.

Nhân lên niềm tự hào

.

Con cháu gặp nhau trong ngày gặp mặt hay giỗ chạp của từng dòng họ, chuyện khuyến khích học tập là một trong những chủ đề được bàn luận sôi nổi, được quan tâm nhất. Và những đứa con chăm ngoan, học giỏi được tôn vinh giữa bao thế hệ trong dòng họ, là điều tự hào của nhiều gia đình. Bởi thế, khuyến học dòng họ trở thành một phong trào sâu rộng, thực chất, như một đòn bẩy thúc đẩy việc học của con em các gia đình.

Ông Đặng Văn Hòa và ông Đặng Văn Thành giới thiệu những thành tích học tập mà con cháu tộc Đặng Văn đạt được trưng bày trong văn phòng khuyến học dòng họ.
Ông Đặng Văn Hòa và ông Đặng Văn Thành giới thiệu những thành tích học tập mà con cháu tộc Đặng Văn đạt được trưng bày trong văn phòng khuyến học dòng họ.

Trong khuôn viên rộng lớn của nhà thờ tộc Đặng Văn ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Chi hội Khuyến học của tộc có riêng một văn phòng. Căn phòng này có tượng chân dung ông tổ khai khoa tộc Đặng (người đỗ đạt đầu tiên của tộc); các giấy khen, giấy chứng nhận dòng họ hiếu học do các cấp hội, ủy ban quận trao tặng và đặc biệt là ảnh của các tiến sĩ, thạc sĩ là con cháu tộc Đặng.

Ông Đặng Văn Hòa, Chi hội trưởng Khuyến học của tộc Đặng giở trong tập hồ sơ khuyến học của mình, lấy ra cuốn báo cáo tổng kết 10 năm hoạt động khuyến học-khuyến tài dòng họ, mới thấy công việc này được các ông trong tộc rất coi trọng. Năm 2005, Hội đồng gia tộc tộc Đặng Văn bầu ra Ban Chấp hành Chi hội Khuyến học, qua 10 năm hoạt động, đã có 1.068 lượt em được trao tặng học bổng, với số tiền gần 161 triệu đồng. Năm 2016 này, tiếp tục có 137 em được trao học bổng nhân ngày giỗ Thỉ tổ tộc 12 tháng 6 âm lịch hằng năm.

Tộc trưởng tộc Đặng, ông Đặng Văn Thành cho biết, ông tổ tộc vào đất Non Nước vào khoảng thế kỷ 16, đến nay truyền được 16 đời. Trong gia phả của dòng tộc có ghi ông Đặng Nghiêm đỗ khoa Tiến sĩ đầu tiên của tộc Đặng vào năm 1185. Nên một số chi tộc Đặng lấy tên ông làm giải thưởng trao cho những em học sinh xuất sắc nhất thuộc 4 cấp học từ tiểu học đến đại học (năm nay tộc Đặng ở Khuê Mỹ xét giải thưởng này cho 3 cấp, trừ tiểu học). Dù dòng họ này có truyền thống với nghề chài lưới, nhưng mỗi gia đình vẫn coi trọng việc học của con. Như ở Đà Nẵng có gia đình ông Đặng Văn Phu, hai ông bà bán hàng tạp hóa, nuôi 5/6 con tốt nghiệp đại học; ông Đặng Văn Nhung làm nghề biển có 6 con tốt nghiệp đại học; ông Đặng Văn Hòa có 3 con tốt nghiệp đại học, 1 có học hàm tiến sĩ…

Trên bảng vàng trong văn phòng khuyến học tộc Đặng có chân dung 8 người có học vị tiến sĩ, 12 người là thạc sĩ, hiện đang làm việc ở Đà Nẵng và một số ở nước ngoài. Ông Đặng Văn Hòa gọi gia tộc mình là “tiến kịp với xã hội. Chính sự gắn kết trong gia tộc, con cháu biết truyền thống dòng họ, cộng với việc phát thưởng cho các em học giỏi trước gia tộc hằng năm đã tạo nên sự khích lệ vấn đề học tập trong các gia đình và bản thân các em. Chúng tôi cũng rất mừng là nhiều em từng nhận học bổng của gia tộc, giờ quay về ủng hộ các thế hệ sau. Vậy là chuyện khuyến học của các thế hệ trước sẽ có con cháu kế tục”.

Nhiều tộc họ ở Đà Nẵng như tộc Phan ở Đà Sơn (quận Liên Chiểu), tộc Ngô ở phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), tộc Đàm ở Mỹ Khê (quận Sơn Trà), tộc Lâm ở Hòa Phong (huyện Hòa Vang)… đã thành lập phong trào khuyến học dòng họ suốt hơn 10 năm qua, tạo nên những “thành tựu” vẻ vang, thông qua việc nhà nhà có con cháu học hành tấn tới, đỗ đạt và thành công thông qua con đường học vấn. Còn nhớ một cụ ông ở tộc Đặng, xã Hòa Phong từng bảo rằng, việc con cháu thành đạt giúp cho những người già yếu như cụ cảm thấy “mát lòng mát dạ”, nhất là khi ra giữa họ tộc. Bởi cái truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Quảng nhiều đời nay đã được khẳng định, ghi danh.

Bà Đặng Thị Hồng, vợ ông Trần Đình Quốc (họ Trần Đình là một trong những dòng họ có phong trào khuyến học mạnh ở làng Yến Nê 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), nhắc lại những ngày hai ông bà tần tảo làm gần một mẫu ruộng, nuôi một đàn heo mấy chục con, nuôi cá, nấu xì dầu, nấu rượu… để nuôi 5 đứa con gái học đại học, trong đó có hai cô đã lấy bằng thạc sĩ. Bây giờ bà thảnh thơi hơn vì chỉ còn nuôi một thằng út học thêm 3 năm đại học nữa. Gia đình ông Quốc cách đây nhiều năm là số hiếm, vậy mà giờ trở thành số đông ở xã Hòa Tiến này, khi rất nhiều gia đình cha mẹ làm ruộng, mà cả đàn con đều học hành, thành đạt.

Ông Trần Đình Quy, 81 tuổi, Trưởng ban hội đồng gia tộc Trần Đình cho biết, năm 1994, khi thành lập hội đồng gia tộc, nội dung khuyến học được đưa vào chương trình hoạt động, với số tiền quyên góp được 3 triệu đồng. Vậy mà phải đến năm 2008 gia tộc mới thực hiện được việc trao học bổng cho con em. Sau 8 năm có hội khuyến học tộc Trần Đình, nguồn quỹ thu được trên 300 triệu đồng, số tiền chi ra làm phần thưởng cho học sinh được trên 200 triệu đồng, vẫn còn 128 triệu đồng tiền quỹ gửi ngân hàng.

Vuốt hàm râu bạc trắng như cước, ông Quy đọc những dòng ghi chép trong cuốn sổ tay, mắt không cần đeo kính lão: Năm 2012, gia tộc có 8 tiến sĩ, 12 thạc sĩ, 6 bác sĩ, 2 phó giáo sư; thì đến năm 2016 đã có 30 thạc sĩ, 7 bác sĩ, 8 tiến sĩ, 2 phó giáo sư, 1 giáo sư, 272 người tốt nghiệp THPT, trên 200 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Trong 8 người con của ông Quy, có 3 người là kỹ sư, cử nhân, cháu nội của ông đang học tiến sĩ ở Nhật. Ông bảo, chính tình cảm gắn bó của những người trong gia tộc là phương pháp tốt nhất để giáo dục con cháu yêu thương nhau, gắn bó với nhau trong một gia đình lớn. Chính từ đây, việc các cháu nhìn nhau để phấn đấu trong việc học; việc trở thành người tài, người tốt cũng là cái gốc bền vững cho xã hội phát triển. Khuyến học dòng họ vì thế nhiều năm qua luôn đạt kết quả cao, khuyến khích ý chí phấn đấu, lòng say mê việc học ở nhiều người, giúp thành phố có thêm nhiều người tài, người giỏi.

Đến cuối năm 2013, toàn thành phố có 114.573 gia đình đăng ký danh hiệu “Gia đình hiếu học” (GĐHH), có 77.577 gia đình đạt danh hiệu GĐHH; có 193 dòng họ đăng ký “Dòng họ hiếu học” (DHHH), có 174 dòng họ đạt danh hiệu DHHH, tỷ lệ 90%.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.