“Nâng nhẹ một cây lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say”. Không biết có phải do lời bài hát “Hoa trinh nữ” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mà cây Mắc cỡ (còn có tên Ngủ ngày, Xấu hổ) được gọi khá phổ biến là Trinh nữ.
“Mắc cỡ trừ thấp, an thần/Khớp đau, tê bại tay chân nên dùng”. Ảnh: P.C.T |
Cái tên Trinh nữ mỹ miều nhưng không ít lần gây nhầm lẫn với vị thuốc/ cây thuốc Nữ trinh trong Đông y. Tôi từng gặp trong một bài viết giới thiệu bài thuốc chữa thấp khớp của một lương y nổi tiếng ở Đà Nẵng có vị thuốc Trinh nữ căn (rễ Trinh nữ) lại cước chú tên khoa học của cây Nữ trinh - Ligustrum lucidum. Trong một ấn phẩm của một học giả nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh, có vị thuốc Nữ trinh diệp (lá Nữ trinh), lại được dịch là Lá Trinh nữ (Mắc cỡ).
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Mắc cỡ có tên khoa học Mimosa pudica L., thuộc họ Ðậu - Fabaceae. Một số tài liệu khác ghi thuộc họ (hay phân họ) Trinh nữ - Mimosoideae. Tài liệu tiếng Hán thường gọi là Hàm tu thảo - 含羞草 (tu là xấu hổ, thẹn thùng; hàm tu là có vẻ thẹn thùng).
Mắc cỡ là cây nhỏ, phân nhiều nhánh, có gai hình móc. Lá kép lông chim chẵn hai lần, nhưng cuống phụ xếp như hình chân vịt, khẽ đụng vào là cụp lại (như biết xấu hổ, mắc cỡ). Mỗi lá mang 15-20 đôi lá chét. Hoa màu tím đỏ, nhỏ, tập hợp thành hình đầu, có cuống chung dài, ở nách lá. Cụm quả hình ngôi sao, quả thắt lại giữa các hạt, có nhiều lông cứng. Mùa hoa quả tháng 6-8.
Cây của châu Mỹ nhiệt đới được truyền vào nước ta, mọc ở ven đường đi, các bãi cỏ, bờ bụi. Cành lá thu hái vào mùa khô, dùng tươi hay phơi khô. Rễ đào quanh năm, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô.
Toàn cây chứa alcaloid là minosin và crocetin, còn có flavonosid, các loại alcol, acid amin, acid hữu cơ. Hạt chứa chất nhầy, lá chiết ra một chất tương tự adrenalin. Trong lá và quả đều có selen.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Mắc cỡ có vị ngọt, se, tính hơi hàn, có ít độc, có tác dụng an thần, dịu cơn đau, long đờm, chống ho, hạ nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu. Thường dùng trị: suy nhược thần kinh, mất ngủ; viêm phế quản; suy nhược thần kinh ở trẻ em; viêm kết mạc cấp; viêm gan, viêm ruột non; sỏi niệu; phong thấp tê bại; huyết áp cao. Dùng 15-30g dạng thuốc sắc (có thai không dùng). Dùng tươi giã đắp bên ngoài trị chấn thương, viêm mủ da, dời leo.
Rễ cây cũng được dùng uống trị sốt rét, bế kinh, hen suyễn, dùng gây nôn. Hạt dùng trị hen suyễn và gây nôn. Ở Dominica, nước hãm của Mắc cỡ với Cỏ voi (Panicum maximum) dùng điều trị bệnh phổi. Nghiên cứu dược lý mới chứng minh toàn cây Mắc cỡ có hoạt tính chống HIV.
Ðơn thuốc:
1. Suy nhược thần kinh, mất ngủ: Mắc cỡ 20g sắc uống. Hoặc phối hợp với Lạc tiên 15g, Muồng ngủ 10g, sắc uống hằng ngày vào buổi tối.
2. Viêm phế quản mạn tính: Mắc cỡ 30g, rễ lá Cẩm 16g sắc uống, chia làm hai lần trong ngày.
3. Ðau ngang thắt lưng, nhức mỏi gân xương: Rễ Mắc cỡ tẩm rượu sao vàng 20-30g sắc uống, dùng riêng hay phối hợp với rễ Cúc tần và Bưởi bung, mỗi vị 20g, rễ Ðinh lăng và Cam thảo dây, mỗi vị 10g.
4. Chữa thấp khớp: Rễ Mắc cỡ 20g ngâm rượu uống. Hoặc dùng: Mắc cỡ, Hy thiêm, Tầm xoọng, Dây đau xương, Thiên niên kiện, Thổ phục linh, Tục đoạn, Kê huyết đằng, Dây gắm mỗi vị 12g, sắc uống hằng ngày.
5. Nhức mỏi, sưng phù: Toàn cây mắc cỡ thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, sắc uống hàng ngày 20-30g thay trà.
6. Viêm gan vàng da: Mắc cỡ (toàn cây), Trâm bầu (lá và ngọn), Bách bệnh (rễ), mỗi vị 15g, sắc uống hàng ngày, có tác dụng bảo vệ gan và lợi mật.
7. Trị bế kinh, viêm dạ dày mạn tính, đau đầu mất ngủ, hoa mắt, trẻ em tiêu hóa kém: Rễ mắc cỡ 10-20g sắc uống.
8. Chữa bệnh AIDS, sốt nhẹ, da nổi mẩn đỏ, chảy nước: Mắc cỡ, Trắc bá diệp, Rau sam, Thảo quyết minh, Thạch lựu bì, các vị bằng nhau, nấu nước đặc để tắm rửa. lại dùng 2g bột Hùng hoàng trộn lòng trắng trứng gà bôi chỗ lở loét.
PHAN CÔNG TUẤN