Jamie, cậu bé ra đời sau bao khát khao, chờ đợi tưởng chừng vô vọng của cặp vợ chồng người Úc. Thế nhưng, ngay khoảnh khắc em lọt lòng, các bác sĩ đã thông báo cho bố mẹ em rằng: Bé không sống được. Không thể để con ra đi trong lạnh lẽo, bố mẹ Jamie đau đớn đón đứa con đang lạnh ngắt vào lòng và dùng hơi ấm của mình ủ ấm cho con, thủ thỉ về cô em gái song sinh đã cùng em vượt qua bao ngày tháng. Thật kỳ diệu, vài phút sau, Jamie cử động. Bàn tay nhỏ xíu của cậu bé bám vào tay bố và cái đầu có dấu hiệu ngọ nguậy trên ngực mẹ.
Jamie hồi sinh một cách lạ kỳ ngày nào giờ đã là cậu bé 6 tuổi đầy khỏe mạnh cùng cô em gái Emily. Câu chuyện cùng hình ảnh giây phút sinh tử của cậu bé gần đây được chính bố mẹ em chia sẻ và gây xúc động trên khắp thế giới. Jamie sống lại chính nhờ cái ôm…
Không phải em bé nào ở trường hợp của Jamie cũng có thể hồi sinh kỳ diệu đến thế, nhưng như mẹ em chia sẻ, nếu lúc ấy chị quá đau đớn đến mức nhắm mắt để bác sĩ mang con đi thì chắc chắn giờ đây chị không còn Jamie bên cạnh.
Cái ôm đầu tiên, hay còn gọi phương pháp “da kề da” thực sự là “liều kháng sinh” đặc biệt đối với mọi đứa trẻ. Không chỉ tiếp cho các bé sự ấm áp, bình yên, y học đã chứng minh nhờ kề da mẹ ngay phút chào đời, trẻ sẽ được phòng ngừa hạ thân nhiệt, tiếp xúc với vi trùng có lợi, kích thích hệ miễn dịch để khỏe mạnh về sau. Cái ôm đầu tiên cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới triển khai rộng rãi trên toàn cầu để kéo giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh. Nhờ đó, hàng triệu em bé ra đời trong vài năm gần đây được hưởng cái ôm của mẹ từ rất sớm.
Thế nhưng, dường như những cái ôm chỉ được xem là “liều thuốc bổ” cho trẻ trong khoảnh khắc chào đời mà chưa thực sự được nuôi dưỡng cùng với sự lớn lên của đứa trẻ. Ngày càng nhiều những ông bố, bà mẹ trẻ áp dụng phương pháp nuôi con theo kiểu “tây”, tức cho con tự lập từ thuở nhỏ. Sau những ngày được ấp trong lòng mẹ ở bệnh viện, về đến nhà, nhiều trẻ được sắp xếp ngủ riêng hoặc ngủ với người giúp việc để tránh quen hơi mẹ và dần thích nghi với sự “tự lập” (?), chí ít đầu tiên là dần xa sự ôm ấp của mẹ, sau là dần quen tự ngủ.
Không bàn cách chăm con theo kiểu “tây” hay “ta”, cái nào tốt hơn, bởi khi lựa chọn, hẳn mỗi người đã xác định ích lợi của phương pháp đó. Tuy vậy, có một thực tế là mỗi con người đến lúc nào đó trong đời rồi cũng sẽ tự động rời xa vòng tay, sự chở che, bao bọc của cha mẹ mình bất kể trước đó được chăm sóc theo phương pháp nào. Sẽ tới lúc đứa trẻ ấy cần cái ôm người yêu hơn cái ôm của cha mẹ, đứa bé ấy muốn vượt ra khỏi sự can dự của cha mẹ để tự quyết định từ cái quần, cái áo, đôi giày, đến việc học, việc làm, bạn bè, tiền bạc, mua đất, chọn kiểu nhà cho chính mình. Thế thì tại sao chúng ta lại lo quá sớm rằng phải giáo dục con tự lập bằng cách “cắt” cái ôm và hơi ấm mình dành cho con từ khi con còn vài tuần tuổi hay vài tháng tuổi? Không có cái ôm của cha mẹ, con vẫn lớn, nhưng nếu “bỏ đói” cái ôm và hơi ấm dành cho con, chắc chắn đến lúc nào đó chúng ta hào phóng cho đi điều đó, con cũng đã tự nhiên không cảm thấy “đói” đến mức phải đón nhận.
Khi con lên 4 tuổi, bạn sực nhận ra phải thực hành câu nói “Mẹ yêu con” kèm cái ôm dành cho con mọi lúc, mọi nơi. Ban đầu bạn cảm thấy hơi “diễn” vì bạn thương con như cách mẹ bạn thương bạn. Nghĩa là thương thì thương thiệt nhiều, thương đến nặng lòng mà không nói ra vì thấy không cần thiết hay vì điều gì khác không thể lý giải được, đến lúc tự bản thân mẹ bạn và đến lượt bạn như bị chặn ở đầu lưỡi khi cần phải buông một câu thật từ đáy lòng: “Con thương mẹ”, “Mẹ yêu con”. Bạn thực hành cách nói yêu con và ôm con nhiều đến mức không nhớ một ngày nói bao nhiêu lần câu ấy và nếu không nói lại thấy thiếu thiếu, thậm chí thèm nói vô cùng, để rồi con bạn cũng tự nhiên ôm mẹ bật lên “Con yêu mẹ” mỗi ngày, mọi lúc, mọi nơi.
Bạn nói nhận ra điều này hơi trễ và đã lập tức “sửa sai”. Nhưng tính ra bạn sửa còn sớm, bởi biết bao bà mẹ trẻ khác như bạn sớm tập cho con làm quen không cần cái ôm của mẹ, sợ rằng đến lúc nhận ra mình muốn sửa cũng thật khó khăn.
CHÍCH BÔNG