.

Khuyến học ở một trường vùng biển

.

Có lẽ, trong hệ thống các trường học cùng cấp trên địa bàn thành phố, Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng)  khá đặc biệt, khi có đến 70% học sinh là con em ngư dân, gần nửa học sinh đang theo học tại trường thuộc hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn thành phố. Đa số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu cùng ý thức học tập còn nhiều hạn chế là những trở ngại không nhỏ đối với chất lượng dạy và học mà Ban Giám hiệu và giáo viên Trường THPT Tôn Thất Tùng phải đối mặt từ khi thành lập đến nay.

Mỗi năm có hàng trăm suất quà, học bổng được trao cho các học sinh nghèo Trường THPT Tôn Thất Tùng. Ảnh: T.T
Mỗi năm có hàng trăm suất quà, học bổng được trao cho các học sinh nghèo Trường THPT Tôn Thất Tùng. Ảnh: T.T

Vừa dạy, vừa dỗ

Kinh qua công tác dạy học tại nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố, cô giáo Phạm Thị Lương dạy Toán, kiêm chủ nhiệm lớp 12/13 (về công tác tại Trường THPT Tôn Thất Tùng từ năm 2009) đúc rút rằng, một tiết dạy học sinh ở Trường Tôn Thất Tùng phải cực gấp 3-5 lần so với các trường hàng đầu của thành phố. Bởi, hơn 7 năm nay, chưa có tiết học nào cô Lương có thể bắt đầu ngay với bài học mới mà phải luôn dành thời giờ ôn tập, giải thích lại kiến thức cũ. Nhiều học sinh phải được gọi lên làm bài tập, kiểm tra bài cũ thì phải đến lần 2, lần 3 mới cho được điểm (lấy điểm lần cao nhất); khuyến khích cộng điểm bài kiểm tra chính thức đối với những học sinh hăng hái phát biểu bài (dù đúng hay sai)... Không riêng cô Phạm Thị Lương mà hầu hết các cô, thầy giáo trường này đều thuộc lòng quy tắc “vừa dạy, vừa dỗ” đối với những học sinh có học lực yếu, hoàn cảnh khó khăn, dễ nản lòng của ngôi trường vùng biển này.

Song, theo cô giáo Lương, những nhọc nhằn trong giờ lên lớp sẽ chẳng “nhằm nhò gì” so với những lao tâm khổ tứ khi giáo viên chủ nhiệm thấy học sinh có dấu hiệu muốn rời lớp học. Có thời gian, một giáo viên phổ thông như cô Lương phải làm những việc chẳng khác cô giáo giữ trẻ, nghĩa là phải đón những học sinh cá biệt (không muốn đi học) khi phụ huynh chở đến cổng trường dẫn lên lớp học để tạo thói quen đến lớp cho các em. Rồi chuyện cô học trò định tự tử vì cha em – người duy nhất quan tâm đến việc học của em chẳng may qua đời vì gặp nạn trên một chuyến đi biển dài ngày đối với cô Lương là một kỷ niệm khó quên. Cha mất, mẹ mải mê cờ bạc, cô bé 15 tuổi rơi vào khủng hoảng, tuyệt vọng cũng là điều dễ hiểu. “Em hãy học vì người cha đã mất của mình! Hãy coi cô như người thân của em, có gì khó khăn, bức xúc, em cứ nói ra...”, cô Lương đã nhẹ nhàng khuyên nhủ học trò như thế. Nay, cô học trò nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn ấy đã trở thành tân sinh viên của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.

Hay, giữa năm học trước, cô Lương giải thích khi nhận một học sinh lưu ban mới vào lớp học trước sự phản đối và lo sợ của toàn thể học sinh lớp cô đang chủ nhiệm: “Bạn Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) không vào lớp mình thì sẽ vào lớp khác. Cô tin rằng, với sự giúp đỡ của cô trò cả lớp mình, bạn sẽ tiến bộ”. Năm lần bảy lượt bỏ học, Nam liên tục trộm tài sản trong gia đình đem đi ăn chơi không biết đường về, đến nỗi cha mẹ cậu học sinh ngỗ ngược ấy cũng đành buông tay: “Thằng con tôi coi như hỏng rồi, trăm sự nhờ cô”. Vậy mà, sau hai kỳ làm học sinh lớp cô Lương chủ nhiệm, Nam đã thay đổi hẳn tâm tính, từ một học sinh có học lực yếu, hạnh kiểm kém, có nguy cơ bỏ học giữa chừng thành học sinh có học lực trung bình, hạnh kiểm khá những năm sau đó...

Không chỉ hỗ trợ vật chất, bằng tâm huyết, tình yêu thương học trò, bằng những lời động viên chạm đến trái tim, những thầy, cô giáo như cô Phạm Thị Lương của Trường THPT Tôn Thất Tùng đã trở thành những “người mẹ, người cha” thứ hai, nối dài con đường học tập của biết bao học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học lực kém, học sinh lêu lỏng, chán học trên địa bàn.

Chỉ mong các em đến trường

Trường THPT Tôn Thất Tùng thành lập từ năm 2004 với chỉ 6 lớp 10, 1 lớp 11, 1 lớp 12. Sau 12 năm, nay trường có 36 lớp, mỗi khối có 12 lớp với tổng số 1.437 học sinh. Theo thầy Võ Văn Khánh, Phó Hiệu trưởng, phụ trách công tác khuyến học của trường, khối lớp, số lượng học sinh của trường tương đối ổn định như thế này chừng 5 năm trở lại đây. Vấn nạn học sinh nghỉ học giữa chừng của
trường đã giảm nhiều so với trước đây nhưng vẫn luôn là nỗi lo canh cánh của những nhà giáo tâm huyết.

Trung bình mỗi năm Trường THPT Tôn Thất Tùng giải quyết miễn, giảm học phí cho khoảng trên 300 học sinh. Tuy vậy, nhiều năm nay, các khoản học phí còn lại của trường vẫn khó thu đúng hạn, đầy đủ vì hiện tượng “nợ” học phí từ kỳ này sang kỳ khác, năm học này sang năm học khác, có học sinh ra trường rồi vẫn chưa trả hết nợ học phí. Không còn cách nào khác, nhà trường lại phải bằng mọi cách “âm thầm” tìm, vận động từ nhiều nguồn để lấp đầy các khoản nợ đó. Có học sinh không chỉ được miễn học phí mà còn được nhận các khoản trợ cấp, học bổng hằng kỳ, hằng tháng. Hơn 10 năm nay, các hoạt động của Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, phong trào hội đoàn thể của nhà trường đều đưa nhiệm vụ giúp học sinh vượt khó đến lớp làm trọng tâm. Riêng năm học 2015-2016, từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, trường đã trao các gói hỗ trợ, học bổng cho 133 học sinh khó khăn, tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Vào đầu mỗi năm học, bao giờ Hội Khuyến học của trường cũng nhờ các giáo viên chủ nhiệm làm ngay công tác đầu tiên là lập danh sách các học sinh khó khăn, chuẩn bị hồ sơ để sẵn, khi có nguồn tài trợ, các thủ tục nhận chỉ hoàn tất trong ngày. Các phong trào “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” trong học sinh, chuyện giáo viên bỏ tiền túi tặng xe đạp động viên học sinh đến trường không có gì lạ đối với tập thể ngôi trường miền biển này. “Chỉ lo nhất là các em không chịu đến trường, không đủ sức học, còn lại nhà trường luôn tạo điều kiện hết sức”, thầy Khánh nhấn mạnh.

Theo tâm sự của những giáo viên lâu năm của trường, trong các kiểu học sinh nghỉ học giữa chừng, trăn trở nhất là những đối tượng học sinh bỏ học vì ăn chơi lêu lổng, không chịu đi học nghề, không chịu làm việc. Một cái khó nữa xuất phát từ ý thức của một số phụ huynh của học sinh. Việc giáo viên vì vận động học sinh tiếp tục đến trường mà bị phụ huynh mắng chửi, hắt hủi khi đến nhà không có gì là lạ: “Tôi đã nói hết qua điện thoại rồi, cô đến làm chi đến nhiều thế!”; “cô rảnh hỉ”..., bên cạnh những lời cảm ơn từ đáy lòng, có phụ huynh đã nói với cô giáo Lương như thế. Có trường hợp giáo viên đến nhà phụ huynh nhắc học phí thì bắt gặp cảnh họ đang say sưa bên những ván bài hay bàn nhậu. Họ có thể có tiền nhậu nhẹt, ăn chơi, nhưng đóng học phí cho con đi học thì không. Với tâm huyết và sự từng trải, những cô giáo như cô Lương luôn xem đó là những vui buồn thường tình của nghề, song trong sâu thẳm tâm can những người đưa đò tâm huyết vẫn không khỏi những chạnh lòng, trăn trở...

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.