Sự bài trí ngăn nắp, sắp xếp gọn gàng, có khoa học không chỉ giúp những hộ dân sinh sống tại các khu chung cư có một không gian sống đẹp, hài hòa mà còn giúp họ hạn chế những rủi ro tiềm ẩn.
Rất nhiều căn hộ chung cư khi làm song sắt an toàn vô tình bịt luôn lối thoát hiểm của gia đình. Ảnh: T.Y |
Thiếu hiểu biết về phòng, chống cháy nổ
Trở lại nhà bà Phùng Thị Út (1957), phòng 307, khu chung cư (KCC) An Cư 5, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà vào một ngày cuối tháng 9. Căn nhà vẫn còn nhiều vết ố bám trên tường, khu vực bếp do khói và sức nóng của lửa gây nên trong quá trình cháy nổ. Dù đồ đạc trong nhà không còn chất thành đống như trước nhưng với nghề buôn bán ve chai, bà Út nói rằng việc trữ phế liệu trong nhà là “việc không thể không làm”. Và hậu quả của nó là cách đây 7 tháng - ngày 15-3-2016 - chỉ một phút bất cẩn, ngọn lửa bùng phát, bén vào những vật dụng dễ cháy, nhanh chóng bao trùm toàn bộ căn hộ. Ngay khi nhận được thông báo từ người dân, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố điều động 4 xe chữa cháy và 1 xe thang đến hiện trường dập lửa, tổ chức hướng dẫn thoát nạn cho người dân. Bà Út thừa nhận trước đó gia đình bà từng bị Ban Quản lý tòa nhà và Công an phường nhắc nhở nhiều lần nhưng do tính chất công việc thu gom phế liệu diễn ra đến tận khuya, nên “tui mang lên nhà phân loại cho tiện” và “không nghĩ là sẽ xảy ra cháy nổ”.
Việc người dân thiếu ý thức để xảy ra hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng tại Đà Nẵng như trường hợp bà Út trong thời gian qua không phải là hiếm. Riêng ở các tòa nhà chung cư, từ năm 2012 đến nay xảy ra trên 10 vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sơ suất trong sử dụng lửa, thắp hương, nổ bình gas, vứt tàn thuốc và chập điện… Bên cạnh đó, ở nhiều KCC dành cho hộ tái định cư, người có thu nhập thấp, ngoài việc chiếm dụng không gian chung, việc bày biện vật dụng trong gia đình khá bừa bãi, thậm chí che lấp, đè lên ổ cắm điện. Các loại dây sạc pin điện thoại, máy tính, xe đạp điện khi hết nhu cầu sử dụng vẫn không rút khỏi nguồn điện. Chưa kể, mỗi tòa nhà chung cư thường có thiết kế 4 cửa ra vào, đồng thời cũng là lối thoát hiểm, thế nhưng do vấn đề an ninh, nhà trưởng thường khóa 50% số cửa nhằm quản lý người lạ ra vào chung cư. Dù mỗi tầng KCC đều được trang bị 2 bình chữa cháy nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, việc chữa cháy phụ thuộc hoàn toàn vào lực lượng cảnh sát, công tác chữa cháy tại chỗ gần như bị tê liệt bởi người dân chưa được tập huấn kỹ năng chữa cháy, sử dụng nguồn nước dự phòng như thế nào cho đúng cách.
Trước tình hình này, mới đây, Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng đã đầu tư trên 700 triệu đồng mua 3.000 bình chữa cháy trang bị cho các hộ dân đang sinh sống tại KCC ở quận Sơn Trà và thời gian tới sẽ tiếp tục trang bị cho các KCC ở quận Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, nhiều hộ dân khi mang bình chữa cháy về phòng đã bỏ bình vào một góc nhà, lẫn trong vô vàn đồ đạc, vật dụng khác của gia đình nên chỉ sau thời gian ngắn, bộ phận cò bóp đã bị hoen gỉ, có thể gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng sau này.
Sống trên tầng cao các KCC, nhiều hộ gia đình có con nhỏ nghĩ ngay đến phương án bảo vệ con mình trước những tai nạn tiềm ẩn bằng cách làm thêm song chắn ngoài ban công. Thế nhưng, thay vì chừa lại ít khoảng trống để thoát hiểm (khi cần) thì họ lại bịt kín. Thêm vào đó, để đề phòng kẻ xấu, không ít người lắp thêm một lớp cửa ở lối ra vào, tạo thành 2 lớp cửa kiên cố. Sự cẩn thận của người dân đồng thời cũng là nguyên nhân khiến việc chữa cháy, thoát hiểm trở nên khó khăn hơn nếu cả 2 lớp cửa đều được khóa bằng ổ khóa chắc chắn. Về việc này, Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng đã từng lập biên bản phạt rất nhiều trường hợp tự ý làm song chắn, cửa chắn, thay đổi cửa kính thông thường bằng kính cường lực ở cửa sổ nhưng việc xử phạt chỉ như muối bỏ bể.
Ứng phó với những sự cố
Có một thời gian, người ta ví von chung cư là “đất sống” của đạo chích. Rất nhiều KCC mới đưa vào sử dụng liên tục bị mất trộm khiến người dân ai nấy hoang mang, lo lắng. Công an quận Sơn Trà cho biết từ cuối năm 2010 đến nay, tại các KCC xảy ra khoảng 60 vụ trộm cắp, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực phường Nại Hiên Đông. Tuy nhiên, đó chưa phải con số chính xác bởi nhiều hộ dân bị mất trộm với giá trị tài sản nhỏ đã không chủ động trình báo. Thậm chí, đạo chích còn “thấy đâu trộm đó”, có khi là xe đạp, hoặc giày, dép gia chủ bỏ ngoài hành lang.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Gái Em (53 tuổi) sống ở tầng 6, khu A, KCC Vịnh Mân Quang cho biết vợ chồng chị từng mất… 3 chiếc xe đạp dù đã cột chặt bằng dây xích vào hành lang chung cư. “Chiếc xe cũ lắm, mua thì chẳng mấy đồng nhưng để hở một chút là mất tăm liền. Nhiều khi tôi nghĩ, tụi nó mang đi cùng lắm chỉ bán được cho mấy bà đồng nát thôi”. Bà Nhung, hàng xóm của chị Gái Em ngồi chơi gần đó góp lời: “Hồi mới về chung cư, mấy đôi dép bà con hay để ở ngoài hành lang cho tiện bước ra bước vào, rứa mà cũng mất. Có bữa tôi để cái nồi nhôm dùng hóa vàng mã ngoài hành lang sau một đêm không thấy mô nữa. Chừ thì lớn nhỏ chi cũng mang vô nhà, để lớ ngớ là mất”.
Trung tá Trần Hữu An, Trưởng Công an phường Nại Hiên Đông đánh giá, giai đoạn 2012 - 2013, tình hình trộm cắp xảy ra liên tục ở các KCC. Lợi dụng đêm tối hoặc giờ nghỉ trưa, vắng người qua lại, kẻ trộm mới “giở trò”. Nhiều trường hợp bọn trộm mặc đồ công nhân sửa điện, nước để qua mặt bảo vệ chung cư, tiếp cận những căn hộ vắng chủ. Trong thực tế các KCC điều có nhà trưởng kiêm bảo vệ, nhưng với số lượng dân cư đông, cộng việc người nhà, người quen của gia chủ thường xuyên lui tới mỗi ngày, nên dù có chú ý quan sát, bảo vệ cũng dễ bỏ lọt tội phạm. Thời gian qua, tình hình trộm cắp có giảm do toàn phường triển khai quyết liệt mô hình “3 đảm bảo” (về cư trú; an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ; an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Để bảo vệ chính mình, nhiều KCC đã chủ động lắp đặt camera an ninh. Anh Trần Văn Dũng, Nhà trưởng KCC 4A Làng cá Nại Hiên Đông cho biết, hiện KCC của anh đã lắp đặt một số camera ở các vị trí dễ dàng quan sát người ra, vào chung cư, khu vực nhà để xe. Hằng ngày, ở phòng bảo vệ, anh đều theo dõi camera để nắm tình hình. Nhờ đó, vài ba năm trở lại đây, tại KCC này không xảy ra tình trạng trộm cắp. Được biết, số tiền trang bị camera do các hộ dân tự nguyện đóng góp để bảo vệ tài sản của mình.
Bên cạnh đó, vấn đề thang máy trục trặc cũng khiến nhiều hộ dân ở KCC không hài lòng. Mới đây nhất, tháng 8-2016, tại khu nhà D, KCC Nam cầu Cẩm Lệ gặp sự cố thang máy khiến người dân mắc kẹt trong đó hàng giờ đồng hồ. Chị Mai Thị Lợi (SN 1976), một trong 3 người bị mắc kẹt cho hay, lúc chị đi từ tầng 1 lên đến tầng 5 thì gặp sự cố, thang máy dừng, các thiết bị điện đều tắt. Sau hơn 20 phút gọi người trong chung cư ứng cứu không kết quả, chị phải nhờ đến lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố và nhân viên điện lực, bảo trì thang máy đến giúp. Cũng theo chị Lợi, thang máy ở đây thường xuyên bị kẹt, nhiều người bị kẹt đến 4-5 lần và mỗi khi ra khỏi nhà là phải mang theo điện thoại đề phòng sự cố.
Trung tá Đinh Ngọc Đại, Đội trưởng Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát PCCC thành phố cho biết, hầu hết các chung cư hiện nay đều đã có ít nhất 1 lần kẹt thang máy, có KCC tháng nào cũng xảy ra sự cố về thang máy. Ông khuyến cáo, khi gặp sự cố, người dân không nên tự ý cạy cửa thoát ra ngoài mà nên gọi lực lượng chuyên nghiệp đến giải cứu để tránh giật điện hoặc làm sự cố thêm nghiêm trọng.
Thiết nghĩ, khi sinh sống tại các KCC, điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân. Sự bài trí ngăn nắp, sắp xếp gọn gàng, có khoa học không chỉ giúp họ có một không gian sống đẹp, hài hòa mà còn hạn chế những rủi ro tiềm ẩn. Bên cạnh đó, người dân cũng cần tự trang bị cho mình những kỹ năng thoát hiểm cần thiết nhằm chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra.
TIỂU YẾN