đối khóc bạn mình, tâm sự “quy hồn dạ dạ hoán đồng nhân - hồn về thấu nước gọi sao đêm”.
Rồi người anh, Dương Thưởng (... - 1918), thực dân Pháp đày ra Lao Bảo, bị thảm sát trong tù cùng một lần với Lê Cơ (1870 - 1918). Huỳnh Thúc Kháng có lời điếu, ca ngợi sự hy sinh vì nước của hai anh em họ Dương - Có hẹn nhau sao - Em chưa đủ lại chết dồn đến anh, gươm báu cấp đôi bay, giông gió ven trời thêm nặng đám.
Người bạn lớn của Huỳnh Thúc Kháng là Tiểu La Nguyễn Thành (1863 - 1911). Ông xuất thân trong một gia đình quan lại triều Nguyễn, thân sinh là Bố chính, Kinh lược sứ, nên thường gọi lá Ấm Hàm. Những năm phong trào Nghĩa hội do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo, ông là một Tán tương quân vụ, lập nhiều chiến công. Năm Quý Mão (1903). Phan Bội Châu mưu đại sự, ông là quân sư trong Duy tân hội do Cường Để làm minh chủ. Năm 1908, khi phong trào Duy tân phát triển, Tiểu La nhiệt tình tham gia. Nguyễn Thành bị bắt và bị đày ra Côn Đảo, tháng 8-1908. Tiểu La Nguyễn Thành là trái tim yêu nước lớn. Phan Bội Châu từng viết Nguyễn Tiểu La tiên sinh truyện và Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng dịch (Xem Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, Chương Thâu, Phạm Ngô Minh, sưu tầm và biên soạn, NXB Đà Nẵng, 2010, trang 1571).
Trong Thi tù tùng thoại, Cụ Huỳnh dành cả tiết 62, 63 khóc Tiểu La tiên sinh. Khóc Tiểu La Nguyễn Triết Phu tiên sinh còn có các bạn tù khác như Thai Sơn, Phong Niên, Văn Thúc, Hồ Tiếu, My Sanh, Tùng Nham, Hy Cao. Mính Viên có câu đối:
Trấp dư niên thạc quả độc tồn, vi kinh tế gia, vi quân lữ gia, vi bí mật vận động gia, kinh bách chiếc dĩ bất hồi cựu giới tân thời, vị trí nguy nhiên tranh bất tịch;
Nhị tam hữu tình sanh mạc nghịch, mổ giả đông bôn, mổ giả tây tẩu, mổ giả cùng hoang lưu lạc, hữu quy quốc chi nhất nhật, tả đề hữu khiết, tiền trình sầu sát thiểu tư nhân.
Dịch:
Hai mươi năm giống trái vẫn còn, nào kinh tế, nào quân lữ, nào bí mật, vận động gia, trăm lần uốn chả cong, đời cựu buổi tân, vị trí nghiễm nhiên dành một chiếu;
Đôi ba bạn ruột rà thân thiết, kẻ sang đông, người sang tây, kẻ lại cùng hoang đày đọa, một ngày kia về nước, đỡ sau vừa trước, tiền trình buồn nỗi thiếu hai tay.
Có thể nói, câu đối điếu Tiểu La là một trong những câu đối hay của Huỳnh Thúc Kháng. Nội dung câu điếu bao hàm được cả một đời hoạt động phong phú, sôi nổi, liệt oanh của Nguyễn Thành.
Huỳnh Thúc Kháng còn có nhiều câu đối khóc bạn, như Điếu Phan Châu Trinh (1872 - 1926), Điếu Lê Huân (1875 - 1929), Điếu Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888 - 1939), Điếu Hồ Tá Bang (1875 - 1943), Điếu Dương Bá Trạc (1884 - 1944), Điếu Nguyễn Hữu Cầu (1883 - 1946), Điếu Trần Nguyên Đỉnh, trưởng nam Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong, thầy học cũ của Cụ Huỳnh.
Thời làm báo Tiếng Dân, Thục trưởng Đông Kinh Nghĩa Thục Lương Văn Can (1854 - 1927) từ trần tại Hà Nội, sau 11 năm đưa đi an trí tại Phnômpênh (Campuchia). Huỳnh Thúc Kháng đã có lời điếu, tiếc thương một tấm gương yêu nước, nổi tiếng một thời.
Đặc biệt, với Tập Xuyên Ngô Đức Kế (1878 - 1929), người bị bắt và đày ra Côn Đảo từ năm 1908 và được trả tự do cùng năm với Cụ Huỳnh (1921), chủ bút tờ Hữu Thanh. Trong Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng có nhiều trang viết dành cho Cụ nghè Ngô, phục tài học, tài thơ, phục khí phách, nhân cách cứng cỏi của Ngô Đức Kế. Nghe tin bạn qua đời (10-12-1929 tại Hà Nội), trên báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng khóc:
Xanh trường khối lỗi, vô số vị thành thư, Á phách, Âu hòa, truyện đáo Vĩ nhân thiên tuyệt bút;
Khao mục hà sơn, kỷ đa bất thạc quả, Tô chiên Quản mão, ca lai Chính khí dũng triêu âm.
Dịch:
Ngổn ngang gò đống, bao nhiêu bụng sách chép chưa xong, phách người Á mà hồn người Âu, đến chuyện Vĩ nhân dừng ngọn bút;
Xơ xác non sông, những kẻ dư sanh còn được mấy, cờ họ Tô mà mão họ Quan, gẫm bài Chính khí dậy cơn giông.
Có một người phụ nữ, “chả giống nhi nữ tầm thường”, suốt một đời gánh việc nhà, giúp chồng lo việc nước, “đầu bạc chưa thôi”, đó là người vợ tảo tần khuya sớm của Phan Bội Châu. Ngày 21-5-1936 (1-4 âm lịch), bà Phan Bội Châu, nhũ danh Thái Thị Huyền (1866 - 1936) mất tại Nghệ An.
Trên báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng có lời điếu vừa ghi được công trạng vừa bày tỏ sự kính trọng đối với Phan phu nhân:
Lão tiên sinh vị quốc vong gia, nẫm niên túc lộ xan phong chẩm bạn hoành qua, duy Ý Lợi thê thần tịch cộng;
Hiền nội tướng hữu phu nhi quả, chích thủ trì gia phủ ấu, sơn đầu hóa thạch, tỉ Kiêm Lâu phủ khổ thoan đa.
Dịch:
Lão tiên sinh vì nước quên nhà, ba mươi năm ăn gió nằm sương, bên gối kề gươm, chiều sớm bạn cùng nàng Ý Lợi;
Hiền phu nhân có chồng mà góa, một chắc chăm nhà nuôi trẻ, đầu non hóa đá, cay chua xấp mấy vợ Kiềm Lâu.
Huỳnh Thúc Kháng còn có các câu đối mừng, câu đối Tết, câu đối tặng viết bằng quốc ngữ. Đáng chú ý là câu đối mừng Tết năm Bính Tuất (1946), sau Cách mạng Tháng Tám:
Trẻ lại với xuân, nước tổ bốn nghìn năm lịch sử;
Đứng lên làm chủ, quyền hai chục triệu dân sinh.
Ngày 19-5-1946, mừng Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Huỳnh có câu đối:
Mưa Âu gió Mỹ, càng xông pha khí phách càng kiên cường, năm sáu hoa giáp chẳng già đâu, hai tay rinh nổi trọn quyền dân, tự do độc lập, xốc vác non sông dồn một gánh;
Cờ đỏ sao vàng, cùng tín ngưỡng tinh thần cùng phấn khởi, hăm lăm triệu quốc dân đồng bào đương ngóng đấy, ba chén nâng cao rượu thọ, vang lừng trời biển tiếng muôn năm.
(Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, Chương Thâu, Phạm Ngô Minh, sưu tầm và biên soạn, NXB Đà Nẵng, 2010, trang 145)
Và, đây là câu đối cuối cùng Cụ Huỳnh viết mừng Bảy mươi mốt tuổi thọ (1947) của mình:
Mẹ đất rước xuân về, gia đình chung cô bác anh em, nâng chén rượu mừng nhau, hai chục triệu người không thiếu bạn;
Cha trời cho sống mãi, họa kiếp trai binh đao nước lửa, có ngón tay đếm thử, bảy mươi mốt tuổi vẫn chưa già.
Câu đối được xem là tinh hoa của văn hóa chữ Hán. Người Trung Hoa và cả người Việt Nam đều có quan niệm: nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa.
Quả vậy, từ câu đối, ta nhận ra tầm tư tưởng, trí tuệ tinh anh, tình cảm sáng trong, thái độ trân trọng của Cụ Huỳnh đối với những nhân cách cao đẹp, suốt một đời cống hiến cho dân cho nước.
HOÀNG QUẾ NAM